23 thg 11, 2013

Mặt trời bé con: Mỹ Duyên - Từ một nụ cười.


Trong buổi học cùng CLB, em đứng một mình cuối lớp, nhìn cô giáo đang hăng say giảng bài, nhìn các bạn đang vui vẻ phát biểu và.....mỉm cười theo. Em còn nhỏ, nụ cười em thật sáng, thật lạc quan nhưng vẫn vương một nét cam chịu làm tôi thấy nghẹn lại. Tựa như, em vừa thắp lên cho tôi niềm vui, vừa đem đến cho tôi động lực để sống tốt hơn và có ý nghĩa hơn. Tên của em - Mỹ Duyên.
- Libra PiCi -

Ảnh chụp tại BV Ung Bướu, lúc 15h36’ ngày 23/10/2013

22 thg 11, 2013

THÓI NGHIẾN RĂNG LÚC BÉ NGỦ

Khi nhìn con trẻ đang ngủ, cha mẹ luôn mong muốn nghe những tiếng thở sâu, nhẹ nhàng và đều đặn của bé. Tuy nhiên có đôi lúc cha mẹ phát hiện ra những âm thanh nghiến, nghiền răng thô ráp, một vấn đề thường gặp ở trẻ em.
Nghiến răng lúc ngủ là sự nghiền răng, nghiến hàm thường xảy ra trong giấc ngủ sâu hoặc trong cơn stress. Cứ 10 trẻ thì có 2 hoặc 3 trẻ gặp phải, nhưng theo các chuyên gia, đa số lớn lên sẽ khỏi.


Nguyên nhân của thói nghiến răng khi ngủ
- Chúng ta không biết được nguyên nhân gây nghiến răng dù đã có nhiều cuộc nghiên cứu. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, trẻ nghiến răng có thể do răng hàm trên và hàm dưới không thẳng hàng. Hoặc do đau, như đau tai, đau răng; để làm đỡ đau khi cọ xát những cơ bị đau. Khá nhiều trẻ phát triển thoát khỏi những nguyên nhân thông thường này.
Stress – thường bị căng thần kinh hay tức giận – lại là một nguyên nhân khác. Ví dụ, trẻ lo lắng về bài kiểm tra hay sự thay đổi trong thói quen (anh chị em mới hay giáo viên mới), thậm chí cãi nhau với cha mẹ, anh chị em.
Một vài đứa trẻ quá hiếu động , hoặc đôi khi trẻ đang gặp vấn đề bệnh khác cũng có thể gây thói nghiến răng.

Những ảnh hưởng của thói nghiến răng
- Gây đau đầu hoặc đau tai, nhưng nhiều trường hợp không phát hiện những ảnh hưởng xấu. Thường thì gây phiền nhiều hơn cho các thành viên khác trong gia đình do âm thanh nghiến răng.

Trong vài trường hợp, có thể làm mòn men răng, làm mẻ răng, tăng độ nhạy cảm của răng với nhiệt độ, gây đau mặt nghiêm trọng và những vấn đề về hàm, như bệnh khớp thái dương hàm (TMJ). Trừ khi là nghiến và nghiền răng kinh niên, nếu không đa số sẽ không gặp phải bệnh khớp thái dương hám.

Chẩn đoán
- Nhiều trẻ không nhận ra chính mình mắc thói nghiến răng, thường chính bố mẹ , anh chị em là người phát hiện.
- Vài dấu hiệu cần để ý:
Những tiếng nghiến khi trẻ đang ngủ
Buổi sáng kêu đau hàm hay đau mặt
Đau khi nhai
Nếu trẻ mắc thói nghiến răng, hãy đến nha sĩ kiểm tra sự hao mòn và mẻ men răng, phun khí và nước để kiểm tra độ nhạy cảm bất thường.
Nếu phát hiện tổn thương, nha sĩ sẽ hỏi trẻ vài câu hỏi như:
Con cảm thấy thế nào trước khi đi ngủ?
Có lo lắng về điều gì ở trường hay ở nhà không?
Có tức giận với ai không?
Làm gì trước khi đi ngủ?
Hỏi giúp nha sĩ xác định thói nghiến răng là do nhân tố giải phẫu (răng không thẳng hàng) hay tâm lí (stress) và đề ra kế hoạch điều trị hiệu quả.

Điều trị
- Đa số trẻ lớn lên sẽ tự khỏi, nhưng sự theo dõi của bố mẹ cùng với nha sĩ có thể giúp kiểm soát cho đến khi phát sinh vấn đề.
Trong trường hợp nghiến và nghiền răng làm mặt, hàm bị đau và gây tổn thương răng, nha sĩ có thể chỉ định dùng một dụng cụ tương tự như miệng cái kèn có tác dụng bảo vệ đặc biệt, được thiết kế cho răng trẻ em. Dù sẽ thành thói quen, nhưng điều này có hiệu quả rất nhanh.
Làm gì để giúp trẻ?
+ Thư giãn trước khi đi ngủ: tắm nước nóng, nghe nhạc dịu nhẹ vài phút hoặc đọc sách.
+ Nếu nguyên nhân là do stress, hỏi xem điều gì làm trẻ buồn và tìm cách giúp đỡ. Nhưng nếu bạn vẫn lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ.
+ Trong trường hợp hiếm, những cách làm giảm stress thông thường không thể chấm dứt nghiến răng. Nếu trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ hoặc có hoạt động bất thường, đến bác sĩ hoặc nha sĩ để được chẩn đoán chính xác, giúp xác định nguyên nhân của stress và có hướng điều trị thích hợp.

Thói nghiến răng lúc ngủ kéo dài bao lâu?
Mắc thói nghiến răng thuở thơ ấu thường khỏi ở tuổi thiếu niên. Đa số là khi thay răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu thói nghiến răng vẫn tiếp diễn và do stress, nó sẽ tiếp tục cho đến khi nào stress được giải tỏa.

Phòng ngừa thói nghiến răng
 - Đôi khi nghiến răng là phản ứng tự nhiên của sự tăng trưởng và phát triển nên đa số không thể phòng ngừa. Nghiến răng do stress có thể tránh được, trò chuyện thường xuyên và giúp trẻ giải quyết stress. Thường xuyên đến nha sĩ để phát hiện, và nếu cần, điều trị thói nghiến răng.


(Nguồn: familydoctor.org- Bs Phẫu thuật Nha khoa Kenneth H. Hirsch)

Biên dịch tổng hợp : Lam Tuong Nguyen

21 thg 11, 2013

Thông báo: Lớp học Handmade



Các bạn thân mến,

- Nhằm đáp ứng nhu cầu của các bạn sinh viên muốn tự mình làm ra những sản phẩm hữu dụng trong cuộc sống, những món quà ý nghĩa cho bạn bè, thầy cô, gia đình.
- Tạo môi trường giao lưu, thư giãn,bổ ích, thường xuyên, định kì cho các bạn sinh viên sau thời gian học tập căng thẳng.
- Tự túc nguồn kinh phí hoạt động cho CLB Bé Khỏe Bé Ngoan.

CLB Tình nguyện Bé Khỏe Bé Ngoan đã kết hợp cùng RSS boutique mở Lớp handmade chuyên dạy đan móc với cái yêu cầu đề ra là:
- Công tác tổ chức chặt chẽ, liên tục, định kì trong thời gian dài.
- Lớp học cung cấp kiến thức đầy đủ, thao tác kỹ năng một cách hiệu quả, trên tinh thần thiết thực
- Không gian tương tác hòa nhã, vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
- Thu hút đông đảo các bạn sinh viên trong và ngoài trường tham gia hoạt động của lớp học.


1.Thời gian: Từ 14h đến 17h thứ 7 hàng tuần.
KHAI GIẢNG VÀO NGÀY 7/12/2013

2. Địa điểm: Giảng đường 6, Đại học Y Dược TP.HCM – 272 Hồng Bàng, P.11, Q.5, TpHCM.

3. Số lượng: 20 học viên trở lên.
CÁC BẠN NHẮN TIN ĐĂNG KÍ VÀO SỐ DT 0932184580, LỚP CHỈ KHAI GIẢNG KHI CÓ ĐỦ SỐ LƯỢNG ĐĂNG KÍ

4. Đối tượng tham gia:- Giáo viên hướng dẫn: Đào Nguyễn Phương Linh – Chủ nhiệm CLB
- Học viên:
• Các công tác viên CLB Bé Khỏe Bé Ngoan
• Sinh viên trường ĐH Y Dược TpHCM.
• Các bạn học sinh, sinh viên thuộc các trường khác trong khu vực TpHCM
• Tất cả mọi người yêu thích và có nguyện vọng tham gia lớp học.

NỘI DUNG LỚP HỌC:Hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản đan, móc len
Hướng dẫn cách thực hiện sản phẩm hoàn chỉnh theo mẫu
[LỊCH DẠY SẼ UPDATE TRONG THỜI GIAN SỚM NHẤT]

HỌC PHÍ THAM GIA LỚP HỌC• Cộng tác viên CLB Bé Khỏe Bé Ngoan: 30.000đ/buổi.
• Sinh viên, học sinh của các trường: 35.000đ/buổi.
• Các đối tượng khác: 40.000đ/buổi.

HỌC PHÍ TRÊN SẼ TRỞ THÀNH NGUỒN QUỸ CHO CLB BÉ KHOẺ BÉ NGOAN 100%.
HỌC PHÍ BAO GỒM TIỀN NƯỚC, THỨC ĂN NHẸ TRONG BUỔI DẠY, không bao gồm nguyên vật liệu (các bạn có thể mua ngay tại lớp học).

LƯU Ý: CÁC BUỔI DẠY CĂN BẢN SẼ ĐƯỢC DẠY MIỄN PHÍ.

THÀNH PHẨM CÁC BẠN CÓ THỂ QUYÊN GÓP VÀO MỤC LỤC CÁC SẢN PHẨM SẼ ĐƯỢC BÁN TỪ THIỆN GÂY QUỸ CHO BỆNH NHI chuẩn bị được CLB tổ chức vào trước tết Nguyên Đán.

Bất kì thắc mắc nào các bạn có thể liên hệ với RSS boutique qua hotline: 0932184580
hoặc qua email: rumpelstiltskinboutique@gmail.com
hoặc inbox trực tiếp cho qua www.facebook.com/rssboutique

20 thg 11, 2013

MỘT SỐ LƯU Ý VỀ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN Ở TRẺ EM.



Thời tiết đang bước vào những tháng cuối năm với không khí se lạnh và khô hanh hơn. Đây là thời điểm giao mùa mà trẻ thường dễ mắc các bệnh đường hô hấp, điển hình là viêm phế quản. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích cho các bậc phụ huynh trong việc phòng tránh và điều trị khi trẻ không may bị viêm phế quản.

Viêm phế quản là gì?

Đây là một dạng nhiễm trùng hay viêm đường dẫn khí lớn đến phổi (những đường hô hấp này được gọi là phế quản). Khi trẻ bị cảm lạnh , đau họng , cảm cúm, hoặc nhiễm trùng xoang do vi rút gây nên thì có thể chính những loại vi rút này sẽ lây lan đến phế quản. Do đó, đường hô hấp trở nên sưng , viêm, và một phần bị chặn bởi chất nhầy. Có thể nói, virus là thủ phạm phổ biến nhất gây ra bệnh viêm phế quản ở trẻ em.

Ngoài ra, nhiễm trùng do vi khuẩn và các chất kích thích như khói bụi thuốc lá cũng có thể gây viêm phế quản.

Làm thế nào để nhận biết trẻ bị viêm phế quản?
- Đầu tiên, bé có thể xuất hiện triệu chứng cảm lạnh, đau họng , mệt mỏi, chảy nước mũi, ớn lạnh, đau nhức và sốt nhẹ. Các cơn ho khan khởi phát và tiếp theo xuất hiện chất nhầy xanh hoặc vàng. Lưu ý rằng, bé rất dễ nôn mửa khi cường độ ho tăng cao.
- Khi bị tổn thương, trẻ có thể cảm thấy khó thở hoặc thở khò khè . Nếu viêm phế quản nặng, cơn sốt có thể tăng trong vài ngày và cơn ho có thể kéo dài trong vài tuần.

Khi nào phụ huynh nên nhờ sự can thiệp của bác sĩ?
- Nếu cơn ho của bé trở nên nghiêm trọng hơn sau vài ngày đầu hoặc cơn sốt kéo dài trong hơn một vài ngày với nhiệt độ cao đáng lo ngại, hoặc thêm vào đó bé ho khò khè hoặc ho ra máu, cha mẹ cần lien lạc với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Viêm phế quản được điều trị như thế nào?
- Vì tình trạng viêm phế quản sẽ được cải thiện trong một tuần đến mười ngày do đó cha mẹ có thể tiến hành một vài biện pháp sau để giảm bớt các triệu chứng trong khoảng thời gian chờ đợi :
- Cho trẻ uống nhiều chất lỏng - khoảng tám đến mười ly một ngày để giảm tắc nghẽn và ngăn ngừa tình trạng mất nước .
- Chạy máy tạo độ ẩm phun sương mát trong phòng ngủ hoặc khu vui chơi trong ngày, đặc biệt nếu gia đình sống trong vùng khí hậu khô. Việc làm ẩm không khí sẽ góp phần giúp bé thở dễ dàng hơn với điều kiện thiết bị phun sương cần đảm bảo vệ sinh bụi bặm sạch sẽ.
- Dùng thử nước muối nhỏ mũi để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn.
- Thời tiết lạnh , bụi và khói có thể gây kích ứng đường hô hấp của trẻ , do đó phụ huynh nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đủ độ ấm và đặc biệt là tránh khói thuốc lá.
- Đỡ bé nằm cao trong khi ngủ nghỉ để làm cho hơi thở dễ dàng hơn.
- Nhằm giảm bớt cơn sốt và khó chịu , hãy cho trẻ dùng liều lượng acetaminophen hoặc ibuprofen trẻ em thích hợp.
- Nếu bé bị suyễn , bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc giãn phế quản để mở rộng đường thở hoặc một loại thuốc corticosteroid để giảm bớt tình trạng viêm.

Cha mẹ làm gì để ngăn ngừa bệnh viêm phế quản cho bé?
- Thường xuyên rửa tay, hấp thụ đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tránh những người bị bệnh là những điều các bậc cha mẹ thường xuyên nên làm để ngăn ngừa bệnh cho bé. Nếu phụ huynh nghĩ rằng bé có thể dễ bị viêm phế quản hoặc viêm đường hô hấp kéo dài và nghiêm trọng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm phòng cúm. Một điều quan trọng nữa là bảo vệ trẻ tránh xa khói thuốc.

Biên dịch tổng hợp: Anh LP Thai

#19

Trong tâm trạng chạy hồng hộc đến giảng đường vì sợ trễ giờ, tôi khá bất ngờ với buổi sinh hoạt hôm nay: có vẻ vắng!

Cảm giác hơi lạ, hơi trống. Nhưng, cô vẫn đó, và cô nói. Cô hỏi về những khó khăn khi sinh hoạt cùng các bé, cô vẫn nói dù là khán phòng chỉ có chưa tới 30 anh chị.

Không micro, không trò chơi, dù đang bị đau họng, cô nói bằng hết sức mình. Các anh chị đặt ra những câu hỏi thật hay,và mọi người cùng nhau đề ra giải pháp.

Một câu hỏi khá quen thuộc rằng: “Khi những bạn CTV mới tới, các bé cảm thấy lạ lẫn khác hẳn khi chị Linh bước vào, vậy khi không có chị Linh thì những CTV mới nên làm thế nào?”. Cô điềm đạm trả lời: 
“Hãy tổ chức trò chơi trước khi dạy, nên để trẻ vừa học vừa chơi, trẻ đã đủ mệt mỏi với căn bệnh của mình rồi, đừng bắt em phải mệt mỏi trong việc suy nghĩ tại sao hạt đậu lại nảy mầm nữa, và , đừng quên chủ động chào trẻ trước”
Lời khuyên dù ngắn gọn nhưng phải là một người từng trăn trở rất nhiều về các bệnh nhi mới có thể cô đọng nó và khiến chúng tôi nhớ từng chữ từng lời.

Khi bàn đến trường hợp em Phượng rất chán nản, buồn bã, khép kín mình với cuộc sống vì biết mình đang mang trong người căn bệnh ung thư nghiệt ngã, câu hỏi là các CTV có thể giúp em những gì? Hỏi han, lo lắng quá mức liệu sẽ là giải pháp tốt? Nên tỏ ra bình thường, đừng đề cập đến vấn đề đó và làm nhiều cách cho trẻ thấy mình cũng giống những người bình thường (tặng 1 bức tranh của 1 cô ca sĩ nổi tiếng hát hay nhưng không có tóc, tặng nón,…) – đó là những điều mà tôi học được từ cô, từ một tấm lòng luôn vì bệnh nhi.

Một trong những ấn tượng của ngày hôm qua đối với tôi, có lẽ là công việc mà chúng tôi sắp làm. Chúng tôi xuống từng phòng bệnh, kêu gọi các bé tham gia học chung, chơi chung với chúng tôi. Sẽ khó đấy, phải giao tiếp thân thiện, cho bé biết học sẽ có ích lợi gì, phải tuân thủ những quy định gì, mỗi người sẽ phải làm một phát ngôn viên cho CLB. Vâng, sẽ khó đấy nhưng không phải không thể. Có được những lớp học đông đủ như hiện nay là một quá trình thực hiện của đàn anh đàn chị, và bây giờ đến lượt chúng ta. Chắc chắn sẽ làm được, chắc chắn ngày càng tốt hơn!

Quỳnh Như - 17/11/2013
Photo by: Phơ Tơ Ráp Phiều

19 thg 11, 2013

#18

Đào Nguyễn Phương Linh đang ngồi ở bệnh viện Ung Bướu, phòng sinh hoạt bệnh nhi và viết những dòng này...

Tôi cảm thấy phải viết ngay những dòng này. giữa tất cả những chộn rộn sau cùng.
Buổi dạy vừa kết thúc.
..
14 giờ 34 phút chiều tôi và Uyên Minh vừa kịp chạy sang lầu 2, Ung Bướu. hôm nay chúng tôi không có lịch dạy.
..
9 giờ 05 phút sáng, người phụ trách phòng sinh hoạt bệnh nhi gọi cho tôi. tuần sau các con phải tổ chức sinh nhật. nên chúng tôi phải sinh hoạt hôm nay thôi.
..
11g30 phút sáng, tôi và Hoàng Anh chạy lung tung ở Kim Biên, lục lọi những món quà vừa túi tiền và xinh xắn, trả giá túi bụi để có được thứ ưng ý cho các con.
..
13g Hoàng Anh và Diệu Hiền ngồi gói tất cả quà. rất nhiều quà. tôi lang thang nhà sách để nghĩ xem phải mua gì để chia đội. tôi mua ruy băng 4 màu.
..
...
....
13g 34 phút tôi đặt chân lên lầu 2, khu B, hối hả đi vào lớp học. *Cô*... các con vẫy tôi từ cổng vào khu trại tập thể này.
tôi đang rất bối rối và âu lo giữa tất cả hối hả của một ngày mà tôi không biết tôi sắp sửa phải bước vào như thế nào...tôi gần như rỗng tuếch ...

tiếng gọi giật làm tôi hoảng. chẳng hiểu sao tôi lại hoảng. tôi đã hết năng lượng. tôi hoảng cho những điều sắp xảy ra trong 24 tiếng tới.
vậy mà con lại gọi giật *Cô* rồi nhe răng sún hết cả hàm ra cười với tôi.

Full battery again.

Cứ như vậy tôi trôi vào một giấc mơ ban ngày. với KMnO4. với lửa. với những đôi mắt tròn xoe.

tôi lại hứng khởi cho mọi điều hứng khởi.

lần đầu tiên. Ung Bướu. gần 40 bé. đã ngồi ở đó. chờ đợi chúng tôi.

40 bé đã ùa vào đó.

chờ đợi những gì tôi sắp nói.

lần đầu tiên. toàn bộ ekip đi lần này đều thuộc ban chủ nhiệm.

lần đầu tiên. 40 bé. có vẻ một chút gì. tập trung.

giấc mơ của tôi cứ trôi như vậy. trong ồn ã. trong tiếng cười. trong tiếng la hét. tôi hình như cũng vui.

*Hôm nay vui quá đi* . một đứa trẻ nào đó đã hét lên như thế.

Giáo án tập thể dục. 40 bé. một gian phòng rộng 16m2. tôi đã khản tiếng. nghe từng tế bào trong người mình rã ra. cả Uyên Minh, Hiền, Hoàng Anh cũng không còn hơi để la hét. khóc. không chơi. giành giật. buồn. tủi thân. hào hứng. nghịch ngợm. ngoan hiền. thích thú. thương yêu.

Bây giờ tôi đang ngồi type những dòng này và bọn trẻ vẫn còn quanh tôi đùa giỡn. vẫn còn chọc phá tôi.

Tôi kiệt quệ.

Những email cứ push suốt ngày vào điện thoại tôi. với những màu mè riêng của nó. lắm lúc tôi chỉ ước một email gì đó thật ngọt ngào và nhiều yêu thương.

Tất cả chộn rộn. áp lực.
..
....
..
và tất cả chỉ còn ở một góc phòng sinh hoạt bệnh viện Ung Bướu.
.
.
.
*sao con buồn thế Phượng. vì con chán*
.
.
.
con bé đã khác so với những lần đầu tôi gặp
.
.
.
Thư cứ đứng vẽ. không chơi với cô.

*con vẽ cho cô con ma nè. cô có bao giờ thấy ma chưa. con ma có 3 cái tay.*
.
.
.
đó chính là cuộc sống mà tôi chọn lựa.
.
.
.
và tôi ngỡ ngàng. chọn lựa nào tốt nhất cho các con tôi...

[.. và tôi nghĩ mình cần một hộp sữa cho những giờ tiếp theo nữa của ngày hôm nay..]


BỮA ĂN TRƯA Ở TRƯỜNG HỌC CHO BÉ

Đang ngồi trong lớp và dạ dày bắt đầu sôi ùng ục. Cuối cùng, chuông cũng reo, đến giờ ăn trưa rồi, woo-hoo! Sau chừng ấy thời gian trong lớp học, các bé xứng đáng được thẳng tiến đến nhà ăn, ngồi xuống, thư giãn và vui vẻ cùng với bạn bè trong lúc ăn trưa.
Nhưng đợi đã – Chính xác là bé sẽ ăn gì?
- Khi ở trường, các bé thường có quyền tự chọn sẽ ăn gì hơn, những bữa ăn khác ở nhà thì không như vậy. Trẻ có thể chọn ăn đậu xanh hoặc vứt chúng đi, cũng có thể chọn không ăn sandwich kem mà ăn một trái táo chẳng hạn.
Khi chọn sẽ ăn gì cho bữa trưa, một sự lựa chọn vì sức khỏe là thực sự quan trọng.

Tại sao? Ăn đa dạng thức ăn tốt cho sức khỏe cung cấp năng lượng hoạt động, giúp cơ thể phát triển đúng hướng và cả tránh khỏi những bệnh tật.
Vậy thì, thế nào là một bữa trưa khỏe mạnh? Câu hỏi này có nhiều đáp án đúng.



Cantin hay mang cơm theo?
- Hầu hết trẻ chọn mang theo cơm trưa hoặc mua ở trường, cách nào cũng có thể cho trẻ một bữa trưa đạt chất lượng. Rất may là, các món ở cantin trường đôi khi cũng chất lượng hơn những nơi khác.
Điều đó không có nghĩa là các bố mẹ nên để con mua cơm trưa ở cantin. Chỉ là bố mẹ nên để tâm đến thực đơn của cantin trường. Biết trước trưa mai trường sẽ có những món gì giúp bố mẹ biết được bé có cần ăn những món đó hay không!

- Làm cơm hộp mang theo không hẳn là tốt hơn bữa cơm ở cantin. Nếu bé mang theo bánh chocolate và khoai tây chiên, đó chẳng phải là một bữa ăn dinh dưỡng! Nhưng nếu làm cơm hộp đúng cách, sẽ rất có lợi. Khi làm cơm, bố mẹ có thể đảm bảo các món ăn ưa thích và tốt cho sức khỏe. Đó không phải là công thức tối ưu áp dụng cho tất cả mọi người, chỉ đơn giản là một bữa trưa cho trẻ. Nếu món khoái khẩu của trẻ là sandwich bơ đậu và chuối, hãy làm cho chúng. Bố mẹ cần giúp trẻ. Bé có thể nói với bố mẹ rằng bữa trưa thích ăn gì để bố mẹ làm giúp.

10 bước để có một bữa trưa lí tưởng
Dù mang theo cơm hộp hay mua cơm trưa, hãy làm theo các bước sau:
1. Chọn trái cây và rau củ. Trái cây và rau củ chính là mục tiêu bổ sung dinh dưỡng, chúng chứa nhiều vitamin , chất xơ và làm bữa ăn trong bắt mắt hơn. Một khẩu phần lí tưởng cần 5 loại rau củ quả mỗi ngày, nên hãy cố ăn 1 hoặc 2 loại vào bữa trưa. Mỗi loại cần một lượng không nhiều. Ví dụ, một ngày cà rốt cần nửa chén hoặc 6 củ cà rốt non, trái cây có thể là nửa trái cam…

2. Kiểm soát lượng chất béo. Trẻ cần một ít chất béo trong khẩu phần ăn mới có thể khỏe mạnh – cũng giúp giữ cảm giác no – nhưng không nên ăn quá nhiều. Chất béo có trong bơ, dầu, phô mai, hạt, thịt. Những món ăn trưa chứa lượng chất béo cao như món chiên, hotdog, burger phô mai, mì ống phô mai, thịt gà miếng rán. Cũng đừng lo lắng khi thích ăn những món đó! Không thức ăn nào là hại cả, nhưng cần ăn chúng ít thường xuyên hơn với khẩu phần nhỏ hơn. Những món ăn ít chất béo thường là nướng. Vài loại thức ăn ít béo nhất là trái cây, rau củ, sữa không bơ và sữa ít béo.

3. Dùng nhiều ngũ cốc nguyên chất, gồm bánh mì, lúa gạo, mì sợi,... Xét về lợi ích dinh dưỡng, ngũ cốc nguyên chất tốt hơn ngũ cốc đã qua tinh chế. Điểm khác nhau là gì? Gạo lức là một loại ngũ cốc nguyên chất, nhưng gạo trắng thì không phải. Cũng như bánh mì làm từ lúa mì chứa ngũ cốc nguyên chất, trong khi bánh mì bình thường thì không.

4. Ăn uống hợp lí. Không chỉ là việc ăn gì – cả uống cũng vậy! Sữa vẫn luôn là thức uống ưa thích vào buổi trưa. Nếu bé không thích sữa, hãy cho bé uống nước. Tránh uống nước ép và soda.

5. Cân bằng bữa trưa. Khi nói về những bữa ăn cân đối - những bữa ăn gồm một hỗn hợp các nhóm thức ăn: một ít ngũ cốc, một ít rái cây, một ít rau, một ít thịt hoặc những món chứa protein, và một ít thức ăn thường ngày như sữa và phô mai.

6. Kiểm soát toàn bộ bánh snack. Nhiều trường học có bán sẵn snack mặn, kẹo và soda. Ăn những loại thức ăn này trong thời điểm khác sẽ ổn hơn khi ăn vào bữa cơm trưa.

7. Đa dạng món ăn. Mỗi ngày đều ăn cùng một bữa trưa? - Nếu đó là hotdog, đã đến lúc thay đổi thói quen ăn uống hằng ngày. Giữ chồi vị không bị lờn và thử những mùi vị mới. Ăn nhiều loại thức ăn khác nhau cung cấp đa dạng dinh dưỡng cho cơ thể.

8. Nếu cảm thấy no, bé có thể ngừng ăn, không nên ép bé.

9. Một vài nhắc nhở khi bé dùng bữa: nhai kĩ, không nói chuyện khi ăn, dùng muỗng đũa riêng, để khăn ăn trên vạt áo, ăn lịch sự, và không đùa nghịch với thức ăn của người khác.
10. Cho dù có làm gì trong bữa ăn, đừng chọc cười khi bé đang uống sữa, điều này sẽ làm bé sặc sữa và hậu quả sau đó thật khó lường.

Bác sĩ Mary L. Gavin
North Carolina Children’s Hospital
Biên dịch tổng hợp: Lam Tuong Nguyen

18 thg 11, 2013

Đôi dòng về Rumpelstiltskin - Boutique de Laine.

Trong những ngày qua, trên FB CLB tình nguyện Bé khỏe Bé ngoan, đã hơn 1 lần cái tên Rumpelstiltskin - Boutique de Laine được nhắc đến. Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cửa hàng len hết sức đặc biệt này nhé.

Rumpelstiltskin - Boutique de Laine là một cửa hàng online nhỏ, cung cấp các mặt hàng handmade lấy cảm hứng từ len. Những cô gái Rumpelstiltskin có cùng niềm đam mê về len sợi, họ luôn tìm tòi sáng tạo về mẫu mã và đặc biệt là nguyên liệu đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Phương châm của họ là làm cho khách hàng cảm thấy xứng đáng với số tiền bỏ ra. Đó chính là lý do cửa hàng có tên Rumpelstiltskin (một nhân vật trong truyện cổ Grimm, là người có thể "se sợi rơm thành vàng").

Một trong những người thành lập Rumpelstiltskin - Boutique de Laine chính là Chủ nhiệm Đào Nguyễn Phương Linh của CLB chúng ta. Ngoài ra, rất nhiều cô gái Rumpelstiltskin cũng là những thành viên của CLB tình nguyện Bé khỏe Bé ngoan.

Rumpelstiltskin - Boutique de Laine có thể nói là nhà tài trợ đặc biệt nhất của CLB. Hiện tại, Rumpelstiltskin sẽ đóng góp 5000 VNĐ/sản phẩm bán ra vào ngân sách hoạt động của CLB tình nguyện Bé khỏe Bé ngoan. Nhiều hoạt động gây quỹ khác (như Lớp học handmade) cũng đang được lên kế hoạch và hứa hẹn triển khai trong tương lai gần.
Có thể số tiền 5000 VNĐ/sản phẩm là không nhiều, nhưng là một khoản đóng góp hết sức quan trọng. Tích tiểu thành đại. Nguồn quỹ từ Rumpelstiltskin và một số mạnh thường quân khác chính là nguồn ngân sách để CLB duy trì và phát triển những hoạt động tình nguyện hoàn toàn phi lợi nhuận.

"ALL MAGIC COMES WITH PRICE!!!!" [Rumpelstiltskin 's iconic phrase]

Thông báo: Tập huấn quản trò.


Nhằm cung cấp cho các bạn những kiến thức toàn diện, chuyên nghiệp về công tác quản trò – tổ chức trò chơi tập thể, dùng trong các buổi giảng dạy cho bệnh nhi, CLB Bé Khỏe Bé Ngoan sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt QUẢN TRÒ với sự tham gia của anh Trần Nam Anh hiện là Tổng Phụ Trách trường Đoàn Lý Tự Trọng, người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác sinh hoạt đoàn, hội, thanh niên, từng cộng tác trong rất nhiều chương trình truyền hình, trại hè cho học sinh – sinh viên khắp nơi trên cả nước.

Cùng với sự tham gia nhiệt tình của tất cả các bạn hứa hẹn đây sẽ là buổi giao lưu đặc biệt lý thú, bổ ích mà các bạn không nên bỏ lỡ.

Thời gian: từ 17h đến 21h, Thứ 6 (22.11)
Địa điểm: Giảng Đường 6, trường ĐH Y Dược Tp HCM

Rất mong được sự tham gia nhiệt tình của tất cả các bạn.

17 thg 11, 2013

Đặng Hiền - Nếu được vẫn chọn Hậu cần.


Tự nhận mình là “nhỏ bé, lanh chanh, nhiệt tình”, Đặng Hiền thu hút tôi ngay ánh nhìn đầu tiên. Khi cô cười, nụ cười tỏa sáng trên môi và cả trong ánh mắt. Đó là sự lấp lánh của trái tim luôn sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng cống hiến. Hiền chia sẻ: “Mình tin vào những điều mình đã làm và đang làm”, ắt hẳn đằng sau đó, là tình yêu bao la mà cô gái nhỏ nhắn này dành cho các em nhỏ cũng như dành cho nghề Y mà cô đang theo đuổi.

PV chuyên mục GM BKBN đã có cuộc trò chuyện ngắn với cô, hãy xem Đặng Hiền nói gì về CLB và các hoạt động của cô trong vị trí Phó ban Hậu cần nhé.


PV: Cơ duyên nào đưa chị đến với CLB?
Có những thứ vô tình nhưng lại trở thành định mệnh. Một ngày đẹp trời, mình đang đứng ăn quà vặt trước cổng trường, Chủ nhiệm CLB lại hỏi: “Bà Hiền, bà thích con nít không? Bà thích thì đi với tui dạy con nít ở trường mẫu giáo nha, sau này mình đi dạy ở bệnh viện cho mấy con nằm viện lâu ngày!”. Mình “ờ” ngay và luôn, với 2 lý do không liên quan nhau lắm: mình thích con nít và thích bệnh viện. (cười)

PV: Chị tâm huyết với điều gì nhất trong những tháng ngày gắn bó với CLB?
Đó là yếu tố “con người”. Từ BCN đến các CTV, tất cả đều là những người trẻ nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, và hơn hết là ai cũng có một tấm lòng. Bên cạnh đó, các con ở bệnh viện luôn là “nguồn cảm hứng vô tận” cho Hiền.

PV: Công việc cụ thể tại CLB của chị là gì?
Mình cùng CTV chuẩn bị tất tần tật đạo cụ liên quan đến buổi dạy, dựa trên giáo án của ban Nội dung. Sau đó tụi mình sẽ thảo luận với ban Hoạt động để chỉnh sửa đạo cụ cho phù hợp. Thời gian chuẩn bị tùy theo độ khó của mỗi giáo án. Ví dụ: giáo án “giao thông” sẽ mất thời gian ngắn vì chỉ tìm hình ảnh và in ấn, giáo án “không khí” thì lâu hơn vì phải làm thí nghiệm xem thành công hay không, mua hóa chất, dụng cụ…


PV: Vì sao là ban Hậu cần?
Thật ra cũng là cái duyên, mà có cho mình chọn lại, mình cũng không chọn gì khác ngoài Ban Hậu cầu đâu! Càng làm càng say, có những hôm gặp chuyện không vui, về nhà cắt cắt dán dán, suy nghĩ thế nào cho sản phẩm đẹp, thế là quên khuấy những chuyện buồn bực, không đi gây sự với ai, lại được một đêm ngủ ngon và nhiều niềm vui khác nữa.

Nhiều khi, chuẩn bị cho các con học mà cũng như chính mình học được thêm nhiều thứ, thường xuyên ngồi làm mà thốt lên những câu tương tự như là “Ủa? Vậy hả? Mới biết?!!”, nhận thấy kiến thức là một điều rất tuyệt vời và những gì mình biết chỉ là hữu hạn.

PV: Cảm xúc của chị trong những lần làm trợ giảng?
Cảm giác đầu tiên là “ôi, sao các con nhiều năng lượng vậy?”. Các con lúc này cũng hào hứng, năng động, háo hức. Nguồn năng lượng khủng khiếp từ các con như truyền sang cho mình, dù mệt cỡ nào cũng không thể không mỉm cười khi nghe các con gọi “chị ơi, cô ơi!”. Cũng vì những tiếng gọi đó làm mình muốn cống hiến nhiều và nhiều hơn nữa.

PV: Chị nghĩ CLB cần điều gì vào lúc này nhất?
Có lẽ chính là “thấu hiểu”. Theo mình nếu các CTV thấu hiểu BCN trăn trở gì; BCN thấu hiểu CTV hoạt động khó khăn ra sao; CLB thấu hiểu các con muốn gì, cần gì; xã hội thấu hiểu CLB cần sự giúp đỡ gì, thì mọi thứ sẽ được cảm thông, sẽ được chia sẻ, và CLB có thể đồng hành cùng các con mãi mãi.

PV: Làm sao để đạt được điều đó?
Để hiểu bản thân mình đã khó huống gì ở đây cần “thấu hiểu” nhiều đến vậy! Nhưng mình nghĩ, cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến trái tim thôi!

Cảm ơn chị.


Thông tin cá nhân
Họ tên: Đặng Thị Diệu Hiền
Ngày sinh: 18/08/1990
Cung hoàng đạo: Sư Tử
SV năm 5, Đại học Y Dược.
Sở thích: nhiều vô kể (hì hì)
Màu sắc đại diện: kim tuyến nhé! (có được tính là màu ko nhỉ?!)
Quan niệm sống: cứ cho đi rồi sẽ được nhận lại
Ước mơ lớn nhất: cao thêm 10cm. Hì đùa thôi, ước mơ giấu cho riêng mình nhé

Thực hiện: Trâm Anh.

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..