20 thg 9, 2013

19 thg 9, 2013

#6


Tôi đã ngập ngừng rất lâu, khi nghĩ về những đứa trẻ ấy, những em bé tôi gặp tại khoa Thận bệnh viện Nhi Đồng 2. Một chút thương cảm, một chút xót xa và một màn sương mơ hồ về tương lai. Tôi không biết cuộc đời các em sẽ rẽ sang những ngã rẽ nào với căn bệnh suy thận mãn gắn liền em với một cuộc sống chỉ có bệnh viện và thuốc thang, một cuộc sống chỉ ở giữa bốn bức tường trắng xóa, những chiếc áo blouse trắng, những chiếc kim tiêm cũng trắng đến đau lòng…

Tôi không biết những gì tôi làm hôm nay, là đem đến một phép màu hồn nhiên, tươi sáng nhưng cũng vụt trôi như cổ tích, hay chỉ là những ước vọng cao xa của tuổi trẻ, thật đẹp nhưng cũng viển vông? Bao nhiêu tâm sức dành cho hôm nay phải chăng chỉ như muối bỏ bể?

Nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng, niềm tin và hy vọng vẫn phải được thắp lên. Gieo thêm những nụ cười với một chút hân hoan, thêm một bàn tay nắm lấy đôi tay nhỏ nhắn của các em một cách ấm áp… chính là tất cả những gì tôi có thể làm lúc này, để tiếp thêm cho các em niềm tin để tiếp tục sống và mong chờ những điều kỳ diệu đến với các em, và, cho cả bản thân tôi.

[Hào Lê] – 30/8/2013

18 thg 9, 2013

Một số triệu chứng của bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ.

Thời điểm giao mùa hay mưa nắng thất thường dễ khiến các bé bị nhiễm các bệnh đường hô hấp, Bé Khỏe Bé Ngoan xin chia sẻ với các bạn một số biểu hiện của các bệnh đường hô hấp bên cạnh những triệu chứng thông thường như nghẹt mũi, sổ mũi, ho,... nhằm giúp phụ huynh phát hiện để đưa bé đi khám và chữa trị kịp thời.
1. Thở nhanh: Thở nhanh nông là thở quá 18 lần/phút, đây là dấu hiệu sớm nhất của bệnh. Một số nhà nghiên cứu giới hạn bình thường của thở là 16 đến 20 lần hay 25 lần/phút. Nếu đột nhiên có thở nhanh hoặc có thở nhanh dai dẳng thì phải chú ý đặc biệt.
    Bé học đếm nhịp thở cùng các thầy, cô từ CLB tình nguyện Bé khỏe Bé ngoan.
    Hình ảnh từ BV Nhi Đồng 2.
2. Thở rít: Là tiếng rít trong khi thở gây ra bởi dòng khí đi qua đường thở bên trên bị hẹp lại. Thở rít khi hít vào gợi ý cho thấy có tác nghẽn ngoài lồng ngực còn thở rít khi thở ra chỉ cho ta thấy có tắc nghẽn đường thở trong lồng ngực. Thở rít khi hít vào và thở ra cùng với nhau gợi cho ta thấy có tắc nghẽn cố định ở nơi nào đó trong đường thở phía trên.

3. Thở khò khè: Là các tiếng khò khè liên tục gây ra bởi dòng khí qua các đường khí trong lồng ngực. Hầu hết các trường hợp là mắc bệnh đường hô hấp xong không phải là tất cả, đôi khi thở khò khè là do hen. Thở khò khè có thể kèm theo cảm giác bó chặt lồng ngực, một cảm giác không đặc hiệu do thở phải gắng sức do co thắt phế quản.
4. Khó thở: Là triệu chứng chủ quan cảm giác không thoải mái khi thở, cảm giác này tăng lên do bất kỳ hoạt động thể lực nào. Cần thiết phải theo dõi mức độ hoạt động gây khó thở như: Khó thở do phổi, các rối loạn ngoài phổi gồm bệnh tim, sốc, thiếu máu, các tình trạng tăng chuyển hóa và lo lắng, khó thở về đêm kịch phát và khó thở nằm, khó thở đứng (khó thở trong tư thế đứng và dịu đi khi nằm).
5. Ho và ho dai dẳng: Phản xạ ho có thể khởi phát bởi kích thích các cơ quan nhận cảm khu trú ở đường khí phế quản, đường hô hấp trên và những nơi khác như ở các xoang, ống tai, màng phổi, màng ngoài tim, thực quản, dạ dày và cơ hoành. Ho dai dẳng, mạn tính thường do hút thuốc, hen hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ho cũng có thể do thuốc, do bệnh tim, các tác nhân nghề nghiệp, do hen không phát hiện ra, do trào ngược dạ dày thực quản, do viêm phế quản hay giãn phế quản…
6. Ho ra máu: Có thể chỉ là khạc ra máu hay ra đờm lẫn máu, là chỉ điểm đầu tiên của bệnh phổi phế quản nghiêm trọng, phải phân biệt với nôn ra máu và chảy máu đường mũi họng. Viêm phế quản và giãn phế quản tuy là nguyên nhân thường gặp nhất của ho ra máu nhưng phải loại trừ nguyên nhân do ung thư.
7. Tím tái: Xuất hiện ở da hay niêm mạc do tăng tổng số hemoglobin không bão hòa trong máu (>5g/dl). Tím tái trung tâm thường do thiếu ôxy do suy hô hấp, do có thông phải trái trong tim hay nối tắt mạch trong phổi gây ra, thấy rõ khi quan sát niêm mạc miệng. Tím tái ngoại biên phần lớn do các nguyên nhân ngoài hô hấp như do giảm cung lượng tim và do co thắt mạch.

Thạc sĩ - Bác sĩ Tống Quang Hưng
(Theo suckhoedoisong.vn)


17 thg 9, 2013

#5

Một tiết dạy tại BV Ung bướu TP HCM.

Theo dõi hình ảnh các anh chị đã tham gia những đợt trước, và thấy các bé vui đùa trong khi vẫn đang chống chọi với bệnh tật từng ngày từng giờ, làm dấy lên trong lòng tôi nhiều suy nghĩ. Hôm nay, mang một tâm trạng vô cùng phấn khởi, tôi nghĩ mình cũng sẽ góp phần nhỏ mang đến niềm vui cho các em. Nhưng khi tận mắt chứng kiến một dãy hành lang, nếu không phải nói là khá nhỏ, mà lại có biết bao nhiêu là các bé, nằm có, ngồi có, với dây truyền dịch treo khắp nơi, mùi thuốc lúc nào cũng phảng phất, tôi thoáng chút chẳng nghĩ được gì trong đầu. Có chăng là những suy tư vẩn vơ, thấy rằng mình thật đã quá may mắn nhưng thực không biết quý trọng điều gì.

Sự hồn nhiên, say mê long lanh trong ánh mắt của các bé khi tham gia các trò chơi tập thể, sự chăm chú lắng nghe lời thầy cô nói, những câu trả lời ngộ nghĩnh cùng những cánh tay tí teo giơ lên trong giờ nghe giảng bài thật khiến tôi càng khâm phục nghị lực sống đang được nuôi nấng trong những cơ thể nhỏ bé này. Có lẽ, nếu từng nghĩ rằng những khó khăn mình phải đối mặt trong đời là to tát, thì tôi hóa ra đã rất yếu mềm, so với các bé.

[Hồng Nhung] - 13/9/2013

Các nguyên nhân dẫn đến STM ở trẻ em.


  1. Viêm cầu thận dẫn đến STM ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó đáng lưu ý là nguyên nhân viêm cầu thận liên quan đến nhiễm khuẩn (viêm cầu thận cấp). Bệnh thường gặp ở trẻ em sau viêm họng hoặc viêm da. Các nghiên cứu ở nước ta cho thấy có 5 - 10% bệnh nhi, bệnh tiếp tục tiến triển mạn tính và gây suy thận sau 10 năm bị viêm cầu thận cấp. Có 80% trẻ bị viêm cầu thận cấp xảy ra sau viêm họng hoặc viêm da do liên cầu khuẩn, số còn lại do các vi khuẩn khác. Độ tuổi thường gặp là 6-9, bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào các tháng 9 - 12. Nghiên cứu sinh thiết thận ở trẻ viêm cầu thận cấp sau 10 - 15 năm cho thấy có tới 70% trường hợp có tổn thương xơ cứng cầu thận từng phần hoặc hoàn toàn, trong đó 30 - 40% có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
  2. Viêm bể thận/viêm thận kẽ đứng hàng thứ hai, trong đó tắc nghẽn đường dẫn niệu chiếm 6,2%, thường do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản bẩm sinh. Có thể phát hiện sớm bằng siêu âm thận và điều trị bằng phẫu thuật. Bệnh thận do trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản mỗi lần rặn tiểu chiếm 6,9%. Có thể phát hiện sớm bệnh này bởi triệu chứng trẻ thấy đau tức vùng hố thắt lưng mỗi lần rặn tiểu. Nếu trẻ có triệu chứng trên thì cần chụp bàng quang có bơm thuốc cản quang kết hợp rặn tiểu để xác định. Hình ảnh Xquang sẽ cho thấy nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên niệu quản. Bệnh lý này là do khuyết tật ở van giữa niệu đạo và bàng quang, có thể điều trị phẫu thuật khuyết tật này.
  3. Bệnh thận bẩm sinh gặp 16,2% số trẻ STM, trong đó bệnh thận nang chiếm 1,9% có thể phát hiện sớm bằng siêu âm thận. Hội chứng Alport chiếm 1,5%, đây là hội chứng bệnh lý có tính chất gia đình, bệnh biểu hiện bằng suy thận và 50% bệnh nhi có kèm theo điếc. Ngoài ra có thể gặp các bệnh thận bẩm sinh khác như Cystinosis, Oxalosis.
  4. Các bệnh hệ thống gặp 7% số trẻ STM, trong đó viêm thành mạch dị ứng (Henoch - Schonlein - pupura) chiếm 2,4%. Bệnh biểu hiện bằng từng đợt xuất huyết dưới da thể chấm, chủ yếu ở hai chân, đối xứng, có thể kèm theo đau sưng các khớp, có protein niệu, có thể điều trị lui bệnh bằng các thuốc corticoid. Hội chứng tan máu - urê máu chiếm 3,1% biểu hiện bằng vàng da, bilirubin máu tăng, thiếu máu, urê máu tăng.

Hạn chế STM trẻ em bằng cách nào?
Khi đã bị STM thì bệnh sẽ tiến triển dần đến suy thận giai đoạn cuối. Lúc này để duy trì cuộc sống của bệnh nhân phải điều trị thay thế thận bằng lọc máu hoặc ghép thận, đây là các kỹ thuật cao hết sức tốn kém. Các phương pháp điều trị bảo tồn STM chỉ có vai trò kéo dài thời gian ổn định chức năng thận và làm chậm tiến triển của suy thận đến giai đoạn cuối. Vì vậy vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em như vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, phòng và điều trị sớm các nhiễm khuẩn ở họng hoặc da và các nhiễm khuẩn khác, phát hiện sớm các bệnh thận bẩm sinh như hẹp khúc nối bể thận niệu quản, trào ngược nước tiểu bàng quang lên niệu đạo, bệnh thận đa nang để có biện pháp điều trị sớm, có thể làm giảm được tỉ lệ trẻ em bị STM.

(Theo suckhoedoisong.vn)

Một vài hình ảnh trong buổi học tại khoa Thận, BV Nhi đồng 2 TP HCM.



16 thg 9, 2013

#4

Đôi khi cuộc đời làm cho ta mệt mỏi. Ta vẫn đến với đời bằng trái tim yêu thương.

Chạm vào cuộc đời của các em, chúng tôi không khỏi xúc động. Xúc động vì sự ngây thơ của các em. Xúc động vì những khiếm khuyết cơ thể mà các em đang mang. Nhưng xúc động hơn cả là trái tim bé nhỏ nhưng giàu quả cảm mà hằng ngày các em phải chống chọi đau đớn, bệnh tật.

Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, môt căn bệnh khác nhau. Vì thế, chúng tôi đến với các em bằng những bài học linh hoạt để thích ứng với từng trẻ nhỏ. Tiếng cười của các em làm xua tan mọi vất vả, mệt nhọc. Sự tiến bộ trong nhận thức của các em là động lực để chúng tôi ngày mai, ngày sau và ngày sau nữa còn tiếp tục.
Bởi lẽ, chúng tôi đã cùng chung sứ mệnh là đem đến sức khỏe và tiếng cười đến với các bệnh nhi.

[Nam Trần]

15 thg 9, 2013

#3

Nhiều lúc đã tự hỏi bản thân: “Mình sao lại theo ngành này nhỉ? Mục đích gì đây? Có nên chuyển ngành không? Chuyển ngành thì theo ngành gì bây giờ???????” Vô số câu hỏi luôn hiện diện thường trực trong đầu.

Cho đến một ngày, lần đầu tiên tiếp xúc, làm việc ở một môi trường khác, môi trường chỉ toàn mùi thuốc vô trùng cùng với hình ảnh người lớn nằm la liệt bên giường bệnh để chăm sóc từng ly từng tý cho đứa con yêu thương của họ tại bệnh viện. Dường như có một cảm xúc thổn thức dâng lên nghẹn lòng. Có những bé vừa mới lọt lòng chưa được bao lâu mà đã ở trong khoa tim mạch điều trị hay là hình ảnh những đứa trẻ dở dang chuyện học hành mà phải vào bệnh viện xạ trị, nhưng ko phải vì thế mà chúng tự ti, mặc cảm, tuyệt vọng.

Hôm nay, trước khi bắt đầu buổi thử nghiệm, trong lòng cứ lo sợ: “Các em ấy thế nào nhỉ, ko biết có chịu tham gia ko? Chúng có nhát hay sợ ko? Có chịu nghe lời ko?...” Thế nhưng, khi bước vào phòng và nhìn ra bên ngoài, nhận thấy rằng các em khá hiếu động, ngoài sự tưởng tượng luôn, và mạnh dạn nữa, cũng vui vui trong lòng. Lâu rồi không thấy được cảm giác các em nắm tay nắm chân kêu “Cô ơi cô ơi!” Khi nghe giọng trong trẻo của các bé líu lo gọi, một thứ tình cảm ấm nóng như là nhiệt huyết lan tỏa khắp người rất khó quên và khiến mình thấy có gì đó thật tự hào.

Ánh mắt, nụ cười và cả lời nói của chúng đều rất ngây thơ. Nhìn các bé vui mà lòng cũng vui lây!

Chính là đây! Niềm vui với nghề đã quay trở lại, và luôn mang trong mình nhiệt huyết cháy bỏng với lòng yêu nghề, yêu trẻ!

[Kimmie Chen] - 15/9/2013
Hình ảnh các bạn nhỏ tại BV Ung bướu TP HCM.

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..