25 thg 1, 2014

Thư cảm ơn.

HỘI SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP.HCM
CÂU LẠC BỘ TÌNH NGUYỆN BÉ KHỎE BÉ NGOAN

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 01 năm 2014



THƯ CẢM ƠN



   Kính gửi: Quý mạnh thường quân.

   Lời đầu tiên, chúng tôi xin bày tỏ sự trân trọng của mình trước tình cảm quý báu và sự giúp đỡ thiết thực mà quý mạnh thường quân đã giành cho Câu lạc bộ. Thay mặt cho các bệnh nhi, chúng tôi xin ghi nhận sự quan tâm và tấm lòng nhân ái mà quý vị đã dành cho các em, cũng như gửi đến quý vị sự tri ân sâu sắc nhất.

   Câu lạc bộ Bé Khỏe Bé Ngoan được thành lập vào tháng 8 năm 2013, với mục tiêu giúp đỡ cho các bệnh nhi hiện đang lưu trú tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Các em hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong môi trường bệnh viện, sự khó khăn này càng tăng lên gấp bội. Bên cạnh sự đau đớn vì bệnh tật, các em thật sự đáng thương hơn vì không được học hành, vui chơi, giải trí bình thường như các trẻ em khác. Đến với các em, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những tuổi thơ bất hạnh và những ước mơ còn dang dở.
   Từ khi chính thức đi vào hoạt động, Câu lạc bộ đã tổ chức các buổi sinh hoạt đều đặn đến với bệnh nhi tại Bệnh viên Nhi Đồng 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Hiện tại, Câu lạc bộ cố gắng duy trì các buổi sinh hoạt này với tần suất 2 buổi/tuần. Nội dung của các buổi sinh hoạt là giúp cho các em trang bị các kỹ năng sống trong môi trường bệnh viện, bên cạnh đó còn truyền dạy các kiến thức xã hội, kiến thức phổ thông và sinh hoạt văn nghệ…, ban đầu, được các em nồng nhiệt đón nhận.

   Để duy trì các buổi dạy như thế này, bên cạnh sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ cộng tác viên, Câu lạc bộ cũng cần tạo nguồn tài chính để mua các trang thiết bị dạy học, tập sách, bút viết, quà tặng… nhằm hỗ trợ các em và phục vụ cho việc giảng dạy. Trong thời gian đầu thành lập, Câu lạc bộ còn gặp một số khó khăn về tài chính, tuy nhiên, với khát khao cống hiến và sự hỗ trợ kịp thời của các mạnh thương quân, Câu lạc bộ luôn tâm niệm phải vượt qua mọi khó khăn để đến với các trẻ em bất hạnh như mục tiêu ban đầu của Câu lạc bộ và đáp lại sự kỳ vọng của các mạnh thường quân.

   Nhân đây, Câu lạc bộ xin gửi lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất đến quý mạnh thường quân đã quan tâm và hỗ trợ cho Câu lạc bộ. Sự ủng hộ của quý vị là niềm động viên lớn lao và vô giá cho chúng tôi trong hình trình hướng đến các bệnh nhi.

   Kính chúc quý mạnh thường quân luôn dồi dào sức khỏe, thành công và nhân ái.
   Trân trọng.

Chủ nhiệm CLB,
Đào Nguyễn Phương Linh

#28


Tôi gặp em trong một buổi học của câu lạc bộ vào những tuần cuối cùng của năm. Có lẽ vì quá hồi hộp trong lần đầu làm giảng chính, tôi đã vô tình hỏi em: "Con có thấy miếng băng keo cô cầm không Lộc?". Để rồi lặng người đi khi nghe các em khác khẽ nhắc: "Nó không thấy được nữa cô ơi..."
Căn bệnh suy thận mạn mà em chống chọi suốt một năm nay với bao nhiêu lần chạy thận đã biến chứng sang đục thủy tinh thể!
Em ngồi bàn đầu tiên. Đầu em hơi cúi, gương mặt bầu bĩnh buồn buồn, thỉnh thoảng lại nghiêng đầu về phía tôi chăm chú. Giờ thực tập xử lý chảy máu, tôi cầm tay em đặt lên miếng băng keo, chỉ em cách gỡ nó để dán lên vết thương. Những ngón tay bé xíu ấy lóng ngóng nắm chặt lấy mép băng keo, nhưng không một lần em buông tay. Từng chút một, em cẩn thận mò mẫm gỡ ra, để dán như được dạy.
Câu lạc bộ lì xì cho các em trước khi nghỉ Tết. Đến lượt mình, Lộc khoanh tay, khe khẽ nói với tôi “Chúc các anh chị trong câu lạc bộ năm mới mạnh khỏe và học giỏi.” “Con thích bao lì xì màu nào vậy Lộc?”. “Dạ, màu vàng”. Trong phút chốc, tôi thấy đăng đắng nơi cổ họng. Liệu trong thế giới của em, sẽ có một màu vàng của nắng mang tên chúng tôi?

Bài viết: Dương Thanh Huyền (Cathy Dương)
Hình ảnh: Quốc Anh

Bạn có thể xem lại bài viết về Lộc ở đường dẫn sau:
http://clbbekhoebengoan.blogspot.com/2014/01/cau-chuyen-cua-loc.html

24 thg 1, 2014

TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG CHO BÉ VÀO MÙA LẠNH

Để bé có một mùa đông ấm áp, khỏe mạnh thì việc tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch thật tốt giúp đánh bật các mầm bệnh và tác nhân gây hại cho sức khỏe xung quanh bé. Vì vậy, một chế độ sinh hoạt hợp lý và dinh dưỡng đầy đủ, cân đối chính là chìa khóa gỡ bỏ mọi lo lắng của mẹ.

Tạo thói quen sinh hoạt cho bé
- Mọi sinh hoạt của bé cần phải có một thời gian biểu hợp lý. Hãy để bé sinh hoạt một cách điều độ, ăn đúng bữa và ngủ đúng giờ. Điều đó sẽ rất có lợi cho các cơ quan trong cơ thể bé có thể làm việc hiệu quả hơn, tăng cường hệ miễn dịch trong bé.
- Ngoài ra, cần lưu ý là giấc ngủ của bé rất quan trọng vì khi ngủ, các cơ quan trên cơ thể sẽ được nghỉ ngơi sau một ngày hoạt động. Có rất nhiều cha mẹ vì sợ con nhiễm lạnh vào ban đêm mà để bé măc áo dày cộp và đóng kín cửa, điều đó không hoàn toàn đúng. Cách nên làm là các mẹ hãy để phòng ngủ kín gió nhưng vẫn hé cửa để con có một không gian thật thoáng cho giấc ngủ sâu. Mặc cho bé một chiếc áo len mỏng, điều đó sẽ thực sự làm bé thoải mái hơn đó các mẹ ạ.

Vệ sinh sạch sẽ
Thời tiết lạnh cũng chính là lúc vi khuẩn hoạt động mạnh hơn. Vì vậy, dù thời tiết có khắc nghiệt các mẹ đừng quên nhắc bé vệ sinh sạch sẽ để giảm nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh trong mùa này. Pha một chút nước ấm khi bé rửa tay trước khi ăn hoặc đánh răng cũng là cách làm giảm nguy cơ nhiễm lạnh, giúp bé không ngại tiếp xúc với nước vào mùa đông này nữa.

Vận động nhiều hơn
Nhiều bé vào mùa đông, do thời tiết lạnh nên có thói quen lười vận động. Các mẹ nên khuyến khích các bé năng ra ngoài và tiếp xúc với môi trường nhiều hơn, để cơ thể được hoạt động cũng như thích nghi được với mọi thay đổi của môi trường, và đầy lùi các tác nhân gây bệnh.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ & cân đối
- Để trẻ có một sức đề kháng thật tốt thì bữa ăn của bé phải đầy đủ các chất dinh dưỡng. Phân bổ linh hoạt và tăng cường các thực phẩm như tôm, thịt, trứng, cá, rau xanh… (đạm, chất béo,…).

- Không nên ép trẻ ăn quá no, hay quá nhiều một chất. Bởi hiện nay, nhiều trẻ dưới 5 tuổi đang lâm vào tình trạng ăn nhiều nhưng vẫn thiếu cân, chỉ đáp ứng 30-50% nhu cầu thực của trẻ. Ăn cân đối và đa dạng thực phẩm chính là biện pháp bổ sung dinh dưỡng tối ưu nhất.
- Ngoài ra, đối với các trẻ suy dinh dưỡng, thiếu cân, ngoài các chất dinh dưỡng cần thiết thì việc bổ sung vi chất cần thiết là điều quan trọng. Các vitamin như Vitamin A, C, E có tác dụng tích cực chống oxy hóa, giúp cho các tế bào miễn dịch hoạt động bền vững, tăng khả năng đáp ứng với các phản ứng miễn dịch. Các nguyên tố vi lượng như kẽm, selen cần thiết cho sự phát triển của hệ miễn dịch và điều hòa các thành phần của đáp ứng kháng viêm.

Sưu tầm nguồn: dantri.com.vn
Biên tập: Lam Tuong Nguyen

19 thg 1, 2014

CHỨNG MỘNG DU Ở TRẺ NHỎ


Ở trẻ nhỏ, mộng du phổ biến hơn nhiều so với người lớn, vì đa số những người bị mộng du lớn lên sẽ tự khỏi trước tuổi thiếu niên. Mộng du có thể là do di truyền.

Những nhân tố khác có thể gây ra tình huống mộng du (hiếm):
- Thiếu ngủ hay mệt mỏi
- Giờ giấc ngủ thất thường
- Bệnh hay sốt
- Một vài loại thuốc
- Stress

Những hành vi trong lúc mộng du
Tất nhiên, triệu chứng rõ ràng nhất là ra khỏi giường và đi lại khi vẫn còn trong giấc ngủ. Nhưng những người trẻ tuổi mộng du có thể kèm theo:
- Nói chuyện trong khi ngủ
- Khó thức giấc
- Có vẻ choáng váng
- Vụng về, lóng ngóng
- Không phản ứng khi được bắt chuyện
- Ngồi trên giường và lặp đi lặp lại những hành động
Có thể có người mộng du khi mắt vẫn mở, nhưng họ không nhìn thấy như lúc tỉnh táo. Họ thường nghĩ mình đang ở một căn phòng khác, ở một nơi khác.

Mộng du có hại không?
- Mộng du bản thân nó không có hại. Nhưng những tình huống mộng du có thể nguy hiểm vì một đứa trẻ mộng du trong tình trạng đang ngủ và không ý thức được mình đang làm gì.
- Mộng du thường không phải là dấu hiệu của sự bất thường cảm xúc hay tâm lý, và không gây tổn hại nào về xúc cảm. Người mộng du có thể sẽ không nhớ gì về việc đi dạo giữa đêm.

Những cách giúp giảm thiểu tình huống mộng du:
- Cho trẻ đi ngủ đúng giờ và nghe nhạc nhẹ nhàng, thư giãn
- Hình thành thời gian ngủ và ngủ trưa đều đặng - cả thời gian đi ngủ và thức dậy
- Cho trẻ đi ngủ sớm hơn, để cải thiện việc buồn ngủ quá lâu
- Đừng cho trẻ uống quá nhiều vào buổi chiều và chắc chắn rằng trẻ đã đi vệ sinh trước khi đi ngủ
- Tránh uống caffeine gần giờ ngủ
- Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, ấm cúng, dễ ngủ. Tránh tiếng ồn khi trẻ đang ngủ.

Nếu phát hiên trẻ đang mộng du, đừng sợ. Chỉ cần dẫn trẻ về giường an toàn và nhẹ nhàng.

Trích nguồn: Bs.Elana Pearl Ben-Joseph
Biên tập: Lam Tuong Nguyen

Hãy tham gia cùng chúng tôi tại:

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..