14 thg 12, 2013

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em.


Thông thường, tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa ở trẻ là cao nhất và nếu không được điều trị đúng và kịp thời thì có thể dẫn đến biến chứng thủng màng nhĩ. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh phòng tránh và chăm sóc các bé khi bị viêm tai giữa.

Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa cấp là tình trạng viêm cấp niêm mạc hòm nhĩ, vòi nhĩ và niêm mạc lót trong tế bào hơi của xương chũm.

Viêm tai giữa cấp thường gặp ở trẻ em từ 1-2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch sau một số bệnh như sởi… thường dễ bị mắc bệnh viêm tai giữa cấp. Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi tỷ lệ mắc bệnh là 80%. 30% có thể tự khỏi. Khoảng 40% bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần. Tuổi càng lớn viêm tai giữa cấp càng giảm vì tuổi càng lớn tỉ lệ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính càng giảm.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa do viêm nhiễm tại chỗ chủ yếu do viêm VA, amidal, mũi họng cấp, xoang; tắc vòi nhĩ; do u sùi họng, thay đổi áp lực đột ngột khi đi máy bay, lặn sâu… tình trạng dị ứng gây phù nề tắc vòi; dị tật hở hàm ếch: các nghiên cứu của nhiều tác giả cho rằng có >50% bệnh nhân hở hàm ếch bị viêm tai giữa cấp; do vi khuẩn thường gặp: tụ cầu (Streptococus pneumoniae) 30%, virut cúm (Hemophilus influenzae) 23%…, Moraxella catarralis 14%.

 Dựa vào dấu hiệu nào để nhận biết thủng màng nhĩ do viêm tai giữa
Viêm tai giữa cấp giai đoạn vỡ mủ là dấu hiệu màng nhĩ đã thủng. Triệu chứng toàn thân và cơ năng giảm hẳn, đỡ sốt, trẻ đỡ quấy khóc, hết tiêu chảy. Thăm khám thấy ống tai ngoài có mủ, màng nhĩ có lỗ thủng ở giữa hoặc trước dưới, mủ lúc đầu loãng, nhầy, sau đặc dần thành mủ nhầy keo hoặc mủ trắng đặc. Nếu được điều trị kháng sinh, chống viêm, làm thuốc tai tốt, bệnh sẽ khỏi, màng tai có thể liền. Nếu giai đoạn này không được điều trị hay điều trị không kịp thời bệnh sẽ chuyển sang viêm tai giữa mạn tính, hoặc viêm xương chũm cấp và có thể gây các biến chứng như: Liệt mặt ngoại biên, viêm mê nhĩ, ù tai chóng mặt, viêm màng não…bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ.

Chữa viêm tai giữa theo trong giai đoạn vỡ mủ.
Dùng kháng sinh, chống viêm uống hoặc tiêm, làm thuốc mũi xoang, làm thuốc tai hằng ngày đến khi tai khô, theo dõi trẻ đến khi màng tai liền hoàn toàn. Việc làm thuốc tai có ý nghĩa quan trọng, các thuốc nhỏ tai cần phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng vì một số thuốc dùng không đúng cách có thể gây điếc vĩnh viễn không phục hồi. Tuyệt đối tránh để nước vào tai.
Cần lưu ý những trẻ hay bị chảy mũi xanh, đặc, phải há mồm thở khi ngủ, hay sốt vặt và thường bị viêm tai giữa cấp tái đi tái lại thì cần được nạo VA, cắt amidal, hút mũi xoang khi cần, chứ không chỉ điều trị nội khoa đơn thuần.

Làm thế nào để phòng tránh bệnh viêm tai giữa?
Để phòng tránh viêm tai giữa nói chung thì cần phòng chống các nguy cơ gây viêm nhiễm đường thở trên cấp tính như viêm mũi họng, viêm VA, viêm amydal, viêm xoang.
Đối với các gia đình có em bé nhỏ, bố mẹ cần tạo một môi trường sống trong lành cho trẻ, khói thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ cao gây bệnh viêm nhiễm đường thở trên cấp tính và từ đó gây viêm tai giữa. Khi bị viêm nhiễm đường thở trên cấp tính cần được điều trị tại các cơ sở y tế. Khi có các biểu hiện về tai thì cần được thăm khám và theo dõi tại chuyên khoa tai mũi họng.
Việc nhỏ thuốc vào tai và làm thuốc tai phải theo đúng chỉ định của bác sĩ tai mũi họng, không nên tự điều trị.

Biên tập tổng hợp : Anh L.P Thai

meyeucon.org và kidhealth.com.


Lớp học handmade ngày 7.12.13


Thứ 7, ngày 07/12/13, lớp handmade đã khai giảng rất vui, hấp dẫn, và nhiều màu sắc.

Chân thành cảm ơn sự góp mặt của chị Phương Linh, chị Thanh Thuý, chị Thuỳ Dương, chị Uyên Minh, Phúc Huy, Quốc Anh và Phơ Tơ Ráp Phiều đã giúp đỡ của buổi khai giảng thành công tốt đẹp.

Thứ 7 tới (14/12/13) sẽ tiếp tục là 1 buổi free của lớp handmade nhé các bạn. Lớp Handmade vẫn tiếp tục nhận đăng kí cho t7 (14.12.2013) nhé các bạn. Nhắn họ tên, trường đến số điện thoại 0932184580 để đăng ký giữ chỗ.

Nếu các bạn chưa thu xếp được thời gian tham dự ngày khai giảng 7/12, lúc 14g - 17g, tại gd6, ĐH Y dược .... thì vẫn có thể đăng kí tham gia các buổi sau (các trợ giảng sẵn sàng hướng dẫn lại các buổi cơ bản)

Về nguyên liệu và dụng cụ các bạn vui lòng mua ngay tại lớp học nhé. Shop len sẽ cung cấp cho các bạn rất nhiều các loại len sợi phù hợp bài giảng cho các bạn lựa chọn, phù hợp túi tiền, đúng giá thị trường nhé.

13 thg 12, 2013

XỬ TRÍ ĐÚNG KHI TRẺ BỊ NGHẸT MŨI



BS CK2 Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: Thuốc nhỏ mũi co mạch được dùng phổ biến ở nước ta là Naphazoline, có tên là Rhinex 0,05%, Nasoline 0,05% không được dùng cho trẻ nhỏ hơn 7 tuổi. Tuy nhiên thực tế nghiên cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 1 tháng đến 3 tuổi, do người nhà tự ý dùng loại thuốc này cho trẻ em. Chỉ cần nhỏ 2 giọt là đã đủ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Đáng lưu ý là thân nhân của những trẻ này biết rõ thuốc sử dụng phổ biến cho người lớn nhưng lại không biết tác dụng phụ cũng như giới hạn tuổi sử dụng của loại thuốc này ở trẻ em.


Ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch gây ra những tác hại như thế nào?
BS Nguyễn Thị Kim Thoa: Sau khi nhỏ mũi từ 30 phút đến 2 giờ, sẽ xuất hiện các biểu hiện vã mồ hôi, tay chân lạnh ngắt. Nhanh chóng sau đó, trẻ lừ đừ, hôn mê, thở yếu. Thậm chí có những dấu hiệu nặng như ngưng thở từng cơn, nhịp tim không đều có thể dẫn đến tai biến nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những biện pháp nào có thể phòng tránh ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch ở trẻ em?
BS Nguyễn Thị Kim Thoa: Thực tế cho thấy mặc dù triệu chứng nghẹt mũi rất hay gặp ở trẻ em nhưng đa số các bà mẹ không biết cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh nên đã tự ý điều trị nghẹt mũi theo kinh nghiệm hay mua thuốc không toa. Do vậy để phòng tránh ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ em, cần tuyên truyền rộng rãi, nhắc nhở lại khuyến cáo không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch cho trẻ em dưới 7 tuổi. Ngoài ra, những thân nhân của trẻ; các cô giáo ở nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo cũng cần biết cách chăm sóc trẻ khi bị nghẹt mũi để tránh tai biến cũng như diễn tiến bệnh kéo dài gây biến chứng.

Xử trí đúng khi trẻ bị nghẹt mũi
BS Nguyễn Thị Kim Thoa: Áp dụng biện pháp làm thông mũi như sau:
- Đối với trẻ nhỏ, làm sạch mũi bằng bấc sâu kèn.
- Dùng khăn giấy mềm, dai, để làm bấc sâu kèn. Đặt vào hốc mũi để thấm ướt dịch mũi, sau đó lấy ra và đặt lại một bấc sạch. Lập lại các bước này cho đến khi sạch mũi.
- Nếu trẻ bị nghẹt nhiều, nên sử dụng dung dịch nhỏ mũi là nước muối sinh lý 0,9% làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi: nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào từng lỗ mũi, chờ vài phút, sau đó làm sạch mũi.
- Đối với trẻ lớn, hướng dẫn trẻ hỉ sạch mũi từng bên đúng cách. Dùng một ngón tay bịt một lỗ mũi, hỉ mũi bên kia và tiếp theo làm ở bên mũi còn lại.

Hướng dẫn trẻ tránh thói quen hỉ mũi thật mạnh cả 2 bên, động tác này làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ gây rách màng nhĩ.
Làm thông mũi 2 đến 3 lần mỗi ngày và trước khi cho trẻ bú, ăn. Ngoài ra, chăm sóc trẻ nghẹt mũi cũng cần tăng cường nước uống và dinh dưỡng đầy đủ. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có ý kiến của bác sĩ.

Những điều không nên làm:
- Dùng miệng để hút mũi trẻ, sẽ lây lan thêm mầm bệnh cho trẻ
- Tự ý dùng kháng sinh để trị nghẹt mũi

Nguồn: Hải Thoa, BV Nhi Đồng 1
Biên tập: Lam Tuong Nguyen

11 thg 12, 2013

#25



Cộng tác với CLB gần 2 tháng, chiều nay là lần đầu tiên tôi đến bệnh viện Nhi Đồng 2 để tham gia trợ giảng và lấy tin. Điều đầu tiên khiến tôi bất ngờ là một lớp học sáng, rộng, sắp xếp gọn gàng và được trang trí rất “hoành tráng”. Một vòng hoa mùa vọng xinh xắn đính ngay cửa ra vào. Ba hàng dây giăng treo những hình ảnh giáng sinh quen thuộc như người tuyết, cây thông hay chiếc tất đựng quà làm căn phòng thật sinh động. Ngay trên bục giảng là cây thông lớn cùng những quả châu đủ màu, ánh đèn lấp lánh xung quanh. Tất cả đều do Ban Hậu Cần của CLB lên kế hoạch và thực hiện. Tôi có thể hình dung được thời gian và công sức vất vả các bạn đã dành cho việc cắt dán những mẫu chữ cái, hình ảnh trang trí để chúng trông thật ngay ngắn; còn cả vận chuyển hẳn một cây thông cao gần 1m đến lớp học.


Theo dõi buổi học, tôi liên tục bất ngờ bởi những món quà khích lệ vừa dễ thương vừa ý nghĩa của các bạn dành cho những bệnh nhi. Đó là những ngôi sao may mắn cho mỗi câu trả lời đúng, đến cuối buổi chúng được quy đổi thành những tấm thẻ in hình ảnh nhân vật hoạt hình quen thuộc và gần gũi. Tích lũy đủ 10 thẻ, các bé sẽ nhận một phần của bức tranh danh lam thắng cảnh trong phiếu tích điểm. Nhìn Bi và Mỹ Tiên dõng dạc đọc lên trước lớp nội dung và ý nghĩa của bức ảnh Cầu Thê Húc và Đèo Hải Vân trước ánh mắt ngưỡng mộ pha chút ganh tỵ của các em khác, tôi không khỏi xúc động. Cảm ơn Ban Hậu Cần đã đem đến một không gian đầy màu sắc và những món quà tạo động lực học tập to lớn cho các em.

9/12/2013

Bài viết: Pal Trieu
Hình ảnh: Quốc Anh

10 thg 12, 2013

CHỨNG LOÉT MIỆNG Ở TRẺ NHỎ.




Chứng loét miệng là gì? Nguyên nhân do đâu?
Loét miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường nhiệt miệng có nhiều vết loét cho nên làm cho bé rất khó chịu, chảy nước miếng nhiều, sút cân do không ăn được hoặc ăn rất ít. Bênh cạnh đó, trẻ thường mệt mỏi, khó ngủ hay quấy khóc vì đau, nhất là khi ăn uống. Loét miệng cũng có thể do virus Herpes, thường chỉ gây nên một vết loét và có triệu chứng tương tự chứng loét miệng thông thường.

Ngoài ra loét miệng có thể do virus thủy đậu (bệnh thủy đậu), virus gây bệnh tay chân miệng (virus Coxsackie A16 hoặc virus EV 71). Loét miệng do virus thủy đậu hoặc virus gây bệnh tay chân miệng thì ngoài gây các nốt phỏng ở da, niêm mạc lòng bàn tay, chân, mông (bệnh tay chân miệng) cũng có thể gây các nốt phỏng ở niêm mạc miệng. Niêm mạc miệng do bệnh thủy đậu hoặc do bệnh tay chân miệng thường có nhiều nốt phỏng, loét, gây đau, rát, chảy nước miếng và đồng thời có sốt.
Ở những cơ thể trẻ do nuôi dưỡng thiếu chất hoặc trẻ hấp thu kém, gây thiếu một số vi chất cần thiết như vitamin PP, vitamin C, vitamin B12, axit folic, chất sắt cũng có thể gây loét miệng.
Loét miệng cũng có thể do chấn thương làm viêm, dập nát niêm mạc miệng (trẻ bị ngã đập vào vùng miệng) hoặc có thể do ăn thức ăn hoặc nước uống nóng quá làm bỏng, loét niêm mạc miệng gây đau. Trẻ lớn gặp stress liên tục cũng có thể gây nên loét miệng

Cha mẹ nên lưu ý, loét miệng thường xảy ra quanh năm đối với các bé.

Có thể giảm bớt những rắc rối gây ra bởi loét miệng như thế nào?
Loét miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau có loại đơn thuần (nhiệt miệng) nhưng có loại có thể gây biến chứng nguy hiểm, vì vậy khi trẻ bị loét miệng, ch mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân.Loét miệng gây đau, rát cho nên dùng thuốc giảm đau cho trẻ là rất cần thiết nhưng dùng loại thuốc nào phù hợp với tình trạng của bé cần được chỉ định cẩn trọng từ bác sĩ chuyên môn, không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ.
Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhuyễn (cháo, súp, bột dinh dưỡng), không nóng, không cay, không chua và tốt nhất là hợp với khẩu vị thường ngày của trẻ.
Ngoài đánh răng, cũng nên kết hợp cho trẻ súc miệng với các loại nước súc miệng dành riêng cho trẻ em như T-B Kid - giúp phòng ngừa bệnh răng miệng ở trẻ.

Biên soạn và tổng hợp: Anh L.P Thai.

Trích dẫn: chamsoctreem.vn

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..