12 thg 10, 2013

Dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn điều trị ung thư


Trong giai đoạn điều trị ung thư trẻ thường chán ăn vì tác dụng phụ của các quá trình hoá, xạ trị và phẫu thuật như nôn mửa, tiêu chảy và cơ thể mệt mỏi. Tuy nhiên, việc ăn uống đủ chất và đúng bữa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trọng lượng và phục hồi cơ thể.

Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc chất lượng bữa ăn của trẻ như môi trường bệnh viện ngột ngạt, trầm cảm, lo lắng về bệnh tật, thay đổi trong các tế bào của miệng có thể làm thay đổi mùi vị thức ăn, mùi thực phẩm. Do đó, việc ăn uống đủ chất và đúng bữa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trọng lượng và phục hồi cơ thể.

Trẻ bị ung thư nếu duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ tăng khả năng chịu đựng tốt hơn hóa, xạ trị với ít tác dụng phụ, các vết thương nhanh chóng lành lặn, cơ thể phát triển và kéo dài chất lượng cuộc sống.

V ì vậy hôm nay Bé Khỏe Bé Ngoan xin chia sẻ với các bạn một số lưu ý về dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn điều trị ung thư nhé!

*Nếu trẻ chán ăn:
- Thử chia nhỏ bữa ăn và sử dụng đồ ăn nhẹ sẵn sàng vì một cảm giác ngon miệng thoáng qua có thể được giải quyết ngay lập tức.
- Cha mẹ có thể thay đổi thời gian và địa điểm xung quanh các bữa ăn.
- Cung cấp nhiều calo, các bữa ăn giàu protein.
- Tránh ép buộc trẻ ăn - điều này có thể làm cho khẩu vị của trẻ trở nên tồi tệ hơn.
- Kích thích trẻ ăn bằng những hành động vui vẻ, dễ chịu để bữa ăn không trở nên quá nặng nề.

Lưu ý : Nhai kẹo cao su có thể kích thích dạ dày tiết ra và giúp tăng cảm giác ngon miệng nhưng đó cũng là nguyên nhân gây ra mệt mỏi thể chất hoặc nghẹt thở. Vì vậy các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý.

*Nếu trẻ bị đau miệng:
- Sử dụng thức ăn mềm dễ nhai .
- Tránh những thức ăn có thể gây kích ứng miệng , bao gồm trái cây hoặc nước trái cây (cam, quýt, hoặc bưởi), thức ăn cay hay mặn, các loại thực phẩm khô, khó nuốt (rau sống, bánh quy giòn, hoặc bánh mì nướng )
- Có thể cho trẻ ăn các loại hoa quả như lê, đào và bánh pudding
- Cắt thức ăn thành những miếng nhỏ.
- Thức ăn bảo quản lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng vì thức ăn nóng có thể gây kích ứng miệng và cổ họng.
- Sử dụng một máy xay sinh tố để làm cho thức ăn mềm hơn và dễ dàng hơn để nhai.
- Thêm nước sốt hoặc nước thịt để trẻ dễ dàng nuốt hơn.

*Nếu trẻ bị khô miệng
- Thử thức ăn ngọt hoặc chua và đồ uống như nước chanh.
- Cho trẻ uống từng ngụm nước nhỏ nhưng thường xuyên.
- Cung cấp các loại thực phẩm có nhiều chất lỏng.
- Sử dụng kem giữ ẩm môi.

*Nếu trẻ bị buồn nôn và nôn:
- Thử các loại thức ăn dễ tiêu hóa như chất lỏng trong, gelatin, bánh mì nướng, gạo, ngũ cốc khô.
- Tránh các thức ăn có chiên, dầu mỡ, rất ngọt, cay, nóng hoặc hương vị đậm.
- Cung cấp những bữa ăn nhỏ thường xuyên.
- Nếu trẻ không dung nạp lactose, hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa.

(CLB Bé Khỏe Bé Ngoan biên dịch 
và trích dẫn từ http://cancer.beaumont.edu/)
Ảnh: Internet

PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ CHỨNG CHẢY MÁU CAM Ở TRẺ EM

Chảy máu cam hay còn gọi là chảy máu mũi là tình trạng bệnh lý thuộc vùng tai mũi họng khá phổ biến ở trẻ em. Khi thấy máu đỏ tươi đột ngột chảy ra từ hốc mũi, phần lớn phụ huynh rất bối rối và lo lắng không biết xử trí sao cho đúng cách để bảo đảm sự an toàn cho trẻ. Bài viết này sẽ cung cấp đến các bậc phụ huynh những thông tin quan trọng về nguyên nhân thường gặp và đặc biệt là phương pháp phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ để phụ huynh an tâm hơn khi chăm sóc trẻ.




Nguyên nhân làm trẻ bị chảy máu cam
- Hơn 90% trường hợp chảy máu mũi có nguyên nhân là những tổn thương màng mạch ở vách ngăn mũi. Đây cũng là một trong những yếu tố phổ biến nhất gây ra chảy máu cam ở trẻ. Có những tình huống do trẻ tò mò, hiếu kỳ chơi các bộ phận nhỏ, chúng cho vào mũi rồi quên nó đi hoặc là sợ để người lớn biết và chảy máu cam là không thể tránh khỏi.
- Một lý do khác gây ra chảy máu cam ở trẻ có thể là các khối u mũi lành tính và ác tính. Hầu hết các trường hợp của trẻ em là lành tính hơn ác tính. Tuy nhiên bạn vẫn cần phải có sự kiểm tra để được chẩn đoán chính xác.
Đừng quên kiểm tra mức độ ẩm trong phòng em bé là do không khí khô dẫn đến các màng nhầy của vách ngăn mũi mất tính đàn hồi và sức co giãn của nó. Khi đó, chỉ cần trẻ chà xát mũi hay hắt hơi thì cũng đủ để gây máu cam.
- Một nguyên nhân rất thường gặp trong mùa hè là trẻ bị nóng trong người làm cho các mạch máu, cấu trúc trong mũi bị vỡ, gây ngứa ngáy. Trẻ em thường có tật hay ngoáy mũi, vô tình làm vỡ mạch máu và chảy máu cam.
- Viêm mũi mãn tính một bệnh truyền nhiễm gây ra sự mở rộng của các động mạch và tĩnh mạch dẫn đến sự bất thường của hệ thống mạch máu trong khoang mũi cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị chảy máu mũi.
- Một số nguyên nhân khác cũng rất quan trọng liên quan đến tình trạng chảy máu cam của trẻ đó là sự thiếu hụt vitamin C, các bệnh lý di truyền liên quan đến thay đổi trong cấu trúc của thành mạch máu, tình trạng viêm mạch máu… tất cả những bất thường này làm tăng tính thấm thành mạch dẫn đến chảy máu cam.


Phòng ngừa hiệu quả chứng chảy máu cam cho trẻ

- Nếu trẻ xuất hiện tình trạng viêm mũi kéo dài cần khám và điều trị ngay, giải thích cho trẻ không nên ngoáy mũi vì bên cạnh việc gây chảy máu mũi, đây cũng là một nguyên nhân làm nhiễm trùng vùng mũi họng.
- Khi thấy trẻ có biểu hiện chảy máu mũi, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ bình tĩnh ngồi xuống hoặc nằm (nếu có thể) rồi dùng hai ngón tay bịt chặt hai lỗ mũi và thở nhẹ nhàng bằng miệng trong 5 đến 10 phút sẽ làm cho trẻ hết chảy máu.
- Tuy nhiên, vì chảy máu mũi còn rất nhiều nguyên nhân khác nên khi trẻ xuất hiện chảy máu mũi nhiều lần một cách bất thường phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở có phòng khám chuyên khoa về tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân giúp cho việc xử trí triệt để chảy máu mũi.
- Ngoài ra, 2 lần một tuần phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý (nước muối loãng) rửa sạch mũi, không nên rửa nước muối nhiều lần vì cũng làm cho niêm mạc mũi mất đi lớp nhày bảo vệ và dễ bị tổn thương.
- Bạn nên đưa bé đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để các bác sĩ giúp bạn tìm nguyên nhân gây chảy máu mũi (chảy máu cam) và hướng dẫn biện pháp điều trị triệt để giúp trẻ khỏe mạnh hơn.

Ths. Bs Quang Minh (Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Ảnh: Internet




#11

Tôi đi dạy cũng nhiều năm, gặp nhiều học trò với nhiều cảnh đời khác nhau, từ gia đình li tán, nghèo khó cho đến những đứa trẻ bị tổn thương tâm lí, mắc chứng tự kỉ khuyết tật. Tôi đã nghĩ rằng tôi cũng sẽ hiểu được phần nhiều tình cảnh của các em suy thận mãn trong bệnh viện Nhi Đồng 2 mà tôi dạy hôm đó. Nhưng không, mọi thứ khác với những gì tôi vốn tưởng tượng.

Ngay từ đầu, việc làm quen với các em đã trở thành một vấn đề lớn. Các em rất rụt rè nên chỉ nói chuyện với nhau. Sự mệt mỏi lộ ra trên gương mặt thơ trẻ và không giấu được sự xa cách vì tự ti. Có lẽ cuộc sống nội trú trong bệnh viện lâu dài đã làm các em khép mình lại. Tôi thấy thân thể các em gầy còm đầy vết sẹo – dường như là vết tích của những lần chạy thận. Vẫn còn nhiều em chưa đến nhưng đã trễ giờ nên cô Linh phải bắt đầu buổi học.
Lớp học nào cũng có thời gian đầu kiểm tra bài cũ và ở đây cũng vậy. Nhắc tới kiểm tra bài cũ, nhiều người trong chúng ta cứ hay nghĩ tới cảm giác hồi hộp thót tim. Nhưng ở đây không khí thật vui và ấm áp, vì chị Linh muốn tạo một không gian gần như ở những lớp học của những đứa trẻ khỏe mạnh bình thường, để các em có thể tạm quên đi cuộc sống tách biệt của các em.

Tiết học sau các em được học về lá cây. Các anh chị đã chuẩn bị cho các em thật nhiều lá. Các em chuyền tay nhau xem săm soi những chiếc lá lạ và tranh nhau trả lời câu hỏi để giành phiếu ghi điểm. Tôi chợt nhớ lại đã lâu lắm rồi tôi không còn được tham gia một lớp học nào sôi nổi như thế. Bây giờ tôi đi học mọi người tranh nhau ngủ. Chắc chỉ còn ở đây, nơi mà kiến thức không được đo bằng điểm số, nơi mà mỗi ngày các em còn đi học là một ngày vui mới, đầy những háo hức đơn sơ mà quý giá như thế!

Các em quét màu và in lá xuống tờ giấy. Tôi thấy các em cầm cọ đầy say mê như những họa sĩ. Chợt nhìn lại những bức tranh các em vẽ được dán kín một khoảng tường. Có không chỉ một lớp mà rất nhiều lớp tranh chồng lên nhau. Có lẽ bức tranh đẹp nhất là bức tranh của Bi - tôi nghĩ vậy. Em vẽ một chiếc lá đỏ đầy đủ chi tiết gân chính gân phụ cuống lá. Chứng tỏ em nắm bài học rất nhanh và có trí nhớ khá tốt.




Cuối giờ các em được phát một cái chậu hoa nhỏ, vốn được làm từ chai nước suối cắt đôi để trồng đậu xanh trong bông gòn. Các thầy cô dặn dò cẩn thận cách chăm sóc cây rồi hẹn các em bữa sau cùng mang tới lớp. Bé nào cũng háo hức nhưng đầy ngờ vực. Sau giờ học các em hỏi tôi "Làm sao cây mọc được khi không có đất?”. Tôi giải thích cặn kẽ với em, thoáng thấy chính bản thân cũng tràn ngập niềm tin hơi kỳ khôi rằng bữa học sau chúng tôi sẽ được thấy những nhành cây non mọc lên từ những cái chậu đó. Đó là vì nhìn vào những đôi mắt quá đỗi hồn nhiên và đam mê khám phá điều mới lạ của các em, tôi tự thấy mình trở nên ngây ngô và lạc quan lạ kỳ.


[Ngọc Thịnh]
Ảnh: Ngọc Thịnh

LÀM GÌ KHI TRẺ BỊ BỎNG?

Hầu hết những ca bỏng xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và bé trai bị nhiều hơn bé gái. Các ca bỏng thường xảy ra tại nhà, ở bếp vào buổi sáng hoặc chập choạng tối do người lớn bất cẩn, vô ý để tác nhân gây bỏng như nước sôi, dầu ăn, cháo nóng, bàn ủi, hóa chất, pô xe,… trong tầm với của trẻ. Nguyên nhân hàng đầu gây bỏng ở trẻ nhỏ là nước nóng. Mặc dù tỉ lệ tử vong do bỏng thấp nhưng những di chứng như sẹo, giảm chức năng vận động, chấn động tâm lý,... do bỏng gây ra cho trẻ và gia đình không phải là nhỏ. Hơn nữa, gánh nặng về tài chính cho việc chữa chạy chấn thương do bỏng cũng khá lớn.

Bỏng thường được chia làm 3 cấp độ khác nhau.
- Độ 1: Bỏng nhẹ, cụ thể như đi phơi nắng ngoài bãi biển, da bị đỏ lên và hơi rát.

- Độ 2: Bỏng vừa, như trường hợp sơ ý chạm phải một vật nóng đỏ, da bị phồng lên, có nước.

- Độ 3: Bỏng nặng, thường xảy ra trong trường hợp tiếp xúc với hơi nóng quá lâu như cháy nhà, bỏng vì các axit hay hóa chất, hoặc bỏng điện,... Ở mức độ này, vết bỏng có màu trắng hoặc màu ngà, thường không còn cảm giác đau đớn nữa vì các tế bào thần kinh cảm giác nơi đó đã bị hủy hoại.


Nếu gặp phải bỏng ở trẻ nhỏ, điều trước tiên người chăm sóc phải làm là chặn đứng nguyên nhân gây ra bỏng càng sớm càng tốt. Sau đó nhanh chóng làm nguội vết thương bằng cách ngâm vết thương với thật nhiều nước lạnh, thậm chí ngâm cả người vào chậu nước từ 15 đến 25 phút hoặc cho đến khi cảm thấy hết đau. Việc rửa nước lạnh có công dụng làm vết bỏng không lan rộng, đồng thời làm vết bỏng nhỏ hơn và ít đau đớn hơn. Lưu ý, ngâm nước lạnh trước, cởi y phục sau; trường hợp y phục bị dính chặt vào vết thương, đừng tự cố gỡ mà phải nhờ đến bác sĩ.

Một số người thường nghĩ, những chất như bơ, kem đánh răng, giấm, nước mắm,... có thể làm dịu vết bỏng nhưng điều đó không đúng bởi nó dễ làm vết bỏng nhiễm trùng. Phương pháp tốt nhất, đơn giản và ít tốn kém nhất là ngâm vết thương vào nước lạnh cho đến hết đau rát do nóng; 
sau đó giữ vết bỏng sạch sẽ, đừng động chạm gì trong vòng 24 giờ. Nếu bỏng nhẹ (độ 1,2) thường được chăm sóc tại nhà. Trường hợp bỏng nặng (độ 3), mức độ tổn thương sâu cần đến ngay cơ sở y tế. Các vết phồng sẽ xuất hiện từ 1 - 2 hôm sau khi bị bỏng. Trường hợp vết bỏng nằm ở những chỗ dễ đụng chạm, có thể dùng một băng vải đắp lên chỉ với mục đích tránh sự đụng chạm làm đau đớn. Sau 24 giờ, bạn có thể rửa vết bỏng với xà phòng và nước lạnh hoặc dung dịch thuốc sát trùng như Povidine ngày một lần, lau hoặc quạt cho khô sau khi rửa, sau đó bôi kem kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bs Dư Minh Trí
BV Nhi Đồng 1
(Bé Khỏe Bé Ngoan sưu tầm)

11 thg 10, 2013

#10

1h58 chiều, ngồi trước cổng viện Ung Bướu, tôi thấy bình thường lắm. Vẫn cái nắng lóa, gió nhẹ và tiếng người gắt gỏng thoáng qua đâu đó.
Nhưng, tôi đã đánh giá hơi vội, vì đó chỉ mới là cánh cổng, và vì những gì đến tiếp theo là một trải nghiệm mở ra nhiều góc nhìn mới về cuộc sống trong tôi.

***

1. Đón chúng tôi ở phòng là một trong những bệnh nhi, em còn nhỏ nhưng có lẽ đã quen với hình ảnh những anh chị đến cùng chơi cùng học với em nên trông em tự tin hơn hẳn. Đó là ấn tượng đầu tiên và điều này rất đẹp. Bởi vì tôi không thấy phảng phất nét nào của cơn đau bệnh em mang trong người, mà là một cảm giác lạc quan, tin tưởng tràn đầy, thậm chí lan cả sang tôi. 

2. Phòng nhỏ, nhưng gọn gàng. Các em hôm nay đông hơn suy nghĩ ban đầu của tôi. Có em chỉ chịu ngồi nghe giảng nếu có bà bên cạnh, có em mới 1 tuổi rưỡi nên cần có mẹ kề bên. Tình cảm cũng ánh lên qua cái nhìn chăm chú khi quan sát con mình ngồi đó và học cùng các bạn – quý giá lắm.

3. Động lực quan trọng nhất để tôi cùng mọi người hoàn thành được trọn vẹn là ánh nhìn quá đỗi ngây thơ của các em. Đó thực sự là cái nhìn khiến người ta quên hết những xô bồ của cuộc sống!

4. Một cái chạm nói lên nhiều điều mà thanh âm không thể diễn tả được; nhất là khi cái chạm là để xoa dịu nỗi đau, để vỗ về một tâm hồn, để được nhận lại một giá trị mà đôi khi bản thân đánh mất: còn rất nhiều người cần mình.

5. Bên cạnh các em thì hình ảnh một người CTV cùng với tôi, một người chị, giảng bài cho các em trước những đôi mắt ngây thơ ấy, trước sự huyên náo của Bệnh viện và những khoảnh khắc đòi hỏi sự khéo léo khiến tôi khâm phục.

6. Cũng đẹp như lúc khởi đầu, giây phút khép lại đến từ lời chào lảnh lót của các em làm cho mọi sự trở nên gần như hoàn hảo, một cách nghẹn ngào.

***

Hai tiếng trong một buổi chiều không thể gọi là nhiều cho sự chăm sóc nhưng rõ ràng đã mang đến những cảm xúc không thể đong đếm được. Chỉ mong đã đặt vào tim các em điều gì đó mới mẻ, vui tươi hơn những ngày, những giờ, những phút giây nằm điều trị; mong các em vẫn luôn tràn trề sức sống như vậy để lần sau nếu có gặp lại thì các em vẫn đẹp – đẹp như buổi chiều hôm nay.

[Dương Khang]

Ảnh Phơ Tơ Ráp Phiều

Bệnh đau mắt đỏ.

Gần đây, dịch đau mắt đỏ xảy ra tại nhiều nơi, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn và lo lắng, Bé Khỏe Bé Ngoan xin chia sẻ một số thông tin với các bạn về nguyên nhân và cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ nhé. 

1. Nguyên nhân
Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Triệu chứng ban đầu của bệnh là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt.

Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua đường hô hấp, đồ dùng cá nhân như: Khăn mặt, chậu rửa mặt. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể do vi khuẩn, virus. Với những trường hợp đau mắt do virus, có thể lây qua nhiều đường nhưng đặc biệt nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua hệ hô hấp. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể kèm theo hiện tượng viêm họng hạch hoặc đôi khi có hạch ở tay.



Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Đeo kính không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Nếu đeo kính nhưng vẫn dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt thì khả năng lây bệnh là rất lớn.

Đau mắt đỏ lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi; qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi). Vì thế, bệnh dễ lây ở các bé học cùng trường hoặc người sống cùng một nhà.

Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do nhiễm trùng. Nhưng đa phần là do virus. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ trở thành dịch và khả năng lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường: qua hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật của nguồn bệnh, qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng…

Triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm: Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, hâm hấp sốt, đau họng, ho, tai xuất hiện hạch (có thể). Đặc biệt, mắt cảm thấy nhức đau, nổi cộm, chảy nước mắt, đỏ, nhiều gỉ mắt, nhất là sau khi ngủ dậy mắt khó mở vì nhiều gỉ quanh mắt.

Hiện tại, đau mắt đỏ không có thuốc đặc trị, chỉ có thể dựa vào chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cẩn thận thì sau 6-10 ngày, virus sẽ tự hết, người bệnh mới có khả năng khỏi. Vì vậy, tốt nhất, người dân nên áp dụng tốt các biện pháp phòng để tránh mắc bệnh và gặp khó khăn khi điều trị.

2. Cách phòng tránh đau mắt đỏ:

- Rửa mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, mẹ không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
- Nếu bé bị đau mắt (thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước), cha mẹ cần chăm sóc bé thật cẩn thận, tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại.
- Trước khi vệ sinh mắt cho bé, mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn có tác dụng tốt hạn chế virus đau mắt đỏ lây lan cho người khác. Hạn chế cho bé đến chỗ đông người đặc biệt là nguồn dịch.
- Khi thấy bệnh nặng hơn, mắt mờ đi, mẹ cần đưa bé tới ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. 
- Khi bệnh, bé cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp tránh lây lan cho người khác, bé nên được ở nhà, không đưa đến nhà trẻ trường học hoặc nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
- Mẹ và bé nên thường xuyên rửa tay chân sạch sẽ, súc miệng nước muối thường xuyên. Tránh đến nơi đông người, đặc biệt là nguồn dịch. Tránh dụi tay vào mắt. Hạn chế bơi lội trong giai đoạn phát dịch.
- Không cho bé dùng chung đồ dùng, dụng cụ với người bệnh.Cho bé uống thật nhiều nước để cơ thể có thể thải được độc tố trong cơ thể. Khi đi ra ngoài, bạn cần cho bé đeo kính mát, kinh chắn bụi, chắn virus.
-Cho bé rửa mặt, rửa mắt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, dùng khăn riêng. Mẹ nên vệ sinh khăn mặt của từng thành viên bằng cách giặt sạch và phơi ngoài nắng. Vệ sinh sạch sẽ phòng ốc, thường xuyên giặt ga giường, vỏ gối... cho cả gia đình.

(Theo webtretho.com)

10 thg 10, 2013

Kế hoạch Tháng 10.2013

Chú thích:
- Thứ 4: buổi chiều, buổi dạy tại BV Ung Bướu.
- Thứ 6: buổi sáng, buổi dạy tại BV NĐ 2.
- Các buổi tập huấn kĩ năng sẽ thông báo giờ và địa điểm trên FB CLB https://www.facebook.com/clbbekhoebengoan.

#9

"Trong một buổi chiều phụ giảng ở bệnh viện Ung Bướu, tôi đã gặp đứa bé này.


Con thật khác, không chỉ vì con rất xinh xắn, bụ bẫm như một em búp bê với đôi mắt to tròn và sáng, mà còn vì con đã khiến tôi bất ngờ từ những giây đầu tiên bước vào phòng học, đến những giây cuối cùng.

Buổi học hôm ấy, tay phải của con đang truyền thuốc, dù mệt con vẫn muốn được nghe giảng và xin tôi ngồi gần về phía cô Linh vì ngồi sau con không thấy được gì hết. Ừ, con còn bé xíu, ngồi lọt thỏm trong lòng tôi, vì con chỉ mới 4 tuổi thôi mà.

Con đã say mê nghe cô Linh dạy, thi thoảng lại khều nhẹ vào tay tôi hào hứng: “Thuốc đó con chưa được uống cô ơi!”, “Thuốc kia con được uống rồi, nó gọi là gì hả cô?”,… Tôi nghèn nghẹn nơi cổ họng, tôi biết, con đã uống rất nhiều thuốc, trong hai năm trời ở đây.

Tôi đã lặng người nhìn ánh mắt con thích thú và ngoan ngoãn tô màu vào chiếc lá cây bằng cây cọ màu tím bằng tay trái. Con tô thật đẹp, thật khéo. Tôi đã ngạc nhiên, khi với trí nhớ của một đứa bé 4 tuổi, con nhớ hết những loại thuốc mà cô Linh giảng và trả lời rành rọt. Tôi đã thẫn thờ, khi ánh mắt con lấp lánh pha chút lém lỉnh khoe với cha: “Bình này đựng hạt đậu, để nó nảy mầm lên đó cha!”. Tôi đã ấm lòng biết mấy, khi con nhận quà của các cô và nói thật rõ ràng: “Con cảm ơn cô ạ!”.

Tôi đã dằn lòng, khi nhủ mình không được ưu tiên con nhiều hơn các bạn khác, vì con là cô bé nhỏ tuổi nhất và ngoan ngoãn nhất.
Con thật ngây thơ, trong sáng và đáng yêu quá đỗi. Nhìn vào ánh mắt của con, nụ cười của con và lắng nghe lời con nói, tôi tưởng như thế giới này là một khoảng trời ngập màu sắc, xanh tươi và đầy hi vọng. Con còn quá nhỏ, để ý thức hết mọi chuyện đang xảy ra, về chính cuộc sống của con, để con có thể vô tư và lạc quan như vậy khi chống chọi với căn bệnh ung thư máu từng ngày.

Bỏ hết những triết lí sách vở, những lời kêu gọi sang sảng tai nghe mà mắt chẳng thấy ngoài kia. Bỏ hết những điều mặc định trong tiềm thức, những hời hợt về cảm xúc, tôi biết con đã dạy tôi, nhiều hơn vạn lần những răn dạy sách vở, về cuộc sống, về yêu thương và về những niềm hạnh phúc."

[Hào Lê, 25/9/2013]

Ảnh: Hoàng Phúc

#8



Tôi rất thương cậu trai này.
Em chẳng bao giờ cười tươi cả. Toàn cười nhẹ. Cười rất hiền. Cười bẽn lẽn. Và hay đăm chiêu.
Vẻ ngoài là dáng dấp của một đứa trẻ khoảng 9-10 tuổi. Lần đầu gặp gỡ tôi không tránh khỏi việc đối xử với em như đứa trẻ 9-10 tuổi. Tôi cười. Tôi xoa đầu. Tôi khen.
Không tác động được vào đôi mắt đó. Không một chút nào cả. Có một điều gì kháng cự lắm. Nhưng vẫn cười rất hiền. Rất nhẹ. Rất đăm chiêu.
Em tiếp thu rất nhanh. Thực hành rất giỏi. Tuyệt đối ít lời. Không giống những em khác. Em không nhao nhao giành giựt. Không nôn nóng chứng minh. Em hiểu tất tần tật những gì tôi nói. Ngấm ngầm hiểu. Ngấm ngầm vâng lời. Chiều chuộng sự cầu khiến của tôi. Nhìn tôi rất dịu dàng.
Thảng hoặc cái nhìn của em làm tôi bối rối. Khi gọi em bằng *con*.
Thảng hoặc cái cười của em làm tim tôi đập vội. Khi cậu trai nhẹ nhàng né tránh *cái xoa đầu* của tôi.
Em cư xử như một chàng trai thấu hiểu. Không vòi quà. Không làm khó. Nuốt chửng từng kiến thức vụn tôi mang đến cho em.
Cậu trai của tôi rất lặng lẽ.
Bệnh tật. Thuốc men. Bệnh viện.
Đã đánh lừa cô giáo trẻ là tôi.

Em đã 15 tuổi.
[Phương Linh Đào Nguyễn - 25/09/2013]

Ảnh: Phơ Tơ Ráp Phiều

Vết thương.

Trong đời sống thường ngày, sẽ không tránh khỏi những lúc ta cần có hiểu biết để xử lí và chăm sóc các vết thương trên cơ thể. Hôm nay Bé Khỏe Bé Ngoan sẽ cung cấp cho các bạn một số kiến thức căn bản về vết thương và việc chăm sóc chúng hiệu quả giúp phòng tránh nhiễm trùng và ngăn cản ngõ vào của các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như uốn ván, viêm gan siêu vi B, HIV,… nhé!

Vết thương là gì? Da là tổ chức bảo vệ bên ngoài cơ thể, ngăn cản sự xâm nhập của các tác nhân gây hại, khi có bất kì một nguyên nhân nào làm da bị trầy, rách hoặc các thủ thuật xâm lấn có chủ ý thì gọi là có vết thương. Khi có vết thương, dù lớn hay nhỏ cũng cần được chăm sóc chu đáo để tránh tình trạng nhiễm trùng.

Mục đích của việc chăm sóc vết thương là gì? Mục đích của việc chăm sóc vết thương là ngăn ngừa sự nhiễm trùng tạo điều kiện giúp vết thương mau lành, thấm hút các dịch tiết, đắp thuốc vào vết thương và hỗ trợ cầm máu trong trường hợp chảy máu nhẹ.

Những nguyên tắc chung của chăm sóc vết thương:
- Tuyệt đối vô khuẩn
- Quan sát, phân loại vết thương trước khi chăm sóc
- Dùng đúng dịch sát khuẩn
- Thấm hút hết dịch tiết
- Khi thay băng không được gây đau cho bệnh nhân
- Vết thương phải được làm sạch sau mỗi lần thay băng
- Thực hiện thay băng hay chăm sóc nhanh, không được để trống vết thương lâu
- Rửa vết thương bên trong trước, sau đó rửa xung quanh (nếu vết thương quá dơ thì làm ngược lại nhưng phải thay kiềm gắp bông băng)
- Che chở vết thương đủ kín
- Chăm sóc vết thương luôn để ý đến thân nhiệt người bệnh

Phân loại các vết thương:
Mục đích là để có cách chăm sóc khác nhau với các vết thương khác nhau.
1) Vết thương vô khuẩn: là vết thương được tạo ra trong môi trường vô khuẩn, da và các tổ chức dưới da không bị nhiễm khuẩn, do dao mổ tạo ra, được khâu lại và băng kín sẵn trên bàn mổ.

Nguyên tắc chăm sóc:
- Không thay băng hằng ngày
- Không nên rửa với các dung dịch chậm bốc hơi mà nên rửa với cồn iode, ether
- Không cần bôi, thoa thuốc sát khuẩn lên vết may (như thuốc đỏ, pomade)
- Che vết thương đủ kín (dùng vải thưa)
- Khi cắt chỉ phân nửa (mối cắt, mối thừa) thì mối chỉ ở 2 đầu vết may không cắt.
- Thời gian cắt chỉ khoảng 7-12 ngày, ở mặt thì cắt sớm vào ngày 5 để tránh sẹo.
- Trước khi cắt chỉ phải thay băng trong trường hợp thấy băng bị tróc, bị dơ ướt và nghi ngờ có nhiễm khuẩn.
- Các dấu hiệu nghi ngờ vết may nhiễm khuẩn: đau nơi may, tăng thân nhiệt, vết may viêm tấy đỏ.
- Đúng ngày qui định cắt chỉ, cắt hết chỉ hay cắt ½ chỉ may tùy theo vết may dài/ngắn và lành tốt hay không.
- Nếu vết may ở bụng thì sau khi cắt chỉ nên băng cuộn bên ngoài để tránh cử động.

2) Vết thương nhiễm khuẩn thường: là vết thương được tạo ra trong môi trường không vô trùng như tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp. Nếu không được chăm sóc chu đáo từ ban đầu thì có thể bị nung mủ và có mùi hôi.

• Nguyên tắc chăm sóc:
- Thấm hút hết dịch tiết bằng gòn
- Băng ướt nên thay ngay
- Nếu vết thương tiết nhiều chất dịch thì nên bảo vệ da xung quanh bằng cách bôi các chất trơn. (Ví dụ như bôi vaseline khi bị phỏng)
- Quan sát vết thương hằng ngày để đổi dung dịch sát khuẩn phù hợp
- Đối với vết thương có chảy máu nên rửa bằng oxy già, và đắp vải thưa và băng nén chặt.
- Nếu chất tiết ở vết thương quá đặc (mủ), mặt vết thương đóng một lớp mủ khó chùi hoặc là các chất nhày không tróc ra được, có thể đắp ướt với Eau Dakin để chất mềm ra, dễ chùi rửa hoặc cắt lọc.

3) Vết thương dẫn lưu bằng tim vải: vết thương có thể sâu hoặc cạn, bên trong có chứa một lượng dịch mủ.

• Nguyên tắc chăm sóc:
- Thấm ướt tim vải trước khi nhét vào
- Không nén chặt tim vải để thấm dịch
- Những ngày đầu nhiều mủ nhét tim vải tận đáy, sau đó nhét cạn dần
- Có thể có nhiều tim nhưng phải chừa mối bên ngoài

4) Vết thương dẫn lưu: là vết thương có dịch bên trong nhưng được dẫn lưu ra bên ngoài bởi 1 ống cao su do bác sĩ đặt.

• Nguyên tắc chăm sóc:
- Thực hiện theo đúng chỉ định về đặt và rút ống
- Đặt người bệnh nằm nghiêng về phía ống để dịch dễ chảy ra
- Khi chăm sóc có ống dẫn lưu thì phải biết người bệnh dẫn lưu gì và mổ gì
- Mỗi lần thay băng phải quan sát lượng dịch ra mỗi ngày
- Thay băng phải đảm bảo vô khuẩn, nếu không vi khuẩn sẽ vào ngược dòng gây nhiễm trùng.

Ngộ ngộ Hậu cần.


Trong tất cả các Ban, thương nhất Ban này. Lúi húi với bao nhiêu là giấy, bút, màu vẽ... tỉ mỉ và đầy trách nhiệm.
Để có được một buổi dạy thành công, sự chu đáo của Ban Tài chính - Hậu cần, đặc biệt nhóm Hậu cần cần thiết biết bao nhiêu.
Học cụ, bản đồ, đồ chơi... này là mua nguyên liệu gì, ở đâu, mua sao cho tốt, cho rẻ, cho tiết kiệm...
Này là nghĩ ngợi, sáng tạo... làm gì vừa nhanh vừa hiệu quả, vừa giúp các bé chơi vui, vừa có vai trò giáo dục.
Những người luôn đứng sau, đến chụp hình cũng không rõ mặt, nhưng trong một CLB tình nguyện như thế này, sự cống hiến và nhiệt huyết của các bạn luôn được ghi nhận và đánh giá cao. ♥

Ảnh: Chuẩn bị giáo án chăm sóc vết thương và thực vật 2 cho buổi dạy ngày 09/10/2013 tại BV Ung Bướu.

9 thg 10, 2013

Tập huấn Trợ giảng (8.10.13)



Buổi tập huấn băt đầu lúc 17g50, chị Phương Linh - chủ nhiệm CLB giới thiệu các công việc cần chuẩn bị của 1 trợ giảng, giới thiệu vài nét thông tin của các bệnh nhi ở Nhi Đồng 2. Phần cứng này trôi qua khá lặng lẽ với mấy từ khoá chị Linh đưa ra cho các bạn. Và không khí hoàn toàn thay đổi khi đến phần *xử lý tình huống* của 8 đội, các đội đóng vai trợ giảng và các bé để đưa ra cách giải quyết tình huống của mình.

Đội Doremon là đội đầu tiên *bị lên sân khấu* các bạn còn lúng túng, ngại ngùng, nhưng thầy Thẩm rất dễ thương khi *cố tình xé rách tờ giấy vẽ lá* do yêu cầu tình huống đưa ra.

Đội Vịt con đã cống hiến một tiết mục cực kì hài hước, bạn Khang vai em bé rất đạt, cô giáo Quỳnh Như tuy nhỏ tuổi nhưng rất ra dáng đã xoa dịu em bé khóc nhè.

Đội Salem còn mắc cỡ, tuy vậy cũng rất nhẹ nhàng mà đi vào lòng người bởi cách xử lý tinh tế và hợp lý.

Đội Pudding xử lý tình huống rất thông minh và xuất sắc khi áp dụng ngay những gì được truyền tải ở phần cứng.

Đội Siêu nhân may mắn trúng tình huống đã được nêu, nhưng các nhân vật không vì vậy mà kém phần hào hứng, mang lại cảm giác rất tốt cho người xem.

Đội Cá Mòi kịch nghệ đã cống hiến một màn *yêu thương* rất đạt với tình huống khó đỡ nhất bởi thầy Tiến và cô bé bệnh nhi Thu Hà.

Đội Thiên Nga ru êm lòng người xem nhờ thầy Thế Thắng rát là dịu dàng *con chơi đi con sẽ được gấu*

Đội số 8 gây sốc với màn ném đồ của trò Hoàng và bí xị của trò Q. Anh, cô giáo Mến thì cực kì cá tính khó tưởng tượng.

Cảm ơn các bạn đã đến tham dự hôm nay. Chúng ta đã có khoảng thời gian rất vui, không vô ích, và quan trọng là nhìn thấy bạn nào cũng hăng hái tham gia, đó là niềm động viên rất lớn cho những người làm chương trình.

Một lần nữa cảm ơn các bạn rất nhiều.

Địa điểm: GĐ4 ĐHYD
Thời gian: 17h30-19h30, 08/10/13
Ảnh: Phơ Tơ Ráp Phiều

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..