Tuần này, chúng ta sẽ được giao lưu với anh Phơ Tơ Ráp Phiều - Trưởng nhóm hình ảnh.
Đây có lẽ là cái tên không xa lạ với những ai đã và đang quan tâm đến các hoạt động của CLB. Nào, hãy xem anh ấy chia sẻ những gì các bạn nhé!
- Anh có thể giải thích 1 chút về cái tên Phơ Tơ Ráp Phiều?
Phơ Tơ Ráp (photograph) là chụp hình, Phiều (phile) là yêu thích. Phơ Tơ Ráp Phiều là thích chụp hình.
- Anh bắt đầu thích nhiếp ảnh từ khi nào?
Khoảng trước Tết năm 2012, mình mua 1 chiếc Canon 550D và ống kit, thật lòng thì để đua đòi theo phong trào là chính vì trước đó mình chưa có khái niệm về chụp hình hay cầm qua chiếc máy ảnh nào.
- Khó khăn lúc ấy?
Khó khăn lớn nhất là không có người hướng dẫn, nhưng đó cũng là lợi thế lớn nhất của mình. Nếu ngay từ lúc bắt đầu đã được một người dìu dắt, chưa chắc mình đã có một không gian tự do để tự định hình phong cách ảnh cho bản thân.
- Anh thường chụp thể loại ảnh gì? Vì sao?
Ảnh đời thường. Mình thích chụp, thế thôi.
- Khó khăn khi anh chụp ảnh đời thường?
Một trong những khó khăn khi chụp ảnh đời thường là sự hiện hữu của chính bản thân người chụp. Sự xuất hiện của người cầm máy có thể sẽ làm sự việc chệch khỏi quỹ đạo ban đầu của nó. Làm thế nào để hạn chế tối đa dấu ấn của người cầm máy trong ảnh là vấn đề đặt ra khi chụp ảnh đời thường.
Ngoài ra thời gian đầu mình còn hay trăn trở về sự thật trong những bức ảnh mình chụp, nó có phải là sự thật ko? Nó có phải như mình đã nghĩ không. Sau đó vô tình đọc được một câu nói của nhiếp ảnh gia người Mỹ: “Nhiếp ảnh hoàn toàn không phải hiện thực. Đó là một ảo tưởng về hiện thực mà chúng ta sử dụng để sáng tạo ra thế giới riêng tư của chính mình”. Từ đó, mình đã có thể giải thoát mình khỏi những bận tâm và thả hồn vào những bức ảnh hơn.
- Theo anh yếu tố gì đóng vai trò trong nhiếp ảnh?
Điều kiện cần vẫn là yếu tố kỹ thuật, khả năng làm chủ máy ảnh. Nhưng muốn đủ để cho ra một bức ảnh thật sự có giá trị thì yếu tố ấy không phải nằm trong nhiếp ảnh nữa, mà nó nằm ở trong chính người chụp, thế giới quan và những suy nghĩ nội tâm của người cầm máy. Mọi người đều có thể nhìn nhưng không phải ai cũng có thể thấy được. Để thấy được cần đến cả đôi mắt và tâm hồn.
- Thời điểm nào trong ngày thích hợp để chụp ảnh?
Tùy vào thể loại ảnh chụp. Nếu chụp đời thường thì khoảnh khắc chụp cần để tâm hơn chụp lúc nào. Còn với chụp chân dung thì thời gian lý tưởng là từ 5h-7h sáng và sau 4h chiều.
- Nghệ sĩ nào đem lại cảm hứng cho anh?
Cảm hứng là cảm giác có được khi ta có một ý tưởng thú vị. Ý tưởng thì đến bất chợt và ngẫu nhiên từ cuộc sống. Tuy nhiên nếu phải nhắc đến một nghệ sĩ cụ thể thì với mình đó là anh Trần Thái Khương. Không được biết đến nhiều như chị Maika hay anh James Duong trên cộng đồng Nhiếp ảnh, nhưng anh Khương là một người rất am hiểu về nhiếp ảnh cũng như con người đầy thú vị của anh.
- Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn yêu thích nhiếp ảnh?
Đọc sách, sống chậm, đi nhiều và mua một đôi giày thật vừa chân.
- Cảm ơn anh.
Thực hiện: Trâm Anh