18 thg 9, 2013

Một số triệu chứng của bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ.

Thời điểm giao mùa hay mưa nắng thất thường dễ khiến các bé bị nhiễm các bệnh đường hô hấp, Bé Khỏe Bé Ngoan xin chia sẻ với các bạn một số biểu hiện của các bệnh đường hô hấp bên cạnh những triệu chứng thông thường như nghẹt mũi, sổ mũi, ho,... nhằm giúp phụ huynh phát hiện để đưa bé đi khám và chữa trị kịp thời.
1. Thở nhanh: Thở nhanh nông là thở quá 18 lần/phút, đây là dấu hiệu sớm nhất của bệnh. Một số nhà nghiên cứu giới hạn bình thường của thở là 16 đến 20 lần hay 25 lần/phút. Nếu đột nhiên có thở nhanh hoặc có thở nhanh dai dẳng thì phải chú ý đặc biệt.

    Bé học đếm nhịp thở cùng các thầy, cô từ CLB tình nguyện Bé khỏe Bé ngoan.
    Hình ảnh từ BV Nhi Đồng 2.
2. Thở rít: Là tiếng rít trong khi thở gây ra bởi dòng khí đi qua đường thở bên trên bị hẹp lại. Thở rít khi hít vào gợi ý cho thấy có tác nghẽn ngoài lồng ngực còn thở rít khi thở ra chỉ cho ta thấy có tắc nghẽn đường thở trong lồng ngực. Thở rít khi hít vào và thở ra cùng với nhau gợi cho ta thấy có tắc nghẽn cố định ở nơi nào đó trong đường thở phía trên.

3. Thở khò khè: Là các tiếng khò khè liên tục gây ra bởi dòng khí qua các đường khí trong lồng ngực. Hầu hết các trường hợp là mắc bệnh đường hô hấp xong không phải là tất cả, đôi khi thở khò khè là do hen. Thở khò khè có thể kèm theo cảm giác bó chặt lồng ngực, một cảm giác không đặc hiệu do thở phải gắng sức do co thắt phế quản.
4. Khó thở: Là triệu chứng chủ quan cảm giác không thoải mái khi thở, cảm giác này tăng lên do bất kỳ hoạt động thể lực nào. Cần thiết phải theo dõi mức độ hoạt động gây khó thở như: Khó thở do phổi, các rối loạn ngoài phổi gồm bệnh tim, sốc, thiếu máu, các tình trạng tăng chuyển hóa và lo lắng, khó thở về đêm kịch phát và khó thở nằm, khó thở đứng (khó thở trong tư thế đứng và dịu đi khi nằm).
5. Ho và ho dai dẳng: Phản xạ ho có thể khởi phát bởi kích thích các cơ quan nhận cảm khu trú ở đường khí phế quản, đường hô hấp trên và những nơi khác như ở các xoang, ống tai, màng phổi, màng ngoài tim, thực quản, dạ dày và cơ hoành. Ho dai dẳng, mạn tính thường do hút thuốc, hen hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ho cũng có thể do thuốc, do bệnh tim, các tác nhân nghề nghiệp, do hen không phát hiện ra, do trào ngược dạ dày thực quản, do viêm phế quản hay giãn phế quản…
6. Ho ra máu: Có thể chỉ là khạc ra máu hay ra đờm lẫn máu, là chỉ điểm đầu tiên của bệnh phổi phế quản nghiêm trọng, phải phân biệt với nôn ra máu và chảy máu đường mũi họng. Viêm phế quản và giãn phế quản tuy là nguyên nhân thường gặp nhất của ho ra máu nhưng phải loại trừ nguyên nhân do ung thư.
7. Tím tái: Xuất hiện ở da hay niêm mạc do tăng tổng số hemoglobin không bão hòa trong máu (>5g/dl). Tím tái trung tâm thường do thiếu ôxy do suy hô hấp, do có thông phải trái trong tim hay nối tắt mạch trong phổi gây ra, thấy rõ khi quan sát niêm mạc miệng. Tím tái ngoại biên phần lớn do các nguyên nhân ngoài hô hấp như do giảm cung lượng tim và do co thắt mạch.

Thạc sĩ - Bác sĩ Tống Quang Hưng
(Theo suckhoedoisong.vn)


Unknown

CLB Bé Khỏe Bé Ngoan là tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận, chuyên về các hoạt động giáo dục sức khỏe cho bệnh nhi nội trú ở các bệnh viện trên địa bàn TP.

0 nhận xét:

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..