30 thg 11, 2013

Hình ảnh từ BV Nhi đồng 2 (22.11.2013)


Hôm nay, nhóm tình nguyện đã đến với các em Bệnh viên Nhi Đồng 2 và bài giảng chính lần này chúng tôi đem đến cho các em là "Cấu tạo của tai". Trong dịp này, các em cũng được làm quen với các dụng cụ y tế. Được tận tay cầm "ống nghe", các em tỏ vẻ vô cùng hứng thú. Chúng tôi hi vọng những trải nghiệm hữu ích này sẽ giúp các em tự tin hơn, dũng cảm ơn khi được các bác sĩ thăm khám.




Ảnh: Libra Pici

28 thg 11, 2013

CHỨNG SUY GIẢM THỊ LỰC (MẮT LƯỜI) Ở TRẺ EM


Nguyên nhân thực sự gây chứng suy giảm thị lực
- Suy giảm thị lực (mắt lười) là tình trạng não không nhận được thông tin từ một bên mắt, làm hình ảnh trở nên mờ và nhoè. Phầnlớn trường hợp là không có khiếm khuyết cấu tạo nào của mắt trong "chứng mắt lười", mặc dù bệnh có thể không đáng kể hoặc nặng thêm - đưa đến tình trạng lát mắt (lé mắt).
- Vào thế kỉ 19, có bước tiến quan trọng về giải phẫu mắt, nhưng mãi đến những năm 1930, các nhà khoa học mới khám phá ra việc nhìn cần phải được học tập. Đây là một bất ngờ lớn vì trước đây người ta nghĩ rằng nhìn là tự động, như thở hay tiêu hoá vậy.
- Những nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em đã chứng minh điều này. Con người được sinh ra với phản xạ nhìn cơ bản, nhưng ta cần phải học cách sử dụng đôi mắt. Khi một em bé mở mắt lần đầu tiên, hai mắt không tự động cùng làm việc với nhau như một đôi mắt, và thực tế là nhiều em bé sinh ra với đôi mắt bị lát (mắt lé).
- Trong vài tháng đầu đời, chúng ta phải học cách vận động hệ thị giác. Não hình thành những liên kết nơron làm cho hai mắt cùng làm việc như một đôi mắt và tập trung vào cùng một vật ở cùng một thời điểm. Quá trình này phụ thuộc vào việc cả hai mắt nhận được cường độ kích thích như nhau. Nếu một bên mắt không nhận đủ kích thích, liên kết nơron bị đứt và não thường sẽ không nhận được thông tin từ mắt bên đó, làm con mắt trở nên "lười".

Một kiểm tra đơn giản cho mắt bị suy giảm thị lực
- Đặt em bé trong nôi mà một bên mắt nhìn thấy một thế giới ánh sáng, màu sắc và những hình chuyển động; ngược lại, mắt kia chỉ nhìn thấy bức tường có thể gây chứng suy giảm thị lực. Kết quả là một bên mắt ưu thế được não sử dụng để nhìn nhiều và một bên mắt bị não lãng quên.
- Nếu có một mắt bị suy giảm thị lực, hệ thị giác sẽ mất cân bằng như một động cơ ôtô bốn bánh mà chỉ có hai bánh chạy tốt. Chiếc ôtô như vậy sẽ chạy không nhanh và tốn nhiều năng lượng. Cũng như vậy, người có một mắt bị suy giảm thị lực thường phải chịu việc cảm nhận không sâu và phối hợp mắt kém, đọc, hiểu khó khăn.
- Nhiều người vẫn có một bên mắt ưu thế hơn mặc dù thị giác bình thường, cũng chỉ giống như thuận tay trái hay thuận tay phải. Miễn là bên mắt thuận khônng quá ưu thế thì không vấn đề gì.
- Rất dễ kiểm tra chứng suy giảm thị lực. Nhìn vào một vật sáng, sau đó dùng tay che một mắt lại, sau đó di chuyển bàn tay để che mắt kia. Lùi lại và tiến tới với mỗi bên mắt vài lần. Nếu ảnh hai mắt nhìn thấy gần như sáng và rõ như nhau, tức hệ thị giác cân bằng. Nhưng nếu ảnh của một bên nhoè và mờ hơn đáng kể, tức là đã mắc chứng suy giảm thị lực.

Điều trị chứng suy giảm thị lực
- Suy giảm thị lực và lác mắt thường có thể được cải thiện hoặc chữa trị bằng cách che bên mắt thuận trong thời gian dài để buộc bên mắt "lười" phát triển. Nghiên cứu cho thấy thời gian che bên mắt thuận càng dài thì kết quả càng tốt. Nhiều bác sĩ mắt khuyên bịt hoàn toàn bên mắt thuận bằng băng y tế tối màu trong vài ngày. Nếu đeo kính, có thể che một bên tròng kính lại.
- Tất nhiên, không phải chỉ cần làm bên mắt lười khá hơn là hệ thị giác tự động cân bằng trở lại. Nếu che một bên mắt không có tác dụng, có những công nghệ khác, như luyện tập, tiêm thuốc vào cơ mắt. Cuối cùng là phẫu thuật và các bài tập sau đó.

Trích dẫn và biên dịch: Dr. Merrill J. Allen, Dr. Steven M. Beresford, 
Dr. Francis A. Young (American Vision Institute) 

Tác giả: Lam Tuong Nguyen

26 thg 11, 2013

Trần Thị Hoàng Anh - Luôn cười bằng cả trái tim.


Phó ban hoạt động, chịu trách nhiệm trong các báo cáo về CTV và hoạt động của ban, Hoàng Anh thích thú chia sẻ: “Điều mình tâm huyết nhất ở ‘Bé khỏe Bé ngoan’ cũng chính là mục tiêu của CLB: mang niềm vui và kiến thức đến với các bé bệnh nhi.


Chị tâm sự: “Các bé cũng giống như tờ giấy trắng vậy, nhưng những tờ giấy trắng ấy không được đóng vào một cuốn sổ thật đẹp và viết những điều thật hay. Điều chúng ta đang làm chính là tô vẽ cho những tờ giấy trắng ấy những điều hay ý đẹp”. Cuộc trò chuyện tuy không dài, nhưng có thể phác họa được tâm hồn của một cô gái luôn cười bằng cả trái tim.

PV: Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất từ ngày hoạt động ở CLB?

Đó là lần đầu tiên đi dạy ở bênh viện Ung Bướu, hôm ấy học bài rửa tay và có một cô bé với khuôn mặt cực kì dễ thương đã làm mình nhớ mãi.

Chuyện là, khi cô bé giơ tay để lấy nước rửa, bé hồn nhiên bảo: “Cô ơi! Tay con bị đau rồi”. Nhìn xuống thì mình thấy tay phải của em đang phải gắn kim luồn. Thoáng nghĩ, kiểu này bé sẽ không thể tham gia vào bài học, nhưng đôi mắt háo hức của em cứ xoáy thẳng vào tim mình. Cuối cùng, mình bảo bé chờ một chút xíu thôi, sau khi lo cho các em khác xong, mình quay lại, ngồi xuống cạnh em: “Bây giờ cô 1 tay, con 1 tay, chúng ta cùng rửa tay sạch nha”. Đôi mắt bé cười ánh lên niềm vui làm mình vô cùng hạnh phúc.


PV: Có bao giờ chị cảm thấy áp lực khi phải giải quyết nhiều công việc cùng một lúc?

Có chứ! Có những lúc cảm thấy muốn từ bỏ tất cả luôn í, nhưng cứ nhớ tới những nụ cười thật tươi, những cái ôm ghì của các bé, mình cảm thấy mình sẽ bỏ lỡ nhiều điều ý nghĩa lắm nếu mình từ bỏ

PV: Làm việc chung với nhiều CTV, làm sao chị có thể hướng họ đến mục đích chung của CLB? 

Theo mình, bất kì CTV nào đến với CLB đều mang trong mình một tình yêu, sự cảm thông và mong ước được đem lại những điều tốt nhất cho các bé bệnh nhi. Làm việc chung thì không tránh được việc đôi khi xảy ra bất đồng quan điểm, nhưng chính vì mục tiêu to lớn của CLB đã kéo chúng ta lại gần nhau và tiếp tục đi trên một con đường


PV: Làm trợ giảng cho các buổi dạy, chị cảm thấy thế nào?
Nhìn các bé háo hức đón chờ những bài học mới, mình cảm tưởng như chính bản thân mình được hưởng niềm hạnh phúc vậy. Thật sự, không từ ngữ nào diễn tả được cảm xúc ấy cả, còn vui hơn cả niềm vui lúc nhỏ được mẹ mua quà. Có lẽ vì cảm giác khi đem lại cho ai đó nụ cười, thì chính bản thân mình sẽ nhận lại được gấp đôi.

Không chỉ làm trợ giảng, mình còn làm cả hậu cần. Mình rút ra được là, mỗi vị trí đều có những yêu cầu nhất định. Nhiều bạn cứ nghĩ rằng, giỏi thì làm giảng chính, dở thì làm hậu cần. Sai hoàn toàn nhé! Có trải qua mới biết làm hậu cần không hề dễ, phải nắm rõ trình tự bài giảng, chuẩn bị dụng cụ dạy đầy đủ, linh hoạt trong mọi tình huống, biết quan sát và hỗ trợ người giảng chính kịp lúc.

PV: Chị nghĩ CLB cần điều gì vào lúc này nhất?
Theo mình, bây giờ và mãi mãi về sau, điều mà CLB cần nhất đó là lòng nhiệt thành và tình yêu của các bạn dành cho bệnh nhi.

PV: Cảm ơn chị.


Thông tin bổ sung
1. Họ tên: Trần Thị Hoàng Anh
2. Ngày sinh: 16/08/1990
3. Cung hoàng đạo: Sư tử
4. SV năm thứ 5 - ĐH Y Dược 
5. Sở thích: hát hò, nhảy múa tứ lung tung…
6. Màu sắc đại diện: 7 sắc cầu vồng 
7. Dùng 3 từ miêu tả về bạn: hiền pha lẫn chút điên :))
8. Ước mơ lớn nhất: có thể chữa bệnh cho thật nhiều người, 
đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.



Thực hiện: Trâm Anh

25 thg 11, 2013

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em.





Rối loạn dị ứng là một trong những bệnh mãn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Bất kỳ em bé nào cũng có thể bị dị ứng, nhưng những trẻ sinh ra từ các gia đình có tiền sử dị ứng sẽ có nguy cơ bị dị ứng cao hơn.

Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ về viêm mũi dị ứng - phổ biến nhất trong tất cả các loại dị ứng ở trẻ em. Việc xác định sớm các vấn đề về dị ứng ở trẻ sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm số ngày phải nghỉ học của bé và cha mẹ có thể yên tâm trong công việc mà không phải quá lo lắng về tình trạng của bé.

Viêm mũi dị ứng gây ra chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt hoặc tắc nghẽn mũi. Bên cạnh đó, trẻ bị dị ứng cũng có thể bị ngứa mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt và gặp các vấn đề tai mãn tính. Loại dị ứng này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào của năm - theo mùa hoặc quanh năm và không gây ra sốt.
- Nghẹt mũi:
Dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất của nghẹt mũi mãn tính ở trẻ em. Đôi khi mũi của một đứa trẻ bị ách tắc (bị chặn) khiến bé phải hít thở qua miệng, đặc biệt là trong khi ngủ. Điều này cũng có thể làm trẻ không có được một đêm ngủ ngon giấc và sau đó trở nên mệt mỏi vào ngày hôm sau. Nếu việc tắc nghẽn và thở bằng miệng không được điều trị kịp thời, có thể có những thay đổi bất thường về sự phát triển của răng và xương khuôn mặt.

- Nhiễm trùng dị ứng và taiDị ứng dẫn đến viêm tai và có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng dẫn đến nhiễm trùng tai và giảm thính lực. Nếu điều này xảy ra khi bé đang tập nói, khả năng ngôn ngữ nói sẽ bị suy giảm đáng kể. Dị ứng có thể gây ra đau tai cũng như ngứa tai, nặng hơn là viêm tai mãn tính.

Bác sĩ sẽ điều trị viêm mũi dị ứng cho bé như thế nào?- Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc có tác dụng giảm viêm.
+ Thuốc chống dị ứng hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của histamin thường ở dạng lỏng hoặc xi-rô dùng cho trẻ nhỏ.
+ Thuốc xịt mũi được sử dụng để cung cấp thuốc chống dị ứng và steroid để đường mũi và thường được sử dụng ở trẻ em trên 6 tuổi. Thuốc xịt mũi chống dị ứng giúp giảm các triệu chứng ngứa và hắt hơi trong khi steroid được sử dụng để kiểm soát chứng viêm màng mũi và có thể giúp giảm các triệu chứng mắt .
+ Thuốc nhỏ mắt có thể đặc biệt hiệu quả nếu các triệu chứng mắt là một trong những triệu chứng chính của viêm mũi dị ứng. Nhiều thuốc nhỏ mắt có chứa cromoglicate , hoạt động bằng cách ngăn chặn các phản ứng của các tế bào giải phóng histamin trong một phản ứng dị ứng và có thể là một lựa chọn kháng histamin hữu ích trong việc ngăn ngừa phản ứng dị ứng.

Các biện pháp phòng tránh viêm mũi dị ứng - Đầu tiên, việc xét nghiệm dị ứng sẽ rất hiệu quả trong việc xác định chất gây dị ứng gây ra các triệu chứng của viêm mũi. Đối với một số chất gây dị ứng, cha mẹ có thể chú ý cách ly các nhân tố gây dị ứng như động vật và vật nuôi của gia đình mình và gia đình người khác.
- Nhà cửa và các đồ dung nội thất mềm như thảm trải, nệm cần được hút bụi vì bụi và nấm mốc là những mối nguy cơ gây dị ứng cao.
- Tránh cho bé đi ra ngoài vào những ngày nhiều gió hoặc sau cơn dông
- Đeo kính mặt trời để bảo vệ đôi mắt của bé.
- Phụ huynh nên rửa mặt và mái tóc cho bé nếu bé vừa vui chơi bên ngoài về (vì các hạt phấn hoa có xu hướng dính vào da và tóc của bé)
- Cửa sổ giữ tắt đặc biệt là vào buổi sáng và buổi tối (khi phấn hoa được phát tán ra ngoài không khí)
- Tránh phơi quần áo ngoài trời ban đêm vì phấn hoa có thể bám vào quần áo của bé.

Biên dịch và tổng hợp: Phương Anh.
Nguồn tham khảo http://www.allergyuk.org/ 

#21: Trích Nhật ký tập huấn cộng tác viên


Nhân dịp Chuỗi chương trình huấn luyện Quản trò lần đầu tiên được đưa vào chương trình huấn luyện của Câu lạc bộ.

"Chỉ trong chừng hơn một tiếng của buổi sinh hoạt quản trò ngày hôm nay, tôi đã trở lại cái tuổi lên bảy, lên tám thuở nào, bằng lời ca và tiếng cười thích thú. Cùng với những “đứa trẻ” khác, với chút ngỡ ngàng ban đầu khi mới “làm quen”, chúng tôi đã cùng tạo nên một buổi sinh hoạt thành công hơn mong đợi.

Có lẽ đúng như anh Nam Anh đã nói, âm nhạc mang con người đến gần nhau hơn. Vậy nên, trong suốt khoảng thời gian tôi có mặt ở đó, tiếng hát, tiếng cười cứ vang lên, hòa lẫn trong những giai điệu tươi vui nối liền không dứt. Đã qua rồi cái tuổi con nít bé xíu xiu thích hát, thích cười, thích đùa vui, nhưng hôm nay, tôi chợt nhận ra việc chơi đùa mang lại cho ta nhiều điều hơn cả niềm vui. Đó là sự kết nối nhanh chóng của những con người lúc đầu hãy còn xa lạ sau một trò chơi. Ta có thể sẽ nhanh chóng quên tên của người mới bắt tay chào mình, nhưng sẽ không quên một người đã cùng hát, cùng chơi , cùng “nắm cái tay”, “nắm cái chân”, “nắm cái mũi” đầy hồn nhiên. Vậy nên, thật dễ hiểu khi những khoảng cách mà tuổi tác và bệnh tật tạo nên bị xóa nhòa, trong niềm vui của cả người dạy và các em nhỏ từ những trò chơi nho nhỏ đó.

Chưa có một buổi sinh hoạt hay buổi học nào trước đó mà tôi vỗ tay nhiều đến vậy. Đau và đỏ lên, nhưng tay tôi vẫn liên hồi đập vào nhau theo nhịp, miệng nhẩm theo những bài hát.Cho đến tận lúc phải ra về, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng cười vui vẻ vang trong căn phòng sinh hoạt quen thuộc. Khoảnh khắc đó, tôi nghĩ rằng, việc mang lại nụ cười cho các em, có lẽ không phải là một điều quá xa xôi."

Tác giả: Cathy Duong

24 thg 11, 2013

#20

Khi đứa bạn thân rủ tôi tham gia hoạt động của một CLB trong trường tên là Bé Khỏe Bé Ngoan, tôi nửa tin nửa ngờ, nửa đùa nửa thật hỏi nó: “Tao có được lợi gì ko? Là công việc từ thiện có được tính điểm công tác xã hội không?” Đứa bạn thật thà bảo chẳng có lợi gì cả, tôi muốn đi hay không thì tùy, nó cũng không nài. Lạ cái là, một thằng có vẻ ngổ ngáo, vô tâm như tôi mà lại như có cái gì thôi thúc là tôi nên thử đi một buổi trợ giảng ở bệnh viện Nhi Đồng. 

Tôi được thông báo là sẽ cùng chị chủ nhiệm CLB tổ chức một buổi dạy học cho các bệnh nhi. Trước giờ tôi chưa từng dạy học cho ai. Ý thức giáo dục với tôi có khi còn bị xen ngang bởi những ước mơ kiểu như “game thủ chuyên nghiệp”. Tôi không hồi hộp, cũng không trông chờ điều gì. Cái kiểu người tôi thế, không hay thiên về cảm xúc.

Rồi tôi cũng gặp bọn trẻ. Nhỏ có, lớn có. Tôi không đoán được tuổi để tìm cách làm thân với các em được vì các em trông nhỏ con lắm. Đứa bạn biết tôi còn lạ việc nên cũng dẫn tôi đi làm quen với các em. Nó bảo em Và 10 tuổi, em Dềnh 15 tuổi. Tôi nghe mà nghe lòng mình đôi chút hoang mang. Ở tuổi này, bọn trẻ ngoài kia đã học được bao nhiêu thứ, có khi còn chán ngán trường lớp. Còn các em thì...chỉ qua qua lại lại với nào là thuốc, là máy chạy thận, là giường bệnh. Thế mà trong mắt các em, ánh sáng của niềm khao khát vẫn bừng lên không lẫn được vào đâu. 


Tôi cũng từng nghe nhiều điều về sức sống mãnh liệt, về niềm tin, về nỗi khát khao. Nhưng đến tận hôm nay, cái tôi cứng nhắc của tôi mới thực sự động lòng về ý nghĩa của chúng khi chứng kiến không khí trong phòng học của các bệnh nhi.

Người ta có thể nghĩ rằng bọn trẻ ở đây sinh ra đã chẳng có một lựa chọn nào ngoài việc chịu đựng căn bệnh và chờ đợi một kết thúc. Nhưng chính các em đã cho thấy rằng bản thân các em vẫn có lựa chọn và các em chính là những đứa trẻ thông minh nhất, mãnh liệt nhất khi chọn sống từng phút từng giây với khao khát học hỏi của mình. Nhóc Tùng bé con cứ đứng lên đứng xuống mỗi khi cô giáo đặt câu hỏi. Bé Và tuy cứ im im không chịu lên thực hiện thí nghiệm nhưng có một cộng tác viên đến động viên là em lên ngay, còn hào hứng lắm. Chả bù với nhóc Bi hiếu động, cứ chạy lên chạy xuống liên tục.

Tôi hiểu rằng dù khoảng thời gian còn lại rất ít nhưng chúng cũng rất cần được học và hiểu biết về thế giới xung quanh của mình. Đối với những đứa trẻ ở đây, điều này mới thật sự là hạnh phúc là vui vẻ. Chúng ta cố gắng làm hết khả năng của mình, dù chúng ta có làm được bao nhiêu chăng nữa không quan trọng vì những đứa bé này khi mà chúng ở trên thiên đàng các thiên thần sẽ làm nốt phần việc còn lại của chúng ta.

[Ẩn danh]
Hình ảnh: Phơ Tơ Ráp Phiều

Buổi tập huấn "Học qua phim"


Buổi chiều ngày 16/11/2013, tại giảng đường Trường Đại học Y Dược TPHCM, CLB đã tổ chức Buổi tập huấn "HỌC QUA PHIM" cho các bạn CTV - những người vừa tham gia hoạt động tình nguyện, vừa phải đảm bảo việc học rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và mất thăng bằng.

Với sự tham gia quý báu của Cô Bảo Châu, Giám đốc Trung Tâm Học Tập và Phát Triển Cộng Đồng Việt VLCDC , giảng viên của rất nhiều chương trình trò chuyện về phát triển bản thân, cô đã chia sẻ phương pháp để giữ thăng bằng trong cuộc sống và học tập, làm việc.

Ảnh: Anh Bi

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..