28 thg 12, 2013

Sốt vào mùa đông.



Sốt là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, sốt nghiêm trọng hơn với một em bé dưới 6 tháng. Đặt biệt, với bé sơ sinh, cơn sốt có thể là dấu hiệu nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, với những bé ở độ tuổi này, nếu bị sốt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi bác sĩ.

Lý do sốt ở bé
Các lý do sốt phổ biến bao gồm: cảm lạnh, cảm cúm, đau họng, nhiễm trùng tai, bệnh đường hô hấp (như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, mọc răng, tiêm chủng, do muỗi truyền bệnh…

Làm thế nào cha mẹ có thể phát hiện sốt ở bé?
Các bậc phụ huynh có thể phát hiện sốt ở bé bằng cách sờ vào trán của bé. Đo nhiệt độ là cách đơn giản và chuẩn xác nhất để phát hiện bé bị sốt, ví dụ, chúng ta có thể cặp nhiệt độ cho bé ở nách hoặc dùng nhiệt kế điện tử bấm trán với bé còn nhỏ. Những dấu hiệu khác kèm sốt ở bé là: cáu kỉnh, hôn mê, ăn uống kém, khóc, thở nhanh, có thể co giật do sốt cao.

Cha mẹ nên xử trí như thế nào khi bé sốt?
- Cho bé uống đủ nước từ sữa mẹ, sữa công thức tới nước sôi để nguội, nước cháo loãng…
- Cho bé nghỉ ngơi nếu bé muốn. Tất nhiên, bé không cần nằm yên một chỗ trên giường.
- Cho bé ăn theo nhu cầu. Bé cần năng lượng và đủ nước để mau hết sốt. Nếu bé đã ăn dặm, nên cung cấp các món yêu thích cho bé nhưng không nên ép buộc bé. Khi khỏe hơn, bé sẽ thèm ăn hơn.
- Nếu bé bị sốt nghi là do muỗi, nên đưa bé đi khám ngay để bác sĩ tư vấn loại thuốc dành cho bé.
- Lau bằng nước ấm mặt, cổ, cánh tay và chân của bé để giảm cơn sốt.
- Không nên mặc thêm quần áo cho bé nhưng cũng đừng cởi bỏ quần áo, khiến bé bị lạnh.

Làm gì khi cơn sốt của bé trở nên nghiêm trọng?
Cần thận trọng với những cơn sốt ở bé dưới 6 tháng. Nếu bé sốt cao trên 38 độ C cùng các triệu chứng khác, đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm:
- Bé buồn ngủ, người lả đi.
- Bé không muốn uống suốt nhiều giờ đồng hồ.
- Thóp chìm, kèm khô môi, tiểu vàng đậm, tiểu ít. Có thể là dấu hiệu của mất nước.
- Nổi ban không rõ nguyên nhân.

Nếu bé bị co giật do sốt, cha mẹ không được chủ quan mà nên gặp ngay bác sĩ kiểm tra để xác định nguyên nhân phù hợp ở bé. Trong khi đưa bé đi khám, cha mẹ nên nới lỏng quần áo cho con và loại bỏ các vật có trong miệng bé như thức ăn hay ti giả để phòng bé cắn vào lưỡi.

Sưu tầm từ webtretho.com
Anh L.P Thai

25 thg 12, 2013

Vì sao bé dễ bị tiêu chảy vào mùa đông?


Gần đây, thời tiết ở Việt Nam trở lạnh ở cả hai miền từ Bắc vào Nam, do đó vấn đề bảo đảm sức khoẻ cho bé là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh.

Bệnh tiêu chảy là một trong những mối đe dọa chính đối với sức khỏe của trẻ nhỏ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Tiêu chảy rotavirus xảy ra thường xuyên nhất trong mùa đông, rotavirus ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé, khiến cơ thể bị sốt nhẹ và nôn định kỳ , tiếp theo là tiêu chảy. Nôn mửa thường dừng lại sau khi vài ngày đầu tiên và tiêu chảy diễn biến từ 5-7 ngày.


Điều trị thông thường theo lời khuyên của những người đã nuôi con là giữ em bé trong ánh mặt trời ấm áp và mát-xa bởi dầu mù tạt thường xuyên. Điều này có thể có hiệu quả khi bệnh không yêu cầu bất kỳ điều trị đặc hiệu nào ngoài uống nhiều nước. Tuy nhiên, trẻ em có thể bị đại tiện hoặc nôn nhiều thường xuyên dẫn đến tình trạng mất nước. Nhiều trẻ em có thể sẽ phải nhập viện để truyền nước . Ngoài ra, mất nước nghiêm trọng đôi khi có thể dẫn đến sốc, nếu không được điều trị kịp thời và thích hợp dẫn đến tử vong .

Vì vậy, những gì cha mẹ nên làm gì khi con mình bị tiêu chảy mùa đông ?
Cung cấp cho bé nhiều nước ; thay thế các chất lỏng bị mất bằng cách bù nước lại nước và cho con bú thường xuyên (đối với trẻ sơ sinh). Nếu trẻ nôn, cố gắng cho bé uống một lượng nhỏ chất lỏng trong khoảng thời gian thường xuyên .

Thuốc giảm sốt có thể được sử dụng nếu cần thiết, nhưng không nên sử dụng kháng sinh vì nó sẽ khiến cho quá trình của bệnh kéo dài hơn. Nếu nôn mửa vẫn tiếp diên, trẻ ù lì không cận động , đi ngoài rất ít hoặc không có nước tiểu trong vài giờ, cần phải được đưa bé đến ngay ệnh viện. Nhưng nếu trẻ bị sốt cao , đau bụng hoặc phân có máu, bệnh cần được điều trị bằng một cách khác.

Một vắc-xin rotavirus đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước phát triển và cho thấy, vắc xin đã giảm đáng kể bệnh tiêu chảy , nhập viện và tử vong liên quan đến bệnh tiêu chảy mà không có bất kỳ tác dụng phụ đáng kể.

Tuy nhiêm đối với trường hợp ở nước ta, cách thay thế tốt nhất là thực hiện theo các phương pháp giữ gìn vệ sinh và tránh mất nước.


Biên dịch và tổng hợp: Anh L.P Thai
Nguồn: Học viện khoa học về sức khoẻ Patan.

20 thg 12, 2013

Họp ban Truyền thông tháng 11.2013

Ngày 15.12.2013 vừa qua ban Truyền thông của CLB đã có buổi họp thân mật. Rất nhiều vấn đề đã được bàn bạc, lắng nghe ý kiến lẫn nhau để xây dựng ban một cách tốt nhất.
Cùng chờ đợi hình ảnh đến từ các ban khác của CLB bạn nhé!



19 thg 12, 2013

Hiểu thêm về Răng sữa.


Thay răng sữa
- Răng sữa có 20 cái, kích thước nhỏ hơn nhiều so với 32 răng vĩnh viễn. Mỗi hàm của bộ răng sữa gồm 4 răng cửa, 2 răng nanh và 4 răng cối.
- Từ trong bụng mẹ, răng sữa đã bắt đầu hình thành, chiếc răng đầu tiên mọc khi trẻ được chừng 5 đến 8 tháng, có thể sớm hoặc trễ hơn, bé trai thường trễ hơn bé gái. Chiếc răng sữa cuối cùng mọc thường là khi trẻ chừng 2 đến 3 tuổi.
- Còn răng sữa bắt đầu rụng khoảng từ 6 đến 12 tuổi, mỗi hàm, răng cửa và răng nanh sữa thay bằng răng vĩnh viễn tương ứng; 4 răng cối thay bằng 4 răng tiền cối vĩnh viễn; mọc thêm 4 răng cối đầu tiên, 4 răng này không có răng sữa tương ứng.
- Thường ở tuổi 13, trẻ không còn răng sữa nữa, và đã có 28 của tổng số 32 răng vĩnh viễn của người lớn. Những răng vĩnh viến cuối cùng là 4 răng khôn ( răng cối thứ 3 hay răng cùng), chúng có thể mọc tuỳ lúc cả đến khi hơn 20 tuổi.

Tầm quan trọng của răng sữa
Thường có quan niệm cho rằng rụng răng sữa là một vấn đề răng miệng, đó là sai lầm. Răng sữa có một số vai trò quan trọng sau:
- Thiết yếu cho những bước đầu của việc tiêu hoá thức ăn: cắn, nhai, nghiền
- Học cách hoạt động đúng khi chuyển sang răng vĩnh viễn; răng sữa giữ những khoảng cách thích hợp trong miệng giúp răng vĩnh viễn mọc thẳng hàng. Nếu răng sữa bị sâu và rụng sớm, làm cho răng vĩnh viễn có nguy cơ mọc bị cong và kẹt với các răng khác.
- Răng sữa ảnh hưởng đến sự phát triển của mặt và các cơ hàm.
- Sâu răng và các bệnh khi còn răng sữa có thể khỏi dễ dàng khi thay răng vĩnh viễn. Lưu ý những răng cối sữa vẫn còn cho đến 10-12 tuổi, với nhiều cơ hội lan sâu răng qua các răng cối vĩnh viên mới mọc bên cạnh.
- Nhiễm trùng trong răng sữa bị sâu có thể làm tổn thương sự phát triển của răng vĩnh viễn nằm ngay bên dưới.

Tại sao cần phải chú ý khi bắt đầu mọc răng vĩnh viễn
Bắt đầu vào khoảng 6 tuổi, trong miệng có cả răng sữa và răng vĩnh viễn:
- Răng vĩnh viễn mới mọc vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành. Vài năm đầu trong khoang miệng là khoảng thời gian then chốt vì chúng còn yếu và dễ tổn thương bởi sâu răng.
- Răng cối trong thời gian này đặc biệt dễ bị sâu, vì chúng là những răng vĩnh viễn mọc đầu tiên nên dễ bị chúng ta lãng quên.
- Sự lẫn không đều răng sữa và răng vĩnh viễn làm cho càng khó vệ sinh bảo vệ hơn.

Biên dịch và tổng hợp từ nguồn :brushdayandnight.com

THÔNG BÁO: Lớp học handmade ngày 21.12.2013



Lớp Handmade vẫn tiếp tục nhận đăng kí cho t7 (21.12.2013) nhé các bạn. Nhắn họ tên, trường đến số điện thoại 0932184580 để đăng ký giữ chỗ.

Nếu các bạn chưa thu xếp được thời gian tham dự các lớp đầu tiên của shop, lúc 14g - 17g, tại gd6, ĐH Y dược .... thì vẫn có thể đăng kí tham gia các buổi sau (các trợ giảng sẵn sàng hướng dẫn lại các buổi cơ bản)

Học phí tham dự lớp học lần này như sau:
30k/buổi đối với CTV CLB Bé Khỏe Bé Ngoan
35k/buổi đối với Sinh viên học sinh
40k/ buổi đối với các đối tượng khác

Về nguyên liệu và dụng cụ các bạn vui lòng mua ngay tại lớp học nhé. Shop len sẽ cung cấp cho các bạn rất nhiều các loại len sợi phù hợp bài giảng cho các bạn lựa chọn, phù hợp túi tiền, đúng giá thị trường nhé.

Shop rất mong gặp các bạn vào buổi thứ 7 (21.12) tới nhé.

14 thg 12, 2013

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em.


Thông thường, tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa ở trẻ là cao nhất và nếu không được điều trị đúng và kịp thời thì có thể dẫn đến biến chứng thủng màng nhĩ. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh phòng tránh và chăm sóc các bé khi bị viêm tai giữa.

Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa cấp là tình trạng viêm cấp niêm mạc hòm nhĩ, vòi nhĩ và niêm mạc lót trong tế bào hơi của xương chũm.

Viêm tai giữa cấp thường gặp ở trẻ em từ 1-2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch sau một số bệnh như sởi… thường dễ bị mắc bệnh viêm tai giữa cấp. Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi tỷ lệ mắc bệnh là 80%. 30% có thể tự khỏi. Khoảng 40% bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần. Tuổi càng lớn viêm tai giữa cấp càng giảm vì tuổi càng lớn tỉ lệ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính càng giảm.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa do viêm nhiễm tại chỗ chủ yếu do viêm VA, amidal, mũi họng cấp, xoang; tắc vòi nhĩ; do u sùi họng, thay đổi áp lực đột ngột khi đi máy bay, lặn sâu… tình trạng dị ứng gây phù nề tắc vòi; dị tật hở hàm ếch: các nghiên cứu của nhiều tác giả cho rằng có >50% bệnh nhân hở hàm ếch bị viêm tai giữa cấp; do vi khuẩn thường gặp: tụ cầu (Streptococus pneumoniae) 30%, virut cúm (Hemophilus influenzae) 23%…, Moraxella catarralis 14%.

 Dựa vào dấu hiệu nào để nhận biết thủng màng nhĩ do viêm tai giữa
Viêm tai giữa cấp giai đoạn vỡ mủ là dấu hiệu màng nhĩ đã thủng. Triệu chứng toàn thân và cơ năng giảm hẳn, đỡ sốt, trẻ đỡ quấy khóc, hết tiêu chảy. Thăm khám thấy ống tai ngoài có mủ, màng nhĩ có lỗ thủng ở giữa hoặc trước dưới, mủ lúc đầu loãng, nhầy, sau đặc dần thành mủ nhầy keo hoặc mủ trắng đặc. Nếu được điều trị kháng sinh, chống viêm, làm thuốc tai tốt, bệnh sẽ khỏi, màng tai có thể liền. Nếu giai đoạn này không được điều trị hay điều trị không kịp thời bệnh sẽ chuyển sang viêm tai giữa mạn tính, hoặc viêm xương chũm cấp và có thể gây các biến chứng như: Liệt mặt ngoại biên, viêm mê nhĩ, ù tai chóng mặt, viêm màng não…bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ.

Chữa viêm tai giữa theo trong giai đoạn vỡ mủ.
Dùng kháng sinh, chống viêm uống hoặc tiêm, làm thuốc mũi xoang, làm thuốc tai hằng ngày đến khi tai khô, theo dõi trẻ đến khi màng tai liền hoàn toàn. Việc làm thuốc tai có ý nghĩa quan trọng, các thuốc nhỏ tai cần phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng vì một số thuốc dùng không đúng cách có thể gây điếc vĩnh viễn không phục hồi. Tuyệt đối tránh để nước vào tai.
Cần lưu ý những trẻ hay bị chảy mũi xanh, đặc, phải há mồm thở khi ngủ, hay sốt vặt và thường bị viêm tai giữa cấp tái đi tái lại thì cần được nạo VA, cắt amidal, hút mũi xoang khi cần, chứ không chỉ điều trị nội khoa đơn thuần.

Làm thế nào để phòng tránh bệnh viêm tai giữa?
Để phòng tránh viêm tai giữa nói chung thì cần phòng chống các nguy cơ gây viêm nhiễm đường thở trên cấp tính như viêm mũi họng, viêm VA, viêm amydal, viêm xoang.
Đối với các gia đình có em bé nhỏ, bố mẹ cần tạo một môi trường sống trong lành cho trẻ, khói thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ cao gây bệnh viêm nhiễm đường thở trên cấp tính và từ đó gây viêm tai giữa. Khi bị viêm nhiễm đường thở trên cấp tính cần được điều trị tại các cơ sở y tế. Khi có các biểu hiện về tai thì cần được thăm khám và theo dõi tại chuyên khoa tai mũi họng.
Việc nhỏ thuốc vào tai và làm thuốc tai phải theo đúng chỉ định của bác sĩ tai mũi họng, không nên tự điều trị.

Biên tập tổng hợp : Anh L.P Thai

meyeucon.org và kidhealth.com.


Lớp học handmade ngày 7.12.13


Thứ 7, ngày 07/12/13, lớp handmade đã khai giảng rất vui, hấp dẫn, và nhiều màu sắc.

Chân thành cảm ơn sự góp mặt của chị Phương Linh, chị Thanh Thuý, chị Thuỳ Dương, chị Uyên Minh, Phúc Huy, Quốc Anh và Phơ Tơ Ráp Phiều đã giúp đỡ của buổi khai giảng thành công tốt đẹp.

Thứ 7 tới (14/12/13) sẽ tiếp tục là 1 buổi free của lớp handmade nhé các bạn. Lớp Handmade vẫn tiếp tục nhận đăng kí cho t7 (14.12.2013) nhé các bạn. Nhắn họ tên, trường đến số điện thoại 0932184580 để đăng ký giữ chỗ.

Nếu các bạn chưa thu xếp được thời gian tham dự ngày khai giảng 7/12, lúc 14g - 17g, tại gd6, ĐH Y dược .... thì vẫn có thể đăng kí tham gia các buổi sau (các trợ giảng sẵn sàng hướng dẫn lại các buổi cơ bản)

Về nguyên liệu và dụng cụ các bạn vui lòng mua ngay tại lớp học nhé. Shop len sẽ cung cấp cho các bạn rất nhiều các loại len sợi phù hợp bài giảng cho các bạn lựa chọn, phù hợp túi tiền, đúng giá thị trường nhé.

13 thg 12, 2013

XỬ TRÍ ĐÚNG KHI TRẺ BỊ NGHẸT MŨI



BS CK2 Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: Thuốc nhỏ mũi co mạch được dùng phổ biến ở nước ta là Naphazoline, có tên là Rhinex 0,05%, Nasoline 0,05% không được dùng cho trẻ nhỏ hơn 7 tuổi. Tuy nhiên thực tế nghiên cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 1 tháng đến 3 tuổi, do người nhà tự ý dùng loại thuốc này cho trẻ em. Chỉ cần nhỏ 2 giọt là đã đủ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Đáng lưu ý là thân nhân của những trẻ này biết rõ thuốc sử dụng phổ biến cho người lớn nhưng lại không biết tác dụng phụ cũng như giới hạn tuổi sử dụng của loại thuốc này ở trẻ em.


Ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch gây ra những tác hại như thế nào?
BS Nguyễn Thị Kim Thoa: Sau khi nhỏ mũi từ 30 phút đến 2 giờ, sẽ xuất hiện các biểu hiện vã mồ hôi, tay chân lạnh ngắt. Nhanh chóng sau đó, trẻ lừ đừ, hôn mê, thở yếu. Thậm chí có những dấu hiệu nặng như ngưng thở từng cơn, nhịp tim không đều có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những biện pháp nào có thể phòng tránh ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch ở trẻ em?
BS Nguyễn Thị Kim Thoa: Thực tế cho thấy mặc dù triệu chứng nghẹt mũi rất hay gặp ở trẻ em nhưng đa số các bà mẹ không biết cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh nên đã tự ý điều trị nghẹt mũi theo kinh nghiệm hay mua thuốc không toa. Do vậy để phòng tránh ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ em, cần tuyên truyền rộng rãi, nhắc nhở lại khuyến cáo không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch cho trẻ em dưới 7 tuổi. Ngoài ra, những thân nhân của trẻ; các cô giáo ở nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo cũng cần biết cách chăm sóc trẻ khi bị nghẹt mũi để tránh tai biến cũng như diễn tiến bệnh kéo dài gây biến chứng.

Xử trí đúng khi trẻ bị nghẹt mũi
BS Nguyễn Thị Kim Thoa: Áp dụng biện pháp làm thông mũi như sau:
- Đối với trẻ nhỏ, làm sạch mũi bằng bấc sâu kèn.
- Dùng khăn giấy mềm, dai, để làm bấc sâu kèn. Đặt vào hốc mũi để thấm ướt dịch mũi, sau đó lấy ra và đặt lại một bấc sạch. Lập lại các bước này cho đến khi sạch mũi.
- Nếu trẻ bị nghẹt nhiều, nên sử dụng dung dịch nhỏ mũi là nước muối sinh lý 0,9% làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi: nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào từng lỗ mũi, chờ vài phút, sau đó làm sạch mũi.
- Đối với trẻ lớn, hướng dẫn trẻ hỉ sạch mũi từng bên đúng cách. Dùng một ngón tay bịt một lỗ mũi, hỉ mũi bên kia và tiếp theo làm ở bên mũi còn lại.

Hướng dẫn trẻ tránh thói quen hỉ mũi thật mạnh cả 2 bên, động tác này làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ gây rách màng nhĩ.
Làm thông mũi 2 đến 3 lần mỗi ngày và trước khi cho trẻ bú, ăn. Ngoài ra, chăm sóc trẻ nghẹt mũi cũng cần tăng cường nước uống và dinh dưỡng đầy đủ. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có ý kiến của bác sĩ.

Những điều không nên làm:
- Dùng miệng để hút mũi trẻ, sẽ lây lan thêm mầm bệnh cho trẻ
- Tự ý dùng kháng sinh để trị nghẹt mũi

Nguồn: Hải Thoa, BV Nhi Đồng 1
Biên tập: Lam Tuong Nguyen

11 thg 12, 2013

#25



Cộng tác với CLB gần 2 tháng, chiều nay là lần đầu tiên tôi đến bệnh viện Nhi Đồng 2 để tham gia trợ giảng và lấy tin. Điều đầu tiên khiến tôi bất ngờ là một lớp học sáng, rộng, sắp xếp gọn gàng và được trang trí rất “hoành tráng”. Một vòng hoa mùa vọng xinh xắn đính ngay cửa ra vào. Ba hàng dây giăng treo những hình ảnh giáng sinh quen thuộc như người tuyết, cây thông hay chiếc tất đựng quà làm căn phòng thật sinh động. Ngay trên bục giảng là cây thông lớn cùng những quả châu đủ màu, ánh đèn lấp lánh xung quanh. Tất cả đều do Ban Hậu Cần của CLB lên kế hoạch và thực hiện. Tôi có thể hình dung được thời gian và công sức vất vả các bạn đã dành cho việc cắt dán những mẫu chữ cái, hình ảnh trang trí để chúng trông thật ngay ngắn; còn cả vận chuyển hẳn một cây thông cao gần 1m đến lớp học.


Theo dõi buổi học, tôi liên tục bất ngờ bởi những món quà khích lệ vừa dễ thương vừa ý nghĩa của các bạn dành cho những bệnh nhi. Đó là những ngôi sao may mắn cho mỗi câu trả lời đúng, đến cuối buổi chúng được quy đổi thành những tấm thẻ in hình ảnh nhân vật hoạt hình quen thuộc và gần gũi. Tích lũy đủ 10 thẻ, các bé sẽ nhận một phần của bức tranh danh lam thắng cảnh trong phiếu tích điểm. Nhìn Bi và Mỹ Tiên dõng dạc đọc lên trước lớp nội dung và ý nghĩa của bức ảnh Cầu Thê Húc và Đèo Hải Vân trước ánh mắt ngưỡng mộ pha chút ganh tỵ của các em khác, tôi không khỏi xúc động. Cảm ơn Ban Hậu Cần đã đem đến một không gian đầy màu sắc và những món quà tạo động lực học tập to lớn cho các em.

9/12/2013

Bài viết: Pal Trieu
Hình ảnh: Quốc Anh

10 thg 12, 2013

CHỨNG LOÉT MIỆNG Ở TRẺ NHỎ.




Chứng loét miệng là gì? Nguyên nhân do đâu?
Loét miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường nhiệt miệng có nhiều vết loét cho nên làm cho bé rất khó chịu, chảy nước miếng nhiều, sút cân do không ăn được hoặc ăn rất ít. Bênh cạnh đó, trẻ thường mệt mỏi, khó ngủ hay quấy khóc vì đau, nhất là khi ăn uống. Loét miệng cũng có thể do virus Herpes, thường chỉ gây nên một vết loét và có triệu chứng tương tự chứng loét miệng thông thường.

Ngoài ra loét miệng có thể do virus thủy đậu (bệnh thủy đậu), virus gây bệnh tay chân miệng (virus Coxsackie A16 hoặc virus EV 71). Loét miệng do virus thủy đậu hoặc virus gây bệnh tay chân miệng thì ngoài gây các nốt phỏng ở da, niêm mạc lòng bàn tay, chân, mông (bệnh tay chân miệng) cũng có thể gây các nốt phỏng ở niêm mạc miệng. Niêm mạc miệng do bệnh thủy đậu hoặc do bệnh tay chân miệng thường có nhiều nốt phỏng, loét, gây đau, rát, chảy nước miếng và đồng thời có sốt.
Ở những cơ thể trẻ do nuôi dưỡng thiếu chất hoặc trẻ hấp thu kém, gây thiếu một số vi chất cần thiết như vitamin PP, vitamin C, vitamin B12, axit folic, chất sắt cũng có thể gây loét miệng.
Loét miệng cũng có thể do chấn thương làm viêm, dập nát niêm mạc miệng (trẻ bị ngã đập vào vùng miệng) hoặc có thể do ăn thức ăn hoặc nước uống nóng quá làm bỏng, loét niêm mạc miệng gây đau. Trẻ lớn gặp stress liên tục cũng có thể gây nên loét miệng

Cha mẹ nên lưu ý, loét miệng thường xảy ra quanh năm đối với các bé.

Có thể giảm bớt những rắc rối gây ra bởi loét miệng như thế nào?
Loét miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau có loại đơn thuần (nhiệt miệng) nhưng có loại có thể gây biến chứng nguy hiểm, vì vậy khi trẻ bị loét miệng, ch mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân.Loét miệng gây đau, rát cho nên dùng thuốc giảm đau cho trẻ là rất cần thiết nhưng dùng loại thuốc nào phù hợp với tình trạng của bé cần được chỉ định cẩn trọng từ bác sĩ chuyên môn, không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ.
Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhuyễn (cháo, súp, bột dinh dưỡng), không nóng, không cay, không chua và tốt nhất là hợp với khẩu vị thường ngày của trẻ.
Ngoài đánh răng, cũng nên kết hợp cho trẻ súc miệng với các loại nước súc miệng dành riêng cho trẻ em như T-B Kid - giúp phòng ngừa bệnh răng miệng ở trẻ.

Biên soạn và tổng hợp: Anh L.P Thai.

Trích dẫn: chamsoctreem.vn

6 thg 12, 2013

#24

Biết chưa lâu, nói chuyện chưa nhiều, nhưng các em vẫn vô tư ngồi vào lòng người-anh-chưa-thân của CLB. Như để tìm lấy những vòng tay, cảm nhận sự ấm áp sẻ chia và cũng có thể, muốn có thêm "những đồng minh lớn con" cùng em chiến đấu với bệnh của mình.
 

-Libra PiCi- 
Ảnh chụp tại BV Ung Bướu, ngày 23/10/2013



Trong khi các bạn khác tích cực tham gia buổi học thì cậu bé vẫn ngồi đó, lặng lẽ dõi theo từ xa, không thể đứng lên vui chơi cùng các bạn được vì cậu còn đang phải truyền tiểu cầu. Mắt em lúc nào cũng phảng phất buồn, gặng hỏi một hồi lâu mới biết em buồn, ít nói chuyện với các bạn là do giấc mơ đèn sách của mình bị dang dở vì căn bệnh quái ác...

Cậu bé tên Ngọc Thạch, đang học lớp 4.



Ảnh: Xuedge Nguyen 
BV Ung Bướu - 16h00 - 27/11/2013

4 thg 12, 2013

LỐI SỐNG KHOẺ MẠNH Ở TUỔI THIẾU NIÊN


Những thói quen hiện tại sẽ làm nên những khác biệt sau này?Đúng vậy. 65% trường hợp tử vong ở người trưởng thành là do bệnh tim, ung thư và đột quỵ. Nhiều trường hợp bệnh này có thểphòng tránh. Nhiều thói quen gây ra bệnh bắt đầu từ khi còn trẻ. Ví dụ, nếu hút thuốc là ở tuổi thiếu niên, khả năng mắc bệnh tim, ung thư hay đột quỵ sẽ cao hơn khi trưởng thành.

Ở tuổi thiếu niên, nên làm gì để có lối sống khoẻ mạnh?- Không dùng bất kì loại thuốc lá nào. Cố gắng để không bị hút thuốc lá thụ động
- Vận động thường xuyên
- Có chế độ ăn khoẻ mạnh
- Luôn thắt dây an toàn, đội nón bảo hiểm khi đi xe, dùng dụng cụ bảo hộ khi chơi thể thao
- Không lái xe khi đã uống rượu. Không ngồi lên xe mà người lái có sử sụng cồn và chất kích thích.
- Đừng bao giờ đi bơi một mình
- Hãy nói chuyện với ba mẹ hoặc bác sĩ khi cảm thấy suy sụp hay có ý định làm hại chính mình
- Tránh các trường hợp bạo lực, đánh nhau gây thương tích
- Nếu có quan hệ tình dục, dùng bao cao su để tránh thụ thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (Tuy nhiên, nên nhớ rằng an toàn nhất là không quan hệ tình dục)
- Đến bác sĩ thường xuyên

Bác sĩ có thể làm gì?- Xác định nguy cơ gây ra những vấn đề về sức khoẻ của mỗi người
- Đo chiều cao, cân nặng, lượng cholesterol và huyết áp
- Kiểm tra tổng quát sức khoẻ và phát hiện bệnh
- Tiêm vắc-xin để giảm nguy cơ mắc các bệnh như quai bị, uốn ván, viêm gan,...

Nên đặc biệt chú ý điều gì ở độ tuổi thiếu niên?Những nguy cơ hàng đầu ảnh hưởng tính mạng: tai nạn xe cộ, thương tích ngoài ý muốn, những tội phạm giết người và tự tử. Ung thư và bệnh tim cũng gây ảnh hưởng. Mang thai không có kế hoạch và các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra nhiều vấn đề và tổn hại sức khoẻ.

Nam và nữ có những mối nguy cơ khác nhau?Đúng. Nam thường không đội mũ bảo hiểm hơn nữ. Có thể mang vũ khí, đánh nhau, dùng chất gây nghiện hay cần sa, uống rượu bia và quan hệ với nhiều người hơn nữ. Mặt khác, nữ lại có những nguy cơ khác. Số trường hợp tự tử nhiều hơn và nữ thường cố giảm cân không đúng cách.

Có nên đến bác sĩ khi cảm thấy lo lắng về sức khoẻ?Có. Điều đó rất quan trọng. Bác sĩ luôn sẵn sàng giúp bạn.

Nguồn: familydoctor.org
Biên tập thực hiện: Lam Tuong Nguyen

Hình ảnh từ BV Ung bướu (27.11.13)


Một ngày cuối tháng 11, khi cái lạnh thay mùa vừa chớm tới, trong những bức hình ngay đây, tôi thấy một sự ấm áp diệu kỳ từ tình thương, sự cố gắng và lòng dũng cảm của những con người đang đấu tranh với số phận, bệnh tật và sự cô đơn. Đó là các em, những bệnh nhi với tuổi đời còn rất trẻ nhưng cuộc đời đã đặt cho các em những thách thức định mệnh không hề nhỏ. Đó là các bạn trẻ của CLB tình nguyện BKBK, vẫn ngày ngày ươm ấp giấc mơ, đi đến và đem đến nụ cười cho các em, để cuộc sống của các em có thêm những ngày ý nghĩa hơn, bình thường hơn, ấm áp hơn...

Ảnh: Xuedge Nguyen

3 thg 12, 2013

CHẤN THƯƠNG ĐẦU GỐI Ở TRẺ EM.


Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ em thường thích vận động, chạy nhảy cùng bạn bè để tham gia các trò chơi thể thao yêu thích. Tuy nhiên, các vấn đề chấn thương đầu gối luôn mang lại sự lo lắng cho các bậc cha mẹ. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ và an tâm trong việc phòng tránh và xử lý khi bé bị chấn thương đầu gối.

Chẩn đoán chấn thương bằng cách nào?
- Bác sĩ sẽ cho bé nằm trên mặt phẳng để ổn định đầu gối và kiểm tra các phần lien quan đến chấn thương.
Ngoài ra, các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như MRI, X-quang, hoặc CT scan cũng có thể được thực hiện để xác định mức độ nghiêm trọng của chấn thương đầu gối

Điều trị chấn thương đầu gối.
- Bất kỳ đứa trẻ bị chấn thương đầu gối nên nghỉ ngơi và giảm thiểu các hoạt động vận động liên quan đến đầu gối càng nhiều càng tốt.
- Sau khi chấn thương, ngay lập tức chườm đá vào khu vực này khoảng thời gian 20 phút để làm giảm sưng và sử dụng băng nén để giúp ổn định đầu gối. Các bậc cha mẹ chú ý không để cho bé chịu nhiều trọng lượng trên đầu gối đồng thời nâng cao chân trên gối hoặc vật mềm khác để giảm đau và sưng.
- Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng viêm nếu con của bạn có viêm nặng và đau .
- Sau khi điều trị ban đầu, một số trẻ em có thể mang khóa động đầu gối để tránh sự di chuyển chân quá nhiều trong một vài tuần và có thể cần phải sử dụng nạng để đi lại.
- Chấn thương đầu gối nghiêm trọng hơn có thể cần phải phẫu thuật để tái tạo lại đầu gối nếu đứa trẻ đã bị rách dây chằng hay gân hoặc gãy xương.
- Trong nội soi khớp, bác sĩ phẫu thuật tạo một lỗ nhỏ ở đầu gối và chèn một soi khớp vào khớp . Các soi khớp có một máy quay video được nối với một màn hình TV để cung cấp cho các bác sĩ phẫu thuật các hình ảnh phóng đại trong ca phẫu thuật. Nếu chấn thương quá phức tạp, các bác sĩ phẫu thuật sẽ phải chuyển sang phẫu thuật "mở", đòi hỏi một vết rạch lớn hơn để xem khu vực này bằng mắt thường.
- Bất kể trẻ có nội soi khớp hoặc phẫu thuật mở thông thường, thời gian phục hồi chấn thương đầu gối sẽ kéo dài từ vài tuần đến một vài tháng.
- Hầu hết trẻ em bình phục từ chấn thương đầu gối sẽ cần đến liệu pháp phục hồi chức năng để giúp chữa lành đầu gối, khôi phục lại tầm vận động, lấy lại sức mạnh ở đầu gối, đùi và cẳng chân cơ bắp để ngăn chặn teo cơ, giảm đau và sung, cải thiện sự cân bằng và khôi phục hiệu suất chức năng cho các hoạt động vận động.

Ngăn ngừa chấn thương đầu gối
- Ngăn ngừa chấn thương đầu gối sẽ góp phần tránh sự đau đớn và phức tạp của việc phẫu thuật.
- Nếu các bé chơi thể thao, cha mẹ hãy nhắc nhở bé trang bị các thiết bị bảo vệ thích hợp trong quá trình vận động và thi đấu thể thao. Việc bảo vệ ống chân (cũng như mũ bảo hiểm và giày hỗ trợ…) sẽ giúp ngăn ngừa chấn thương .
- Trong tập luyện, luôn luôn đảm bảo trẻ em làm ấm người, khởi động trước khi cuộc chơi bắt đầu, đồng thời làm mát cơ thể sau khi kết thúc.
- Khuyến khích trẻ tập yoga để cải thiện tính linh hoạt cho các cơ.
- Khi nhảy, cha mẹ hãy nhắc nhở con uốn cong đầu gối trong khi tiếp đất nhằm giảm áp lực cho đầu gối và ngăn ngừa chấn thương.
- Đối với trẻ em, chơi thể thao điều độ và thường xuyên dù ở mức độ thấp có thể giúp bé giảm nguy cơ chấn thương.

Biên dịch và tổng hợp: Anh LP Thai

2 thg 12, 2013

#23: KHÔNG DÁM NHẬN 2 TIẾNG "THẦY CÔ"



Từ: Đào Nguyễn Phương Linh
Đến: tất cả thành viên CLB tình nguyện Bé Khỏe Bé Ngoan.


Tôi đã chạy một chặng đường xa. từ bệnh viện Nhi Đồng 2 về nhà.

Một chặng đường xa đã quá ngắn ngủi để tôi có thể loading.... toàn bô suy nghĩ của tôi. về lớp học. về học trò. về người giảng. về người ở nhà. về những điều chưa tới.



3 tháng. Các em đã học với tôi 3 tháng.
Nhìn phiếu Bé Khỏe Bé Ngoan lấp đầy các ô trống. tôi không hẳn là vui đâu. vì sắp phải làm tổng kết. vì bên cạnh cái điều nhân văn ý nghĩa. là tiền nong. là kế hoạch. là nhân lực.

Cô bé trợ giảng hôm nay từ trong bãi xe còn la thật to : "Cố lên nhé chị!!!!"

Không biết cái dòng này tôi đã type bao nhiêu lần *tôi đã qua cái tuổi* có thể động viên người khác theo cách đó. cách của những người trong lành. tin tưởng. và rất trẻ. nhưng tôi biết ơn biết bao. không một lời bày tỏ nào có thể nói hộ cho lòng tôi. bằng cách nào đó tôi cũng muốn hét to giữa những con đường chật chội của Sài Gòn "lời cảm ơn tuyệt đối của niềm tin tuyệt đối".

Tuần sau tôi sẽ mất 1 học trò. Tuần sau tôi đã phải nghĩ suy về một cuộc chia ly. như thế nào đó. để em không quên chúng tôi. và chúng tôi không quên em. và tất cả những hoa hoét đó. có lẽ không đúng. là như thế nào để mỗi phút mỗi giây mỗi khoảnh khắc em ở với chúng tôi. em cảm thấy được sống vui. thật vui. thật vui. và tin vào con người.

3 tháng. "các con" tôi cố gọi và xưng "cô" đã không thành.
cứ như vậy tự hôm nào bọn trẻ thấy tôi vào là "chị Linh" "chị Linh"....xưng "em".... thôi thì có già hóa cũng không thể làm cao với bọn trẻ. ở một "tôi trẻ dại đến hoang đường".

vậy là tôi là "chị". trong cái gia đình nhỏ đó. để vuốt ve và nói lời yêu thương.

vậy là tôi là "chị". thấy ngơ ngác quá. không biết tuần sau vắng đi một đứa. chị sẽ bơ vơ đến mức nào.

vậy là tôi là "chị". cứ ngông nghênh không rõ việc đang làm sẽ diễn tiến tới đâu. nếu lòng tôi cứ một thoảng. một trẻ ra đi. rồi một tôi ngơ ngác.

Tôi hỏi em học được gì? em thích gì? em ước mơ gì? để anh chị thực hiện cho em?

Em không có ước mơ.

Vậy là chúng tôi còn chưa kịp gợi cho em biết ước mơ. vậy là chúng tôi còn chưa kịp hoàn thành những mong ước *của bản thân chúng tôi*. đã phải chia tay.

Thứ chúng tôi cho em. chỉ có. niềm tin vào con người.

sự tồn tại của chúng tôi. ước mơ của chúng tôi. kì vọng của chúng tôi. là niềm tin sáng trong những thí nghiệm đẹp. những bài giảng vui. những kiến thức thú vị. những tiếng cười trong veo. những sẻ chia rất con người.

Tôi ước gì tôi có thể cho mọi người chỗ đứng của tôi. cạnh bàn giáo viên.

Tôi ước gì tôi có thể cho mọi người đôi mắt của tôi. chỗ bảng nhìn xuống lớp học.

Tôi ước gì tôi có thể cho mọi người đôi tay của tôi. nơi tôi chạm vào những vết thương chạy thận rè rè.

Nếu có tất cả những phép màu đó. tôi sẵn sàng què quặt để đánh đổi. cho tất cả niềm tin này. cho tất cả thương yêu này. mà bọn trẻ dành cho Bé Khỏe Bé Ngoan. cho riêng tôi.

Tôi biết ơn lắm những người đã cho tôi được đứng ở đó. chuẩn bị giáo án. chuẩn bị học cụ. chụp ảnh. viết bài.

Hình ảnh của tôi cứ ngông nghênh trên các trang truyền thông. Tôi rất biết ơn vì mọi người đã cho tôi cái quyền "thay mặt".

vậy chỉ xin những dòng tâm huyết này có thể thắp lại những tin yêu trong những điều tưởng đã tàn.

vì tôi không thể què quặt để đánh đổi cho mọi người chỗ tôi nhìn xuống bọn trẻ.

vì tôi chỉ có thể viết lại tất cả những nghĩ suy này. con chữ là tất cả những gì tôi có.

và sự biết ơn tuyệt đối. cho những người đã, đang và sẽ dành niềm tin cho Bé Khỏe Bé Ngoan. sẽ cùng tôi chảy nước mắt cho những cuộc chia ly. cho những tháng ngày hội ngộ. cho tất cả những thứ người đời quen gọi là "hoa hoét" thành chữ "tâm".

còn "tâm" với trẻ. xin đứng tiếp trong đội ngũ của chúng tôi.

không phải với Đào Nguyễn Phương Linh hay bất kì cái tên nào hữu hiện. là cái "tâm" với trẻ.

rồi tôi sẽ không đứng ở đó. sẽ là bạn. không là bạn.

là một cái "tâm" để dù có chia ly. là đoạn tuyệt. vẫn nhiệt thành với tiếng cười tin yêu của bọn trẻ.

Chân thành cảm ơn sự tận tâm của tất cả thành viên CLB Bé Khỏe Bé Ngoan. đã giúp tôi đứng ở đó.

Ảnh: Quốc Anh.

Mặt trời bé con: Ngọc Thạch


Trong khi các bạn khác tích cực tham gia buổi học thì cậu bé vẫn ngồi đó, lặng lẽ dõi theo từ xa, không thể đứng lên vui chơi cùng các bạn được vì cậu còn đang phải truyền tiểu cầu. Mắt em lúc nào cũng phảng phất buồn, gặng hỏi một hồi lâu mới biết em buồn, ít nói chuyện với các bạn là do giấc mơ đèn sách của mình bị dang dở vì căn bệnh quái ác...
Cậu bé tên Ngọc Thạch, đang học lớp 4.

Photo: Xuedge Nguyen 

BV Ung Bướu - 16h00 - 27/11/2013

1 thg 12, 2013

#22


Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết nhiều người và thấm thía qua từng nỗi đau. Quả thật không khó khăn để nhận ra rằng mình quá nhỏ bé trước những nỗi đau đó. Năm thứ 5 và tôi đã đi qua vài bệnh viện Nhi, nhiều khoa Nhi, và những bé tôi từng gặp, từng hỏi chuyện đều có những câu chuyện riêng của mình. Và ở đây, tôi gặp những cậu bé cô bé dường như quên mất đi độ tuổi thật sự của mình, quên đi cuộc sống bình thường ngoài kia, chỉ biết chia sẻ niềm vui nho nhỏ với các bạn bè mình trong bốn bức tường hẹp hòi.

Tôi đã rất e ngại khi gặp các em, tôi thực sự không biết nên làm quen thế nào, tôi ngại những lời hỏi han quá ân cần trước ánh mắt lạ lẫm. Tôi nhìn những cánh tay đầy sẹo lồi lõm khắp nơi do chạy thận của từng em mà không khỏi quặn lòng. Có gì đó khiến tôi cảm thấy mình vốn từ trước đến giờ chỉ biết nhận may mắn và sống quá dễ dàng. Chính lúc đó, tôi thực sự nghi ngờ về những gì tôi sẽ làm được ở đây, làm được cho các em. Rõ ràng là tôi đã không giúp được gì nhiều trong ngày hôm đó, rõ ràng các em mới là người chủ động hoàn toàn và tôi là người bị động. Các em đều rất ngoan, rất tự nhiên và thân thuộc với nơi này. Các em còn làm tôi thấy mình còn thua các em nhiều quá, thua cả về mặt năng động lẫn sự vô tư của mình. Bỏ qua một bên bệnh tật để vẫn háo hức học hỏi, để luôn khao khát tìm hiểu về những điều dù là rất bình thường của cuộc sống. Đôi lúc tôi không làm được, không có đủ tinh thần như thế, nhưng với các em mọi thứ dường như đến rất nhẹ nhàng, bình yên và mạnh mẽ.

Tôi yêu cách các em nắm chặt những phiếu đổi quà của mình trong tay, cất vào những chiếc hộp nhỏ dưới ngăn bàn, cẩn thận và coi trọng. Tôi yêu những khoảnh khắc cười tung vô tư dù khi trò chơi bắt đầu hay kết thúc, yêu cách ngồi yên lặng cười nhẹ nhàng của Và, cách thể hiện “big-bro” của Bi, sự liến thoắng của Vinh, mỗi em một cách, làm rộn vang trong căn phòng nhỏ. Trông dễ thương lắm khi các em xúm xít bên bàn để thi nhau gõ mặt trống nhìn các hạt gạo nảy lên, vẻ mặt tiếc nuối khi không thể đọc đủ ba lần “Chị lặt rau rồi luộc, em luộc rau lặt rồi”.

Rời khỏi đó, tôi biết rằng tôi sẽ muốn tham gia nhiều buổi dạy học nữa, để được thấy các em cười tung vô tư hoài thế này!

[Jerry Ginger] - 28/11/2013

Hình ảnh: Libra PiCi


- Khách mời: Anh Trần Nam Anh, Tổng phụ trách trường đoàn Lý Tự Trọng
- Xin trích lời của bạn Cathy Duong, một thành viên của CLB để nói về buổi sinh hoạt hôm ấy:

"Chưa có một buổi sinh hoạt hay buổi học nào trước đó mà tôi vỗ tay nhiều đến vậy. Đau và đỏ lên, nhưng tay tôi vẫn liên hồi đập vào nhau theo nhịp, miệng nhẩm theo những bài hát.Cho đến tận lúc phải ra về, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng cười vui vẻ vang trong căn phòng sinh hoạt quen thuộc. Khoảnh khắc đó, tôi nghĩ rằng, việc mang lại nụ cười cho các em, có lẽ không phải là một điều quá xa xôi"

Các bạn vào check out nha!

Ảnh: Libra Pici


30 thg 11, 2013

Hình ảnh từ BV Nhi đồng 2 (22.11.2013)


Hôm nay, nhóm tình nguyện đã đến với các em Bệnh viên Nhi Đồng 2 và bài giảng chính lần này chúng tôi đem đến cho các em là "Cấu tạo của tai". Trong dịp này, các em cũng được làm quen với các dụng cụ y tế. Được tận tay cầm "ống nghe", các em tỏ vẻ vô cùng hứng thú. Chúng tôi hi vọng những trải nghiệm hữu ích này sẽ giúp các em tự tin hơn, dũng cảm ơn khi được các bác sĩ thăm khám.




Ảnh: Libra Pici

28 thg 11, 2013

CHỨNG SUY GIẢM THỊ LỰC (MẮT LƯỜI) Ở TRẺ EM


Nguyên nhân thực sự gây chứng suy giảm thị lực
- Suy giảm thị lực (mắt lười) là tình trạng não không nhận được thông tin từ một bên mắt, làm hình ảnh trở nên mờ và nhoè. Phầnlớn trường hợp là không có khiếm khuyết cấu tạo nào của mắt trong "chứng mắt lười", mặc dù bệnh có thể không đáng kể hoặc nặng thêm - đưa đến tình trạng lát mắt (lé mắt).
- Vào thế kỉ 19, có bước tiến quan trọng về giải phẫu mắt, nhưng mãi đến những năm 1930, các nhà khoa học mới khám phá ra việc nhìn cần phải được học tập. Đây là một bất ngờ lớn vì trước đây người ta nghĩ rằng nhìn là tự động, như thở hay tiêu hoá vậy.
- Những nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em đã chứng minh điều này. Con người được sinh ra với phản xạ nhìn cơ bản, nhưng ta cần phải học cách sử dụng đôi mắt. Khi một em bé mở mắt lần đầu tiên, hai mắt không tự động cùng làm việc với nhau như một đôi mắt, và thực tế là nhiều em bé sinh ra với đôi mắt bị lát (mắt lé).
- Trong vài tháng đầu đời, chúng ta phải học cách vận động hệ thị giác. Não hình thành những liên kết nơron làm cho hai mắt cùng làm việc như một đôi mắt và tập trung vào cùng một vật ở cùng một thời điểm. Quá trình này phụ thuộc vào việc cả hai mắt nhận được cường độ kích thích như nhau. Nếu một bên mắt không nhận đủ kích thích, liên kết nơron bị đứt và não thường sẽ không nhận được thông tin từ mắt bên đó, làm con mắt trở nên "lười".

Một kiểm tra đơn giản cho mắt bị suy giảm thị lực
- Đặt em bé trong nôi mà một bên mắt nhìn thấy một thế giới ánh sáng, màu sắc và những hình chuyển động; ngược lại, mắt kia chỉ nhìn thấy bức tường có thể gây chứng suy giảm thị lực. Kết quả là một bên mắt ưu thế được não sử dụng để nhìn nhiều và một bên mắt bị não lãng quên.
- Nếu có một mắt bị suy giảm thị lực, hệ thị giác sẽ mất cân bằng như một động cơ ôtô bốn bánh mà chỉ có hai bánh chạy tốt. Chiếc ôtô như vậy sẽ chạy không nhanh và tốn nhiều năng lượng. Cũng như vậy, người có một mắt bị suy giảm thị lực thường phải chịu việc cảm nhận không sâu và phối hợp mắt kém, đọc, hiểu khó khăn.
- Nhiều người vẫn có một bên mắt ưu thế hơn mặc dù thị giác bình thường, cũng chỉ giống như thuận tay trái hay thuận tay phải. Miễn là bên mắt thuận khônng quá ưu thế thì không vấn đề gì.
- Rất dễ kiểm tra chứng suy giảm thị lực. Nhìn vào một vật sáng, sau đó dùng tay che một mắt lại, sau đó di chuyển bàn tay để che mắt kia. Lùi lại và tiến tới với mỗi bên mắt vài lần. Nếu ảnh hai mắt nhìn thấy gần như sáng và rõ như nhau, tức hệ thị giác cân bằng. Nhưng nếu ảnh của một bên nhoè và mờ hơn đáng kể, tức là đã mắc chứng suy giảm thị lực.

Điều trị chứng suy giảm thị lực
- Suy giảm thị lực và lác mắt thường có thể được cải thiện hoặc chữa trị bằng cách che bên mắt thuận trong thời gian dài để buộc bên mắt "lười" phát triển. Nghiên cứu cho thấy thời gian che bên mắt thuận càng dài thì kết quả càng tốt. Nhiều bác sĩ mắt khuyên bịt hoàn toàn bên mắt thuận bằng băng y tế tối màu trong vài ngày. Nếu đeo kính, có thể che một bên tròng kính lại.
- Tất nhiên, không phải chỉ cần làm bên mắt lười khá hơn là hệ thị giác tự động cân bằng trở lại. Nếu che một bên mắt không có tác dụng, có những công nghệ khác, như luyện tập, tiêm thuốc vào cơ mắt. Cuối cùng là phẫu thuật và các bài tập sau đó.

Trích dẫn và biên dịch: Dr. Merrill J. Allen, Dr. Steven M. Beresford, 
Dr. Francis A. Young (American Vision Institute) 

Tác giả: Lam Tuong Nguyen

26 thg 11, 2013

Trần Thị Hoàng Anh - Luôn cười bằng cả trái tim.


Phó ban hoạt động, chịu trách nhiệm trong các báo cáo về CTV và hoạt động của ban, Hoàng Anh thích thú chia sẻ: “Điều mình tâm huyết nhất ở ‘Bé khỏe Bé ngoan’ cũng chính là mục tiêu của CLB: mang niềm vui và kiến thức đến với các bé bệnh nhi.


Chị tâm sự: “Các bé cũng giống như tờ giấy trắng vậy, nhưng những tờ giấy trắng ấy không được đóng vào một cuốn sổ thật đẹp và viết những điều thật hay. Điều chúng ta đang làm chính là tô vẽ cho những tờ giấy trắng ấy những điều hay ý đẹp”. Cuộc trò chuyện tuy không dài, nhưng có thể phác họa được tâm hồn của một cô gái luôn cười bằng cả trái tim.

PV: Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất từ ngày hoạt động ở CLB?

Đó là lần đầu tiên đi dạy ở bênh viện Ung Bướu, hôm ấy học bài rửa tay và có một cô bé với khuôn mặt cực kì dễ thương đã làm mình nhớ mãi.

Chuyện là, khi cô bé giơ tay để lấy nước rửa, bé hồn nhiên bảo: “Cô ơi! Tay con bị đau rồi”. Nhìn xuống thì mình thấy tay phải của em đang phải gắn kim luồn. Thoáng nghĩ, kiểu này bé sẽ không thể tham gia vào bài học, nhưng đôi mắt háo hức của em cứ xoáy thẳng vào tim mình. Cuối cùng, mình bảo bé chờ một chút xíu thôi, sau khi lo cho các em khác xong, mình quay lại, ngồi xuống cạnh em: “Bây giờ cô 1 tay, con 1 tay, chúng ta cùng rửa tay sạch nha”. Đôi mắt bé cười ánh lên niềm vui làm mình vô cùng hạnh phúc.


PV: Có bao giờ chị cảm thấy áp lực khi phải giải quyết nhiều công việc cùng một lúc?

Có chứ! Có những lúc cảm thấy muốn từ bỏ tất cả luôn í, nhưng cứ nhớ tới những nụ cười thật tươi, những cái ôm ghì của các bé, mình cảm thấy mình sẽ bỏ lỡ nhiều điều ý nghĩa lắm nếu mình từ bỏ

PV: Làm việc chung với nhiều CTV, làm sao chị có thể hướng họ đến mục đích chung của CLB? 

Theo mình, bất kì CTV nào đến với CLB đều mang trong mình một tình yêu, sự cảm thông và mong ước được đem lại những điều tốt nhất cho các bé bệnh nhi. Làm việc chung thì không tránh được việc đôi khi xảy ra bất đồng quan điểm, nhưng chính vì mục tiêu to lớn của CLB đã kéo chúng ta lại gần nhau và tiếp tục đi trên một con đường


PV: Làm trợ giảng cho các buổi dạy, chị cảm thấy thế nào?
Nhìn các bé háo hức đón chờ những bài học mới, mình cảm tưởng như chính bản thân mình được hưởng niềm hạnh phúc vậy. Thật sự, không từ ngữ nào diễn tả được cảm xúc ấy cả, còn vui hơn cả niềm vui lúc nhỏ được mẹ mua quà. Có lẽ vì cảm giác khi đem lại cho ai đó nụ cười, thì chính bản thân mình sẽ nhận lại được gấp đôi.

Không chỉ làm trợ giảng, mình còn làm cả hậu cần. Mình rút ra được là, mỗi vị trí đều có những yêu cầu nhất định. Nhiều bạn cứ nghĩ rằng, giỏi thì làm giảng chính, dở thì làm hậu cần. Sai hoàn toàn nhé! Có trải qua mới biết làm hậu cần không hề dễ, phải nắm rõ trình tự bài giảng, chuẩn bị dụng cụ dạy đầy đủ, linh hoạt trong mọi tình huống, biết quan sát và hỗ trợ người giảng chính kịp lúc.

PV: Chị nghĩ CLB cần điều gì vào lúc này nhất?
Theo mình, bây giờ và mãi mãi về sau, điều mà CLB cần nhất đó là lòng nhiệt thành và tình yêu của các bạn dành cho bệnh nhi.

PV: Cảm ơn chị.


Thông tin bổ sung
1. Họ tên: Trần Thị Hoàng Anh
2. Ngày sinh: 16/08/1990
3. Cung hoàng đạo: Sư tử
4. SV năm thứ 5 - ĐH Y Dược 
5. Sở thích: hát hò, nhảy múa tứ lung tung…
6. Màu sắc đại diện: 7 sắc cầu vồng 
7. Dùng 3 từ miêu tả về bạn: hiền pha lẫn chút điên :))
8. Ước mơ lớn nhất: có thể chữa bệnh cho thật nhiều người, 
đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.



Thực hiện: Trâm Anh

25 thg 11, 2013

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em.





Rối loạn dị ứng là một trong những bệnh mãn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Bất kỳ em bé nào cũng có thể bị dị ứng, nhưng những trẻ sinh ra từ các gia đình có tiền sử dị ứng sẽ có nguy cơ bị dị ứng cao hơn.

Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ về viêm mũi dị ứng - phổ biến nhất trong tất cả các loại dị ứng ở trẻ em. Việc xác định sớm các vấn đề về dị ứng ở trẻ sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm số ngày phải nghỉ học của bé và cha mẹ có thể yên tâm trong công việc mà không phải quá lo lắng về tình trạng của bé.

Viêm mũi dị ứng gây ra chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt hoặc tắc nghẽn mũi. Bên cạnh đó, trẻ bị dị ứng cũng có thể bị ngứa mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt và gặp các vấn đề tai mãn tính. Loại dị ứng này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào của năm - theo mùa hoặc quanh năm và không gây ra sốt.
- Nghẹt mũi:
Dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất của nghẹt mũi mãn tính ở trẻ em. Đôi khi mũi của một đứa trẻ bị ách tắc (bị chặn) khiến bé phải hít thở qua miệng, đặc biệt là trong khi ngủ. Điều này cũng có thể làm trẻ không có được một đêm ngủ ngon giấc và sau đó trở nên mệt mỏi vào ngày hôm sau. Nếu việc tắc nghẽn và thở bằng miệng không được điều trị kịp thời, có thể có những thay đổi bất thường về sự phát triển của răng và xương khuôn mặt.

- Nhiễm trùng dị ứng và taiDị ứng dẫn đến viêm tai và có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng dẫn đến nhiễm trùng tai và giảm thính lực. Nếu điều này xảy ra khi bé đang tập nói, khả năng ngôn ngữ nói sẽ bị suy giảm đáng kể. Dị ứng có thể gây ra đau tai cũng như ngứa tai, nặng hơn là viêm tai mãn tính.

Bác sĩ sẽ điều trị viêm mũi dị ứng cho bé như thế nào?- Bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc có tác dụng giảm viêm.
+ Thuốc chống dị ứng hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của histamin thường ở dạng lỏng hoặc xi-rô dùng cho trẻ nhỏ.
+ Thuốc xịt mũi được sử dụng để cung cấp thuốc chống dị ứng và steroid để đường mũi và thường được sử dụng ở trẻ em trên 6 tuổi. Thuốc xịt mũi chống dị ứng giúp giảm các triệu chứng ngứa và hắt hơi trong khi steroid được sử dụng để kiểm soát chứng viêm màng mũi và có thể giúp giảm các triệu chứng mắt .
+ Thuốc nhỏ mắt có thể đặc biệt hiệu quả nếu các triệu chứng mắt là một trong những triệu chứng chính của viêm mũi dị ứng. Nhiều thuốc nhỏ mắt có chứa cromoglicate , hoạt động bằng cách ngăn chặn các phản ứng của các tế bào giải phóng histamin trong một phản ứng dị ứng và có thể là một lựa chọn kháng histamin hữu ích trong việc ngăn ngừa phản ứng dị ứng.

Các biện pháp phòng tránh viêm mũi dị ứng - Đầu tiên, việc xét nghiệm dị ứng sẽ rất hiệu quả trong việc xác định chất gây dị ứng gây ra các triệu chứng của viêm mũi. Đối với một số chất gây dị ứng, cha mẹ có thể chú ý cách ly các nhân tố gây dị ứng như động vật và vật nuôi của gia đình mình và gia đình người khác.
- Nhà cửa và các đồ dung nội thất mềm như thảm trải, nệm cần được hút bụi vì bụi và nấm mốc là những mối nguy cơ gây dị ứng cao.
- Tránh cho bé đi ra ngoài vào những ngày nhiều gió hoặc sau cơn dông
- Đeo kính mặt trời để bảo vệ đôi mắt của bé.
- Phụ huynh nên rửa mặt và mái tóc cho bé nếu bé vừa vui chơi bên ngoài về (vì các hạt phấn hoa có xu hướng dính vào da và tóc của bé)
- Cửa sổ giữ tắt đặc biệt là vào buổi sáng và buổi tối (khi phấn hoa được phát tán ra ngoài không khí)
- Tránh phơi quần áo ngoài trời ban đêm vì phấn hoa có thể bám vào quần áo của bé.

Biên dịch và tổng hợp: Phương Anh.
Nguồn tham khảo http://www.allergyuk.org/ 

#21: Trích Nhật ký tập huấn cộng tác viên


Nhân dịp Chuỗi chương trình huấn luyện Quản trò lần đầu tiên được đưa vào chương trình huấn luyện của Câu lạc bộ.

"Chỉ trong chừng hơn một tiếng của buổi sinh hoạt quản trò ngày hôm nay, tôi đã trở lại cái tuổi lên bảy, lên tám thuở nào, bằng lời ca và tiếng cười thích thú. Cùng với những “đứa trẻ” khác, với chút ngỡ ngàng ban đầu khi mới “làm quen”, chúng tôi đã cùng tạo nên một buổi sinh hoạt thành công hơn mong đợi.

Có lẽ đúng như anh Nam Anh đã nói, âm nhạc mang con người đến gần nhau hơn. Vậy nên, trong suốt khoảng thời gian tôi có mặt ở đó, tiếng hát, tiếng cười cứ vang lên, hòa lẫn trong những giai điệu tươi vui nối liền không dứt. Đã qua rồi cái tuổi con nít bé xíu xiu thích hát, thích cười, thích đùa vui, nhưng hôm nay, tôi chợt nhận ra việc chơi đùa mang lại cho ta nhiều điều hơn cả niềm vui. Đó là sự kết nối nhanh chóng của những con người lúc đầu hãy còn xa lạ sau một trò chơi. Ta có thể sẽ nhanh chóng quên tên của người mới bắt tay chào mình, nhưng sẽ không quên một người đã cùng hát, cùng chơi , cùng “nắm cái tay”, “nắm cái chân”, “nắm cái mũi” đầy hồn nhiên. Vậy nên, thật dễ hiểu khi những khoảng cách mà tuổi tác và bệnh tật tạo nên bị xóa nhòa, trong niềm vui của cả người dạy và các em nhỏ từ những trò chơi nho nhỏ đó.

Chưa có một buổi sinh hoạt hay buổi học nào trước đó mà tôi vỗ tay nhiều đến vậy. Đau và đỏ lên, nhưng tay tôi vẫn liên hồi đập vào nhau theo nhịp, miệng nhẩm theo những bài hát.Cho đến tận lúc phải ra về, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng cười vui vẻ vang trong căn phòng sinh hoạt quen thuộc. Khoảnh khắc đó, tôi nghĩ rằng, việc mang lại nụ cười cho các em, có lẽ không phải là một điều quá xa xôi."

Tác giả: Cathy Duong

24 thg 11, 2013

#20

Khi đứa bạn thân rủ tôi tham gia hoạt động của một CLB trong trường tên là Bé Khỏe Bé Ngoan, tôi nửa tin nửa ngờ, nửa đùa nửa thật hỏi nó: “Tao có được lợi gì ko? Là công việc từ thiện có được tính điểm công tác xã hội không?” Đứa bạn thật thà bảo chẳng có lợi gì cả, tôi muốn đi hay không thì tùy, nó cũng không nài. Lạ cái là, một thằng có vẻ ngổ ngáo, vô tâm như tôi mà lại như có cái gì thôi thúc là tôi nên thử đi một buổi trợ giảng ở bệnh viện Nhi Đồng. 

Tôi được thông báo là sẽ cùng chị chủ nhiệm CLB tổ chức một buổi dạy học cho các bệnh nhi. Trước giờ tôi chưa từng dạy học cho ai. Ý thức giáo dục với tôi có khi còn bị xen ngang bởi những ước mơ kiểu như “game thủ chuyên nghiệp”. Tôi không hồi hộp, cũng không trông chờ điều gì. Cái kiểu người tôi thế, không hay thiên về cảm xúc.

Rồi tôi cũng gặp bọn trẻ. Nhỏ có, lớn có. Tôi không đoán được tuổi để tìm cách làm thân với các em được vì các em trông nhỏ con lắm. Đứa bạn biết tôi còn lạ việc nên cũng dẫn tôi đi làm quen với các em. Nó bảo em Và 10 tuổi, em Dềnh 15 tuổi. Tôi nghe mà nghe lòng mình đôi chút hoang mang. Ở tuổi này, bọn trẻ ngoài kia đã học được bao nhiêu thứ, có khi còn chán ngán trường lớp. Còn các em thì...chỉ qua qua lại lại với nào là thuốc, là máy chạy thận, là giường bệnh. Thế mà trong mắt các em, ánh sáng của niềm khao khát vẫn bừng lên không lẫn được vào đâu. 


Tôi cũng từng nghe nhiều điều về sức sống mãnh liệt, về niềm tin, về nỗi khát khao. Nhưng đến tận hôm nay, cái tôi cứng nhắc của tôi mới thực sự động lòng về ý nghĩa của chúng khi chứng kiến không khí trong phòng học của các bệnh nhi.

Người ta có thể nghĩ rằng bọn trẻ ở đây sinh ra đã chẳng có một lựa chọn nào ngoài việc chịu đựng căn bệnh và chờ đợi một kết thúc. Nhưng chính các em đã cho thấy rằng bản thân các em vẫn có lựa chọn và các em chính là những đứa trẻ thông minh nhất, mãnh liệt nhất khi chọn sống từng phút từng giây với khao khát học hỏi của mình. Nhóc Tùng bé con cứ đứng lên đứng xuống mỗi khi cô giáo đặt câu hỏi. Bé Và tuy cứ im im không chịu lên thực hiện thí nghiệm nhưng có một cộng tác viên đến động viên là em lên ngay, còn hào hứng lắm. Chả bù với nhóc Bi hiếu động, cứ chạy lên chạy xuống liên tục.

Tôi hiểu rằng dù khoảng thời gian còn lại rất ít nhưng chúng cũng rất cần được học và hiểu biết về thế giới xung quanh của mình. Đối với những đứa trẻ ở đây, điều này mới thật sự là hạnh phúc là vui vẻ. Chúng ta cố gắng làm hết khả năng của mình, dù chúng ta có làm được bao nhiêu chăng nữa không quan trọng vì những đứa bé này khi mà chúng ở trên thiên đàng các thiên thần sẽ làm nốt phần việc còn lại của chúng ta.

[Ẩn danh]
Hình ảnh: Phơ Tơ Ráp Phiều

Buổi tập huấn "Học qua phim"


Buổi chiều ngày 16/11/2013, tại giảng đường Trường Đại học Y Dược TPHCM, CLB đã tổ chức Buổi tập huấn "HỌC QUA PHIM" cho các bạn CTV - những người vừa tham gia hoạt động tình nguyện, vừa phải đảm bảo việc học rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và mất thăng bằng.

Với sự tham gia quý báu của Cô Bảo Châu, Giám đốc Trung Tâm Học Tập và Phát Triển Cộng Đồng Việt VLCDC , giảng viên của rất nhiều chương trình trò chuyện về phát triển bản thân, cô đã chia sẻ phương pháp để giữ thăng bằng trong cuộc sống và học tập, làm việc.

Ảnh: Anh Bi

23 thg 11, 2013

Mặt trời bé con: Mỹ Duyên - Từ một nụ cười.


Trong buổi học cùng CLB, em đứng một mình cuối lớp, nhìn cô giáo đang hăng say giảng bài, nhìn các bạn đang vui vẻ phát biểu và.....mỉm cười theo. Em còn nhỏ, nụ cười em thật sáng, thật lạc quan nhưng vẫn vương một nét cam chịu làm tôi thấy nghẹn lại. Tựa như, em vừa thắp lên cho tôi niềm vui, vừa đem đến cho tôi động lực để sống tốt hơn và có ý nghĩa hơn. Tên của em - Mỹ Duyên.
- Libra PiCi -

Ảnh chụp tại BV Ung Bướu, lúc 15h36’ ngày 23/10/2013

22 thg 11, 2013

THÓI NGHIẾN RĂNG LÚC BÉ NGỦ

Khi nhìn con trẻ đang ngủ, cha mẹ luôn mong muốn nghe những tiếng thở sâu, nhẹ nhàng và đều đặn của bé. Tuy nhiên có đôi lúc cha mẹ phát hiện ra những âm thanh nghiến, nghiền răng thô ráp, một vấn đề thường gặp ở trẻ em.
Nghiến răng lúc ngủ là sự nghiền răng, nghiến hàm thường xảy ra trong giấc ngủ sâu hoặc trong cơn stress. Cứ 10 trẻ thì có 2 hoặc 3 trẻ gặp phải, nhưng theo các chuyên gia, đa số lớn lên sẽ khỏi.


Nguyên nhân của thói nghiến răng khi ngủ
- Chúng ta không biết được nguyên nhân gây nghiến răng dù đã có nhiều cuộc nghiên cứu. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, trẻ nghiến răng có thể do răng hàm trên và hàm dưới không thẳng hàng. Hoặc do đau, như đau tai, đau răng; để làm đỡ đau khi cọ xát những cơ bị đau. Khá nhiều trẻ phát triển thoát khỏi những nguyên nhân thông thường này.
Stress – thường bị căng thần kinh hay tức giận – lại là một nguyên nhân khác. Ví dụ, trẻ lo lắng về bài kiểm tra hay sự thay đổi trong thói quen (anh chị em mới hay giáo viên mới), thậm chí cãi nhau với cha mẹ, anh chị em.
Một vài đứa trẻ quá hiếu động , hoặc đôi khi trẻ đang gặp vấn đề bệnh khác cũng có thể gây thói nghiến răng.

Những ảnh hưởng của thói nghiến răng
- Gây đau đầu hoặc đau tai, nhưng nhiều trường hợp không phát hiện những ảnh hưởng xấu. Thường thì gây phiền nhiều hơn cho các thành viên khác trong gia đình do âm thanh nghiến răng.

Trong vài trường hợp, có thể làm mòn men răng, làm mẻ răng, tăng độ nhạy cảm của răng với nhiệt độ, gây đau mặt nghiêm trọng và những vấn đề về hàm, như bệnh khớp thái dương hàm (TMJ). Trừ khi là nghiến và nghiền răng kinh niên, nếu không đa số sẽ không gặp phải bệnh khớp thái dương hám.

Chẩn đoán
- Nhiều trẻ không nhận ra chính mình mắc thói nghiến răng, thường chính bố mẹ , anh chị em là người phát hiện.
- Vài dấu hiệu cần để ý:
Những tiếng nghiến khi trẻ đang ngủ
Buổi sáng kêu đau hàm hay đau mặt
Đau khi nhai
Nếu trẻ mắc thói nghiến răng, hãy đến nha sĩ kiểm tra sự hao mòn và mẻ men răng, phun khí và nước để kiểm tra độ nhạy cảm bất thường.
Nếu phát hiện tổn thương, nha sĩ sẽ hỏi trẻ vài câu hỏi như:
Con cảm thấy thế nào trước khi đi ngủ?
Có lo lắng về điều gì ở trường hay ở nhà không?
Có tức giận với ai không?
Làm gì trước khi đi ngủ?
Hỏi giúp nha sĩ xác định thói nghiến răng là do nhân tố giải phẫu (răng không thẳng hàng) hay tâm lí (stress) và đề ra kế hoạch điều trị hiệu quả.

Điều trị
- Đa số trẻ lớn lên sẽ tự khỏi, nhưng sự theo dõi của bố mẹ cùng với nha sĩ có thể giúp kiểm soát cho đến khi phát sinh vấn đề.
Trong trường hợp nghiến và nghiền răng làm mặt, hàm bị đau và gây tổn thương răng, nha sĩ có thể chỉ định dùng một dụng cụ tương tự như miệng cái kèn có tác dụng bảo vệ đặc biệt, được thiết kế cho răng trẻ em. Dù sẽ thành thói quen, nhưng điều này có hiệu quả rất nhanh.
Làm gì để giúp trẻ?
+ Thư giãn trước khi đi ngủ: tắm nước nóng, nghe nhạc dịu nhẹ vài phút hoặc đọc sách.
+ Nếu nguyên nhân là do stress, hỏi xem điều gì làm trẻ buồn và tìm cách giúp đỡ. Nhưng nếu bạn vẫn lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ.
+ Trong trường hợp hiếm, những cách làm giảm stress thông thường không thể chấm dứt nghiến răng. Nếu trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ hoặc có hoạt động bất thường, đến bác sĩ hoặc nha sĩ để được chẩn đoán chính xác, giúp xác định nguyên nhân của stress và có hướng điều trị thích hợp.

Thói nghiến răng lúc ngủ kéo dài bao lâu?
Mắc thói nghiến răng thuở thơ ấu thường khỏi ở tuổi thiếu niên. Đa số là khi thay răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu thói nghiến răng vẫn tiếp diễn và do stress, nó sẽ tiếp tục cho đến khi nào stress được giải tỏa.

Phòng ngừa thói nghiến răng
 - Đôi khi nghiến răng là phản ứng tự nhiên của sự tăng trưởng và phát triển nên đa số không thể phòng ngừa. Nghiến răng do stress có thể tránh được, trò chuyện thường xuyên và giúp trẻ giải quyết stress. Thường xuyên đến nha sĩ để phát hiện, và nếu cần, điều trị thói nghiến răng.


(Nguồn: familydoctor.org- Bs Phẫu thuật Nha khoa Kenneth H. Hirsch)

Biên dịch tổng hợp : Lam Tuong Nguyen

21 thg 11, 2013

Thông báo: Lớp học Handmade



Các bạn thân mến,

- Nhằm đáp ứng nhu cầu của các bạn sinh viên muốn tự mình làm ra những sản phẩm hữu dụng trong cuộc sống, những món quà ý nghĩa cho bạn bè, thầy cô, gia đình.
- Tạo môi trường giao lưu, thư giãn,bổ ích, thường xuyên, định kì cho các bạn sinh viên sau thời gian học tập căng thẳng.
- Tự túc nguồn kinh phí hoạt động cho CLB Bé Khỏe Bé Ngoan.

CLB Tình nguyện Bé Khỏe Bé Ngoan đã kết hợp cùng RSS boutique mở Lớp handmade chuyên dạy đan móc với cái yêu cầu đề ra là:
- Công tác tổ chức chặt chẽ, liên tục, định kì trong thời gian dài.
- Lớp học cung cấp kiến thức đầy đủ, thao tác kỹ năng một cách hiệu quả, trên tinh thần thiết thực
- Không gian tương tác hòa nhã, vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
- Thu hút đông đảo các bạn sinh viên trong và ngoài trường tham gia hoạt động của lớp học.


1.Thời gian: Từ 14h đến 17h thứ 7 hàng tuần.
KHAI GIẢNG VÀO NGÀY 7/12/2013

2. Địa điểm: Giảng đường 6, Đại học Y Dược TP.HCM – 272 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TpHCM.

3. Số lượng: 20 học viên trở lên.
CÁC BẠN NHẮN TIN ĐĂNG KÍ VÀO SỐ DT 0932184580, LỚP CHỈ KHAI GIẢNG KHI CÓ ĐỦ SỐ LƯỢNG ĐĂNG KÍ

4. Đối tượng tham gia:- Giáo viên hướng dẫn: Đào Nguyễn Phương Linh – Chủ nhiệm CLB
- Học viên:
• Các công tác viên CLB Bé Khỏe Bé Ngoan
• Sinh viên trường ĐH Y Dược TpHCM.
• Các bạn học sinh, sinh viên thuộc các trường khác trong khu vực TpHCM
• Tất cả mọi người yêu thích và có nguyện vọng tham gia lớp học.

NỘI DUNG LỚP HỌC:Hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản đan, móc len
Hướng dẫn cách thực hiện sản phẩm hoàn chỉnh theo mẫu
[LỊCH DẠY SẼ UPDATE TRONG THỜI GIAN SỚM NHẤT]

HỌC PHÍ THAM GIA LỚP HỌC• Cộng tác viên CLB Bé Khỏe Bé Ngoan: 30.000đ/buổi.
• Sinh viên, học sinh của các trường: 35.000đ/buổi.
• Các đối tượng khác: 40.000đ/buổi.

HỌC PHÍ TRÊN SẼ TRỞ THÀNH NGUỒN QUỸ CHO CLB BÉ KHOẺ BÉ NGOAN 100%.
HỌC PHÍ BAO GỒM TIỀN NƯỚC, THỨC ĂN NHẸ TRONG BUỔI DẠY, không bao gồm nguyên vật liệu (các bạn có thể mua ngay tại lớp học).

LƯU Ý: CÁC BUỔI DẠY CĂN BẢN SẼ ĐƯỢC DẠY MIỄN PHÍ.

THÀNH PHẨM CÁC BẠN CÓ THỂ QUYÊN GÓP VÀO MỤC LỤC CÁC SẢN PHẨM SẼ ĐƯỢC BÁN TỪ THIỆN GÂY QUỸ CHO BỆNH NHI chuẩn bị được CLB tổ chức vào trước tết Nguyên Đán.

Bất kì thắc mắc nào các bạn có thể liên hệ với RSS boutique qua hotline: 0932184580
hoặc qua email: rumpelstiltskinboutique@gmail.com
hoặc inbox trực tiếp cho qua www.facebook.com/rssboutique

20 thg 11, 2013

MỘT SỐ LƯU Ý VỀ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN Ở TRẺ EM.



Thời tiết đang bước vào những tháng cuối năm với không khí se lạnh và khô hanh hơn. Đây là thời điểm giao mùa mà trẻ thường dễ mắc các bệnh đường hô hấp, điển hình là viêm phế quản. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích cho các bậc phụ huynh trong việc phòng tránh và điều trị khi trẻ không may bị viêm phế quản.

Viêm phế quản là gì?

Đây là một dạng nhiễm trùng hay viêm đường dẫn khí lớn đến phổi (những đường hô hấp này được gọi là phế quản). Khi trẻ bị cảm lạnh , đau họng , cảm cúm, hoặc nhiễm trùng xoang do vi rút gây nên thì có thể chính những loại vi rút này sẽ lây lan đến phế quản. Do đó, đường hô hấp trở nên sưng , viêm, và một phần bị chặn bởi chất nhầy. Có thể nói, virus là thủ phạm phổ biến nhất gây ra bệnh viêm phế quản ở trẻ em.

Ngoài ra, nhiễm trùng do vi khuẩn và các chất kích thích như khói bụi thuốc lá cũng có thể gây viêm phế quản.

Làm thế nào để nhận biết trẻ bị viêm phế quản?
- Đầu tiên, bé có thể xuất hiện triệu chứng cảm lạnh, đau họng , mệt mỏi, chảy nước mũi, ớn lạnh, đau nhức và sốt nhẹ. Các cơn ho khan khởi phát và tiếp theo xuất hiện chất nhầy xanh hoặc vàng. Lưu ý rằng, bé rất dễ nôn mửa khi cường độ ho tăng cao.
- Khi bị tổn thương, trẻ có thể cảm thấy khó thở hoặc thở khò khè . Nếu viêm phế quản nặng, cơn sốt có thể tăng trong vài ngày và cơn ho có thể kéo dài trong vài tuần.

Khi nào phụ huynh nên nhờ sự can thiệp của bác sĩ?
- Nếu cơn ho của bé trở nên nghiêm trọng hơn sau vài ngày đầu hoặc cơn sốt kéo dài trong hơn một vài ngày với nhiệt độ cao đáng lo ngại, hoặc thêm vào đó bé ho khò khè hoặc ho ra máu, cha mẹ cần lien lạc với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Viêm phế quản được điều trị như thế nào?
- Vì tình trạng viêm phế quản sẽ được cải thiện trong một tuần đến mười ngày do đó cha mẹ có thể tiến hành một vài biện pháp sau để giảm bớt các triệu chứng trong khoảng thời gian chờ đợi :
- Cho trẻ uống nhiều chất lỏng - khoảng tám đến mười ly một ngày để giảm tắc nghẽn và ngăn ngừa tình trạng mất nước .
- Chạy máy tạo độ ẩm phun sương mát trong phòng ngủ hoặc khu vui chơi trong ngày, đặc biệt nếu gia đình sống trong vùng khí hậu khô. Việc làm ẩm không khí sẽ góp phần giúp bé thở dễ dàng hơn với điều kiện thiết bị phun sương cần đảm bảo vệ sinh bụi bặm sạch sẽ.
- Dùng thử nước muối nhỏ mũi để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn.
- Thời tiết lạnh , bụi và khói có thể gây kích ứng đường hô hấp của trẻ , do đó phụ huynh nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đủ độ ấm và đặc biệt là tránh khói thuốc lá.
- Đỡ bé nằm cao trong khi ngủ nghỉ để làm cho hơi thở dễ dàng hơn.
- Nhằm giảm bớt cơn sốt và khó chịu , hãy cho trẻ dùng liều lượng acetaminophen hoặc ibuprofen trẻ em thích hợp.
- Nếu bé bị suyễn , bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc giãn phế quản để mở rộng đường thở hoặc một loại thuốc corticosteroid để giảm bớt tình trạng viêm.

Cha mẹ làm gì để ngăn ngừa bệnh viêm phế quản cho bé?
- Thường xuyên rửa tay, hấp thụ đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tránh những người bị bệnh là những điều các bậc cha mẹ thường xuyên nên làm để ngăn ngừa bệnh cho bé. Nếu phụ huynh nghĩ rằng bé có thể dễ bị viêm phế quản hoặc viêm đường hô hấp kéo dài và nghiêm trọng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm phòng cúm. Một điều quan trọng nữa là bảo vệ trẻ tránh xa khói thuốc.

Biên dịch tổng hợp: Anh LP Thai

#19

Trong tâm trạng chạy hồng hộc đến giảng đường vì sợ trễ giờ, tôi khá bất ngờ với buổi sinh hoạt hôm nay: có vẻ vắng!

Cảm giác hơi lạ, hơi trống. Nhưng, cô vẫn đó, và cô nói. Cô hỏi về những khó khăn khi sinh hoạt cùng các bé, cô vẫn nói dù là khán phòng chỉ có chưa tới 30 anh chị.

Không micro, không trò chơi, dù đang bị đau họng, cô nói bằng hết sức mình. Các anh chị đặt ra những câu hỏi thật hay,và mọi người cùng nhau đề ra giải pháp.

Một câu hỏi khá quen thuộc rằng: “Khi những bạn CTV mới tới, các bé cảm thấy lạ lẫn khác hẳn khi chị Linh bước vào, vậy khi không có chị Linh thì những CTV mới nên làm thế nào?”. Cô điềm đạm trả lời: 
“Hãy tổ chức trò chơi trước khi dạy, nên để trẻ vừa học vừa chơi, trẻ đã đủ mệt mỏi với căn bệnh của mình rồi, đừng bắt em phải mệt mỏi trong việc suy nghĩ tại sao hạt đậu lại nảy mầm nữa, và , đừng quên chủ động chào trẻ trước”
Lời khuyên dù ngắn gọn nhưng phải là một người từng trăn trở rất nhiều về các bệnh nhi mới có thể cô đọng nó và khiến chúng tôi nhớ từng chữ từng lời.

Khi bàn đến trường hợp em Phượng rất chán nản, buồn bã, khép kín mình với cuộc sống vì biết mình đang mang trong người căn bệnh ung thư nghiệt ngã, câu hỏi là các CTV có thể giúp em những gì? Hỏi han, lo lắng quá mức liệu sẽ là giải pháp tốt? Nên tỏ ra bình thường, đừng đề cập đến vấn đề đó và làm nhiều cách cho trẻ thấy mình cũng giống những người bình thường (tặng 1 bức tranh của 1 cô ca sĩ nổi tiếng hát hay nhưng không có tóc, tặng nón,…) – đó là những điều mà tôi học được từ cô, từ một tấm lòng luôn vì bệnh nhi.

Một trong những ấn tượng của ngày hôm qua đối với tôi, có lẽ là công việc mà chúng tôi sắp làm. Chúng tôi xuống từng phòng bệnh, kêu gọi các bé tham gia học chung, chơi chung với chúng tôi. Sẽ khó đấy, phải giao tiếp thân thiện, cho bé biết học sẽ có ích lợi gì, phải tuân thủ những quy định gì, mỗi người sẽ phải làm một phát ngôn viên cho CLB. Vâng, sẽ khó đấy nhưng không phải không thể. Có được những lớp học đông đủ như hiện nay là một quá trình thực hiện của đàn anh đàn chị, và bây giờ đến lượt chúng ta. Chắc chắn sẽ làm được, chắc chắn ngày càng tốt hơn!

Quỳnh Như - 17/11/2013
Photo by: Phơ Tơ Ráp Phiều

19 thg 11, 2013

#18

Đào Nguyễn Phương Linh đang ngồi ở bệnh viện Ung Bướu, phòng sinh hoạt bệnh nhi và viết những dòng này...

Tôi cảm thấy phải viết ngay những dòng này. giữa tất cả những chộn rộn sau cùng.
Buổi dạy vừa kết thúc.
..
14 giờ 34 phút chiều tôi và Uyên Minh vừa kịp chạy sang lầu 2, Ung Bướu. hôm nay chúng tôi không có lịch dạy.
..
9 giờ 05 phút sáng, người phụ trách phòng sinh hoạt bệnh nhi gọi cho tôi. tuần sau các con phải tổ chức sinh nhật. nên chúng tôi phải sinh hoạt hôm nay thôi.
..
11g30 phút sáng, tôi và Hoàng Anh chạy lung tung ở Kim Biên, lục lọi những món quà vừa túi tiền và xinh xắn, trả giá túi bụi để có được thứ ưng ý cho các con.
..
13g Hoàng Anh và Diệu Hiền ngồi gói tất cả quà. rất nhiều quà. tôi lang thang nhà sách để nghĩ xem phải mua gì để chia đội. tôi mua ruy băng 4 màu.
..
...
....
13g 34 phút tôi đặt chân lên lầu 2, khu B, hối hả đi vào lớp học. *Cô*... các con vẫy tôi từ cổng vào khu trại tập thể này.
tôi đang rất bối rối và âu lo giữa tất cả hối hả của một ngày mà tôi không biết tôi sắp sửa phải bước vào như thế nào...tôi gần như rỗng tuếch ...

tiếng gọi giật làm tôi hoảng. chẳng hiểu sao tôi lại hoảng. tôi đã hết năng lượng. tôi hoảng cho những điều sắp xảy ra trong 24 tiếng tới.
vậy mà con lại gọi giật *Cô* rồi nhe răng sún hết cả hàm ra cười với tôi.

Full battery again.

Cứ như vậy tôi trôi vào một giấc mơ ban ngày. với KMnO4. với lửa. với những đôi mắt tròn xoe.

tôi lại hứng khởi cho mọi điều hứng khởi.

lần đầu tiên. Ung Bướu. gần 40 bé. đã ngồi ở đó. chờ đợi chúng tôi.

40 bé đã ùa vào đó.

chờ đợi những gì tôi sắp nói.

lần đầu tiên. toàn bộ ekip đi lần này đều thuộc ban chủ nhiệm.

lần đầu tiên. 40 bé. có vẻ một chút gì. tập trung.

giấc mơ của tôi cứ trôi như vậy. trong ồn ã. trong tiếng cười. trong tiếng la hét. tôi hình như cũng vui.

*Hôm nay vui quá đi* . một đứa trẻ nào đó đã hét lên như thế.

Giáo án tập thể dục. 40 bé. một gian phòng rộng 16m2. tôi đã khản tiếng. nghe từng tế bào trong người mình rã ra. cả Uyên Minh, Hiền, Hoàng Anh cũng không còn hơi để la hét. khóc. không chơi. giành giật. buồn. tủi thân. hào hứng. nghịch ngợm. ngoan hiền. thích thú. thương yêu.

Bây giờ tôi đang ngồi type những dòng này và bọn trẻ vẫn còn quanh tôi đùa giỡn. vẫn còn chọc phá tôi.

Tôi kiệt quệ.

Những email cứ push suốt ngày vào điện thoại tôi. với những màu mè riêng của nó. lắm lúc tôi chỉ ước một email gì đó thật ngọt ngào và nhiều yêu thương.

Tất cả chộn rộn. áp lực.
..
....
..
và tất cả chỉ còn ở một góc phòng sinh hoạt bệnh viện Ung Bướu.
.
.
.
*sao con buồn thế Phượng. vì con chán*
.
.
.
con bé đã khác so với những lần đầu tôi gặp
.
.
.
Thư cứ đứng vẽ. không chơi với cô.

*con vẽ cho cô con ma nè. cô có bao giờ thấy ma chưa. con ma có 3 cái tay.*
.
.
.
đó chính là cuộc sống mà tôi chọn lựa.
.
.
.
và tôi ngỡ ngàng. chọn lựa nào tốt nhất cho các con tôi...

[.. và tôi nghĩ mình cần một hộp sữa cho những giờ tiếp theo nữa của ngày hôm nay..]


BỮA ĂN TRƯA Ở TRƯỜNG HỌC CHO BÉ

Đang ngồi trong lớp và dạ dày bắt đầu sôi ùng ục. Cuối cùng, chuông cũng reo, đến giờ ăn trưa rồi, woo-hoo! Sau chừng ấy thời gian trong lớp học, các bé xứng đáng được thẳng tiến đến nhà ăn, ngồi xuống, thư giãn và vui vẻ cùng với bạn bè trong lúc ăn trưa.
Nhưng đợi đã – Chính xác là bé sẽ ăn gì?
- Khi ở trường, các bé thường có quyền tự chọn sẽ ăn gì hơn, những bữa ăn khác ở nhà thì không như vậy. Trẻ có thể chọn ăn đậu xanh hoặc vứt chúng đi, cũng có thể chọn không ăn sandwich kem mà ăn một trái táo chẳng hạn.
Khi chọn sẽ ăn gì cho bữa trưa, một sự lựa chọn vì sức khỏe là thực sự quan trọng.

Tại sao? Ăn đa dạng thức ăn tốt cho sức khỏe cung cấp năng lượng hoạt động, giúp cơ thể phát triển đúng hướng và cả tránh khỏi những bệnh tật.
Vậy thì, thế nào là một bữa trưa khỏe mạnh? Câu hỏi này có nhiều đáp án đúng.



Cantin hay mang cơm theo?
- Hầu hết trẻ chọn mang theo cơm trưa hoặc mua ở trường, cách nào cũng có thể cho trẻ một bữa trưa đạt chất lượng. Rất may là, các món ở cantin trường đôi khi cũng chất lượng hơn những nơi khác.
Điều đó không có nghĩa là các bố mẹ nên để con mua cơm trưa ở cantin. Chỉ là bố mẹ nên để tâm đến thực đơn của cantin trường. Biết trước trưa mai trường sẽ có những món gì giúp bố mẹ biết được bé có cần ăn những món đó hay không!

- Làm cơm hộp mang theo không hẳn là tốt hơn bữa cơm ở cantin. Nếu bé mang theo bánh chocolate và khoai tây chiên, đó chẳng phải là một bữa ăn dinh dưỡng! Nhưng nếu làm cơm hộp đúng cách, sẽ rất có lợi. Khi làm cơm, bố mẹ có thể đảm bảo các món ăn ưa thích và tốt cho sức khỏe. Đó không phải là công thức tối ưu áp dụng cho tất cả mọi người, chỉ đơn giản là một bữa trưa cho trẻ. Nếu món khoái khẩu của trẻ là sandwich bơ đậu và chuối, hãy làm cho chúng. Bố mẹ cần giúp trẻ. Bé có thể nói với bố mẹ rằng bữa trưa thích ăn gì để bố mẹ làm giúp.

10 bước để có một bữa trưa lí tưởng
Dù mang theo cơm hộp hay mua cơm trưa, hãy làm theo các bước sau:
1. Chọn trái cây và rau củ. Trái cây và rau củ chính là mục tiêu bổ sung dinh dưỡng, chúng chứa nhiều vitamin , chất xơ và làm bữa ăn trong bắt mắt hơn. Một khẩu phần lí tưởng cần 5 loại rau củ quả mỗi ngày, nên hãy cố ăn 1 hoặc 2 loại vào bữa trưa. Mỗi loại cần một lượng không nhiều. Ví dụ, một ngày cà rốt cần nửa chén hoặc 6 củ cà rốt non, trái cây có thể là nửa trái cam…

2. Kiểm soát lượng chất béo. Trẻ cần một ít chất béo trong khẩu phần ăn mới có thể khỏe mạnh – cũng giúp giữ cảm giác no – nhưng không nên ăn quá nhiều. Chất béo có trong bơ, dầu, phô mai, hạt, thịt. Những món ăn trưa chứa lượng chất béo cao như món chiên, hotdog, burger phô mai, mì ống phô mai, thịt gà miếng rán. Cũng đừng lo lắng khi thích ăn những món đó! Không thức ăn nào là hại cả, nhưng cần ăn chúng ít thường xuyên hơn với khẩu phần nhỏ hơn. Những món ăn ít chất béo thường là nướng. Vài loại thức ăn ít béo nhất là trái cây, rau củ, sữa không bơ và sữa ít béo.

3. Dùng nhiều ngũ cốc nguyên chất, gồm bánh mì, lúa gạo, mì sợi,... Xét về lợi ích dinh dưỡng, ngũ cốc nguyên chất tốt hơn ngũ cốc đã qua tinh chế. Điểm khác nhau là gì? Gạo lức là một loại ngũ cốc nguyên chất, nhưng gạo trắng thì không phải. Cũng như bánh mì làm từ lúa mì chứa ngũ cốc nguyên chất, trong khi bánh mì bình thường thì không.

4. Ăn uống hợp lí. Không chỉ là việc ăn gì – cả uống cũng vậy! Sữa vẫn luôn là thức uống ưa thích vào buổi trưa. Nếu bé không thích sữa, hãy cho bé uống nước. Tránh uống nước ép và soda.

5. Cân bằng bữa trưa. Khi nói về những bữa ăn cân đối - những bữa ăn gồm một hỗn hợp các nhóm thức ăn: một ít ngũ cốc, một ít rái cây, một ít rau, một ít thịt hoặc những món chứa protein, và một ít thức ăn thường ngày như sữa và phô mai.

6. Kiểm soát toàn bộ bánh snack. Nhiều trường học có bán sẵn snack mặn, kẹo và soda. Ăn những loại thức ăn này trong thời điểm khác sẽ ổn hơn khi ăn vào bữa cơm trưa.

7. Đa dạng món ăn. Mỗi ngày đều ăn cùng một bữa trưa? - Nếu đó là hotdog, đã đến lúc thay đổi thói quen ăn uống hằng ngày. Giữ chồi vị không bị lờn và thử những mùi vị mới. Ăn nhiều loại thức ăn khác nhau cung cấp đa dạng dinh dưỡng cho cơ thể.

8. Nếu cảm thấy no, bé có thể ngừng ăn, không nên ép bé.

9. Một vài nhắc nhở khi bé dùng bữa: nhai kĩ, không nói chuyện khi ăn, dùng muỗng đũa riêng, để khăn ăn trên vạt áo, ăn lịch sự, và không đùa nghịch với thức ăn của người khác.
10. Cho dù có làm gì trong bữa ăn, đừng chọc cười khi bé đang uống sữa, điều này sẽ làm bé sặc sữa và hậu quả sau đó thật khó lường.

Bác sĩ Mary L. Gavin
North Carolina Children’s Hospital
Biên dịch tổng hợp: Lam Tuong Nguyen

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..