21 thg 6, 2014

#30

Hôm nay tôi đến một mái nhà mới, với một bài giảng mới và một sự hồi hộp khó tả.

Phải đứng đợi xe buýt, bị lạc nhau, khó khăn tìm đường, tìm nhà, mệt mỏi ghê lắm nhưng khi lọt thỏm vào vùng trời phía sau cánh cổng sắt xanh lơ ấy, lòng tôi thấy nhẹ nhàng lạ lùng.

Bởi vì ở vùng trời ấy người ta không phải nghe những âm thanh hỗn độn của cuộc sống xô bồ ngay bên ngoài con đường lớn kia. Thay vào đó, góc này góc kia văng vẳng lên tiếng cười đùa, tiếng chân chạy nghịch, ánh lên những ánh mắt ngây ngô của đám trẻ con. Khi ấy, người ta chợt nghĩ đến sự “bình yên”.

Trong lớp học do nhóm sinh viên chúng tôi tổ chức tại trung tâm Xương Thủy Tinh, tôi như bị cuốn vào nụ cười của các em, sự háo hức của các em khi đua nhau giải thích đâu là hẹ đâu là hành, đâu là lá tía tô, đâu là húng lủi. Tinh thần học hỏi của các em, và cả khả năng nhớ bài một cách nhanh chóng của từng đứa khiến tôi nhiều lúc quên mất nhiệm vụ của mình mà hùa vào nghịch với các em luôn. Tôi cảm thấy thật may mắn khi thấy mình được bao bọc bằng tiếng cười trong trẻo, những câu chọc quê hồn nhiên của các bé.

May mắn vì dù hơi trễ, nhưng đã được gặp các em, các bạn, các chị, được chia sẻ chút ít hiểu biết của mình để đổi lại niềm hân hoan.
Mỗi một cái tên là một hoàn cảnh, một câu chuyện nhưng mọi người đều cho tôi thấy cùng một điều thật đáng trân quý: niềm vui sống qua những điều rất nhỏ. Quyên – cô bạn nhỏ nhắn bằng tuổi tôi – là một bệnh nhi, ấy thế mà cô bạn này tinh nhanh lắm, cực kỳ thích đọc truyện tranh. Hoài Thương – bé con nhỏ xíu, hay ngồi xong chiếc xe tập đi dành cho em bé. Trong tiết học của nhóm chúng tôi, dù mệt lắm nhưng em luôn cố gắng ngồi trong vòng tròn nơi tôi dạy, vẫn cầm nắm cọng hành, vẫn cố gắng tô màu cho hết quả đu đủ. Hay bé Bảo, dù không thể di chuyển nhanh như các bạn nhưng cũng gắng ra hồ bơi xem các bạn tập bơi.

22 cô bé, cậu bé tạo nên một bức tranh cuộc sống rất sinh động. Đứa này chọc ghẹo đứa kia, rồi lén nhìn bài nhau và bị “cô giáo” Như phát hiện, cả đám lại phá lên cười. Thấy dễ thương lắm khi đứa này giành đứa kia trả lời câu hỏi mà “cô giáo” Như đưa ra. Dễ thương lắm khi cả đám thấy máy hình là nhào vào bất kể thời gian và khu vực. Dễ thương lắm khi lúc chúng tôi ra về, cả lớp cứ giơ tay vẫy vẫy hoài!

Khi bước ra khỏi cánh cổng xanh, lòng chợt dặn lòng “Sẽ quay lại nơi đây, sẽ quay lại, chắc chắn rồi!”


Bài viết: Quỳnh Như
Hình ảnh: Nhóm hình ảnh - CLB Tình nguyện Bé Khỏe Bé Ngoan

20 thg 6, 2014

Xử lý bệnh sốt xuất huyết ở trẻ.


Thời tiết Việt Nam đang vào hè với những cơn mưa đầu mùa, không khí trở nên ẩm hơn tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển. Vì thế, nguy cơ sốt xuất huyết ở trẻ là rất cao nếu các bậc cha mẹ không chú ý tối đa đến việc sinh hoạt, môi trường sống thoáng đãng sạch sẽ nhằm hạn chế sự tiếp xúc với các loại muỗi mang mầm bệnh. Bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp thắc mắc về căn bệnh sốt xuất huyết cũng như bật mí những mẹo nhỏ phòng ngừa & điều trị cho các bé:

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành.
Các bố mẹ chú ý là muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ. Quần áo treo trên vách…, chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.

Vì sao sốt xuất huyết lại nguy hiểm ở trẻ?
- Xuất huyết xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, có thể bộc phát thành dịch đe doạ sinh mạng các bé.
- Bệnh có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong cao.
- Bệnh chưa có thuốc trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa.

Triệu chứng nếu bé bị sốt xuất huyết:
- Sốt (nóng) cao 39 – 40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền.
- Xuất hiện tình trạng xuất huyết. Có nhiều dạng xuất huyết:
+ Xuất huyết dưới da: trên mặt da xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt những vết này với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.
+ Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.
+ Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).
- Đau bụng.
- Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm: Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã; Chân tay lạnh; Tiểu ít, Có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

Cách xử trí: khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, cần đưa ngay người bệnh đế cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn theo dõi.
Nếu được điều trị ngoại trú tại nhà, bé có thể dùng paracetamol hạ sốt khi sốt cao hơn 39 độ, không dùng các thuốc hạ sốt loại aspirin, analgin, ibuprofen. Cho bé uống dung dịch oresol, nước trái cây, nước cháo... Và nên đi khám lại mỗi ngày cho đến khi hết sốt 2 ngày.

Khi có các dấu hiệu như: đang sốt mà nhiệt độ đột ngột hạ xuống, chân tay lạnh, bứt rứt, vật vã hoặc li bì, da ẩm, vã nhiều mồ hôi, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, tiểu ít và có các biểu hiện xuất huyết nặng, cha mẹ nên đưa bé đến ngay bệnh viện để tránh các biến chứng rủi ro có thể gặp.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:
Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích (đốt).
Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.
Đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy).
Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.

Biên tập & thực hiện: Anh L.P Thai
Nguồn: tổng hợp từ Internet.

19 thg 6, 2014

#29

Nên tìm gì trên dòng đời rộng lớn
Giữa cuộc sống bộn bề những lo toan!
Người khắc khoải tìm tri âm, tri kỷ
Kẻ long đong vì vật chất hơn tình

Ta tìm cho ta những nụ cười
Những ánh mắt trìu mến và yêu thương
Ta tìm cho ta niềm hạnh phúc
Từ những nụ cười trong sáng, ngây thơ…


Hai năm vào nghề giáo, nó chỉ dạy những đứa học trò mạnh khỏe, xinh xắn, hồng hào, ú tròn, ngộ nghĩnh và đáng yêu. Hôm nay, học trò của nó không như vậy, nhưng nó vẫn thấy thật gần gũi và dễ thương dễ mến. Những ánh mắt tràn ngập niềm hạnh phúc, những giọng nói í ới yêu thương, những câu trả lời thông minh và hài hước. Cảm tưởng như trong những cơ thể không hoàn hảo của các em là một tâm hồn nhạy cảm nhưng luôn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Tạo hóa sinh ra em không được chạy nhảy trên đôi chân của mình nhưng ý chí thì luôn vững chắc hơn cả một đôi chân bình thường. Lúc này đây, nó thấy hạnh phúc không ở đâu xa xôi. Hạnh phúc đơn giản là khi nhìn thấy các em với đôi chân phải buộc nẹp, cánh tay bị cong vẹo và khúc khuỷu nhưng vẫn vẫy vùng, chơi đùa trong bể nước.

Cô bé Hoài Thương, hai tuổi, em chỉ trả lời được tên của em mà không trả lời được những câu hỏi. Chỉ tặng em được hai phiếu tích điểm có hình con thú ngộ nghĩnh vì sự có mặt của em. Và khi nhìn em với hai tấm phao hai bên cánh tay vẫy vùng bơi ngửa trong bể nước thì khóe mắt nó thấy cay cay. Nó chừng này tuổi, vì một ký ức tuổi thơ mà nó không đủ can đảm đối diện với dòng nước để tập bơi. Em mới hai tuổi thôi, em không khỏe như một đứa trẻ bình thường, nhưng em vẫn vươn lên sải mình trong nước. Không chỉ Hoài Thương, tất cả những em khác cũng có dáng điệu thật mạnh mẽ, như một đàn cá con uốn lượn dưới làn nước trong xanh.

"Các em ơi, với những nụ cười ấy, giọng nói í ới, vươn mình vẫy vùng trong bể nước… sẽ làm chị nhớ lắm, yêu lắm, thương lắm đấy!"

Bài viết: Yen Ho
Hình ảnh: Nhóm hình ảnh - CLB Bé Khỏe Bé Ngoan

18 thg 6, 2014

Bệnh viêm não ở trẻ em.

Từ đầu năm đến nay, nhất là vào đầu mùa hè, số bệnh nhi viêm não tăng mạnh với số lượng hàng trăm trẻ bị viêm não, màng não. Bệnh do nhiều loại virut gây ra như : virut viêm não Nhật Bản, các virut đường ruột, virut thủy đậu, quai bị… Bài viết dưới đây xin giới thiệu viêm não do Arbovirus là loại virut thường gây bệnh viêm não trong mùa hè để các bậc phụ huynh biết cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phòng bệnh hiệu quả cho bé.

Côn trùng đốt truyền bệnh viêm não cho người
Viêm não do Arbovirus là bệnh xảy ra vào mùa nắng nóng, như mùa hè - thu. Mầm bệnh có ở những động vật có vú nhỏ và một số loại chim, ngựa..., côn trùng đốt động vật rồi đốt người truyền bệnh cho người. Tổn thương chủ yếu là viêm màng não, viêm não, hôn mê, thiểu năng trí tuệ, liệt thần kinh sọ não... với tỉ lệ tử vong cao. Các nghiên cứu cho thấy: virut loại này đã gây ra viêm não ở châu Mỹ, viêm não St. Louis, viêm não Nhật Bản B và các bệnh khác như sốt Dengue, sốt vàng, sốt xuất huyết.
Mùa hè do nóng bức, nhiều người ngại mắc màn khi ngủ nên đã tạo điều kiện cho muỗi và côn trùng đốt mà bị mắc bệnh. Trẻ em ở thành thị cũng như các vùng xa xôi hẻo lánh cũng vì nóng bức mà mặc quần đùi, áo cộc tay hoặc cởi trần nên nguy cơ bị muỗi và côn trùng đốt càng cao, càng dễ mắc bệnh.

Dấu hiệu phát hiện bệnh
Một đứa trẻ bị viêm não điển hình thường gồm các dấu hiệu như sau: sốt, choáng váng, đau họng, đau bụng, sổ mũi, hắt hơi, ho. Sau đó bệnh nhi thấy đau đầu, có dấu hiệu màng não, sợ ánh sáng và nôn. Nếu tổn thương não sâu hơn bệnh nhi có các biểu hiện: ngủ lịm, hôn mê, thiểu năng trí tuệ (chẳng hạn bạn đố trẻ làm toán thì chúng sẽ thực hiện sai 7 phép trừ liên tục). Trường hợp bệnh nặng hơn, trẻ bị rối loạn định hướng và hôn mê. Một số triệu chứng thường gặp khác là rung giật, mất phản xạ ở bụng, liệt dây thần kinh sọ não, liệt nửa người, khó nuốt...
Một số bệnh nhi có sốt đột ngột, co giật ngoại ý và các triệu chứng thần kinh trung ương. Thường gặp dấu hiệu cổ cứng, kích thích màng não, run, co giật, liệt dây thần kinh sọ, liệt chân tay, tăng phản xạ gân xương ở sâu, mất phản xạ nông và có phản xạ bệnh lý. Viêm não cấp tính thường kéo dài từ 1- 3 tuần, song sự hồi phục là rất chậm, phải mất từ vài tuần đến vài tháng bệnh nhi mới hồi phục được chức năng tối đa. Bệnh nhi thường khó tập trung, mệt, run và thay đổi tính cách trong giai đoạn phục hồi.
Để chẩn đoán chắc chắn cần phối hợp với bác sĩ để chọc lấy nước não tủy bệnh nhi xét nghiệm tìm virut gây bệnh. Hơn nữa còn cần phải làm các xét nghiệm để phân biệt bệnh viêm não do Arbovirus với viêm não do các virut khác như herpes simplex, quai bị, bại liệt hay các virut đường tiêu hóa khác và HIV. Phân biệt với các bệnh gây viêm não có kèm phát ban ở trẻ em như sởi, thủy đậu, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, rubeon. Ngoài ra còn phân biệt với viêm não sau khi dùng vaccin như thể hủy myelin sau dùng vaccin phòng dại, sởi, ho gà; viêm não do nhiễm độc thuốc, độc chất, độc tố vi khuẩn như do vi khuẩn lỵ týp 1 và hội chứng Reye. Bởi vậy sự hợp tác của cha mẹ sẽ giúp bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời cho bé.
Trường hợp trẻ bị viêm não nhưng phát hiện muộn hoặc bệnh nặng có thể gây ra các biến chứng: viêm phế quản phổi, bí tiểu và nhiễm khuẩn đường tiết niệu, loét lưng hay gót chân do nằm lâu. Một số di chứng muộn là di chứng tâm thần, hội chứng Parkinson và động kinh.

Những điều cần biết trong điều trị và phòng bệnh
Từ trước đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do virut. Tuy đã có thuốc kháng virut nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virut chứ không phải kháng tất cả các virut. Vì vậy việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng bệnh nhi và chữa triệu chứng là rất quan trọng. Người ta có thể dùng phương pháp làm giảm áp lực nội sọ và dùng mannitol theo dõi áp lực buồng não thất. Cần hiểu rõ điều đó để thực hiện khâu chăm sóc nâng cao thể trạng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Sự phục hồi của bệnh có thể kéo dài vài tháng, nên sự chăm sóc của bạn cho bệnh nhi là rất cần thiết trong thời gian này.


Phương châm đối phó với bệnh viêm não do virut loại này là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Có thể phòng tránh viêm não cho trẻ bằng các biện pháp đơn giản và hiệu quả sau đây: tránh muỗi đốt bằng các cách như dùng nhang xua muỗi, mặc quần áo dài để bảo vệ trẻ. Diệt lăng quăng bằng các phương pháp dân gian như thả cá bảy màu vào các nơi đựng nước; đậy kín các vật chứa nước không cho muỗi vào đẻ. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, loại bỏ các nơi trú ẩn của muỗi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, loại bỏ các vật đựng nước như gáo dừa, ống bơ... là nơi muỗi có thể để trứng. Phun thuốc diệt muỗi định kỳ để diệt muỗi và côn trùng gây bệnh khác. Đối với bệnh viêm não đã có vaccin như viêm não Nhật Bản B thì dùng vaccin để phòng bệnh: trẻ em và cả người lớn cần tiêm vaccin viêm não Nhật bản B để bảo vệ khỏi nguy cơ gây bệnh.

Ths.Trần Minh Thanh
Biên tập: Hoàng Vân

17 thg 6, 2014

Chương trình “ƯỚC MƠ CỦA BÉ”

Đây là thư ngỏ của chương trình "ƯỚC MƠ CỦA BÉ" nằm trong dự án “NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CHO TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN” của VLCDC. Chương trình có sự tham gia của nhiều diễn giả, doanh nhân, nhà từ thiện nhằm giới thiệu dự án “NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CHO TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN” mà CLB BÉ KHỎE BÉ NGOAN cũng là một phần của dự án ý nghĩa này.
Mọi người hãy cùng đến với chương trình để thưởng thức một đêm nhạc đầy nhân văn và cùng chia sẻ yêu thương nhé.
Thời gian: 18g30 Chủ Nhật 15/6/2014
Địa điểm: Hội Trường Công Ty Thanh Niên Investment 345/134 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1, Tp.HCM


Bệnh tay chân miệng ở trẻ em


Với đặc điểm nóng ẩm của mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do nhiễm virut, vi khuẩn, ký sinh trùng. Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ mắc bệnh cao. Tiếp tục đồng hành cùng quý phụ huynh và các bé, chuyên mục kiến thức y học thường thức dành cho trẻ xin gửi đến một số thông tin về bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do virus xảy ra ở trẻ nhỏ. Virus gây bệnh bao gồm, các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột type 71 (EV71) và Coxsackie A16.

Vì sao tay chân miệng lại nguy hiểm ở trẻ?
- Tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus cấp tính, có khả năng gây thành dịch lớn.
- Tất cả những người chưa từng mắc bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi.
- Bệnh cũng có thể diễn biến nặng như viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
- Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng ngừa.

Bệnh có triệu chứng nhận biết như thế nào?
- Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như: Sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng.
- Một hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má.
- Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.
- Người bị bệnh tay chân miệng có thể không biểu hiện triệu chứng, hoặc có thể chỉ có phát ban hay chỉ loét miệng.
- Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Bệnh có những con đường lây truyền nào?
- Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa.
- Virus gây bệnh tay chân miệng còn có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh.
- Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virus vẫn tồn tại trong phân).
- Phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh cho em bé nếu họ bị nhiễm một thời gian ngắn trước khi sinh đẻ hoặc có các triệu chứng tại thời điểm sinh.
- Lưu ý, bệnh không lây truyền từ người tới vật nuôi/động vật và ngược lại.

Làm thế nào để phát hiện sớm sau khi tiếp xúc?
- Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng là 3-7 ngày. Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh tay chân miệng, sốt thường kéo dài 24-48 giờ.

Điều trị bệnh như thế nào?
- Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này.
- Bệnh tay chân miệng thường là một bệnh nhẹ, hầu hết tất cả bệnh nhân hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng.
- Tuy nhiên, nên cho trẻ uống nhiều nước và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét, phòng biến chứng (viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do virus EV71 gây ra).

Vậy hướng phòng tránh bệnh như thế nào?
- Cho đến nay, chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.

- Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
+ Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước;
+ Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;
+ Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh tay chân miệng cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh;
+ Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn. Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo; che miệng và mũi khi hắt hơi và ho; xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách; luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.

Biên tập: Nguyễn Trà My

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..