2 thg 11, 2013

LÊ THỊ HÀO - cô gái đa năng.


LÀM QUEN1. Họ tên: Lê Thị Hào.
2. Ngày sinh: 31.12.1993
3. Cung hoàng đạo: Ma Kết
4. SV năm thứ: 3 – Khoa Y – ĐH Y Dược TPHCM
5. Vị trí trong CLB: Trưởng ban Đối ngoại
6. Biệt hiệu: Su hào
7. Sở thích: Sách, nhạc, dọn dẹp nhà cửa
8. Thành tích đạt được: Thủ khoa HSG Toán tỉnh Lâm Đồng, HCB Karatedo Hội khỏe Phù Đổng tỉnh (còn vài cái khác mà thôi khỏi nêu ha), cấp 3 thì học bình thường, không có gì nổi bật, có mỗi HB Lawrence S.Ting với cả tốt nghiệp 56/60.
9. Kinh nghiệm làm việc: Gia sư, babysister.
10. Màu sắc đại diện: Cầu vồng (màu gì cũng thích hết)
11. Dùng 3 tính từ miêu tả về bạn: Cầu toàn, nguyên tắc, hiền.
12. Quan niệm sống: What goes around, comes around.
13. Ước mơ lớn nhất: Hạnh phúc.
14. Điều bạn sợ nhất: Cô đơn.

TÍNH CÁCH1. Phong cách thời trang yêu thích:
Parisian Chic, đơn giản, hơi cổ điển một chút.

2. Có điều gì làm bạn nuối tiếc chưa?
Chưa.

3. Bạn có thần tượng ai không?
Không.

4. Bạn quan niệm về tình yêu như thế nào?
Tình yêu là một hỗn hợp của rất nhiều cảm xúc khác nhau và không ai có thể sống thiếu tình yêu.

5. Sự cho đi có là điều tốt nhất mà một người có thể làm cho người xung quanh?
Có.

6. Nếu gặp khó khăn khi quyết định điều gì, bạn thường làm gì trong tình huống đó?
Tham khảo ý kiến của những người thân thiết nhất

7. Yêu bản thân có là điều xấu?
Không. Vì mình chưa yêu mình thì ai yêu mình được

8. Giữa sự giàu có và vẻ đẹp hình thể, bạn chọn cái nào? Vì sao? (đặt giả thuyết là không có cái nào bị tổn hại bởi thời gian)

Giàu có. Haha. Vì nhờ sự giàu có, đời sống tinh thần của mình sẽ phong phú hơn,làm được một số thứ mình muốn, thay vì đẹp và chỉ để… ngắm.

9. Bạn sẽ làm gì cho sinh nhật tuổi 20 của mình?
Nhìn lại quãng đường 20 năm qua.

10. Trong chuyện tình cảm (nam nữ), bạn sợ nhất điều gì?
Mất niềm tin.

11. Bạn thấy bản thân có là một cô gái đẹp?
Không. Hơi hơi xinh một tí xíu thôi.

12. Giữa giả dối và kiêu căng, bạn không thích cái nào hơn? Vì sao?
Giả dối. Vì một người có sở trường nào đó, thì họ có thể tự hào về bản thân, kiêu một tí cũng chẳng sao.

13. Bạn nghĩ sao về sự nổi tiếng? Đặt trường hợp bạn là một cô gái nổi tiếng vì sắc đẹp, bạn có tự hào?

Nổi tiếng là một món quà khuyến mãi không mấy hữu dụng. Thực tế thì không cảm thấy tự hào chi hết trơn.

14. Theo quan điểm của bạn, với người con gái, sự nghiệp và gia đình, cái nào nên được ưu tiên hơn?
Sự nghiệp quan trọng hơn.

SỐNG1. Bạn nghĩ trong xã hội hiện tại, điều gì là bất công nhất?
Chắc tại mình lạc quan vô đối, nên mình nghĩ mọi thứ đều công bằng theo một khía cạnh nào đó.

2. Hãy làm 1 phép so sánh giữa Hào Lê hiện tại và Hào Lê cách đây 3 năm:
Trưởng thành hơn, thực tế hơn, và già hơn. Hehe

3. Theo bạn, căn bệnh gì của xã hội là khó chữa nhất? Vì sao?
Chắc là bệnh ảo tưởng. Hì hì, vì rất khó để sống thật với bản thân và những gì mình có.

4. Thế bạn thấy bản thân đã sống thật với chính mình và những gì mình có hay chưa?
90%.

5. 10% còn lại là gì?
Là những lúc không kiểm soát được bản thân.

6. Bạn nghĩ sao về câu nói: “Để người khác không biết, tốt nhất là đừng làm”
Quan trọng là mình làm gì thôi, nếu mình làm những điều tốt và thực sự có ích, thì chẳng ngại gì chuyện người ta biết đến hay không.

7. Bạn sẽ phân biệt giữa đạo đức giả và lòng tốt bằng cách nào?
Thật khó để phân biệt 2 điều này, chắc là cảm nhận bằng trái tim thôi.

8. Nhắc đến 2 chữ “văn hóa”, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên?
Truyền thống người Việt Nam.

9. Bạn có bao giờ cảm thấy lạc lõng khi ở giữa một đám đông?
Không. Mình sẽ cảm thấy lạc lõng khi mình không có bất kì mối liên hệ nào với đám đông đó.

10. Cơ sở nào bạn đánh giá bản thân “hiền”?
Mọi người hay nói vậy, mà mình cũng thấy vậy, hì hì, mình suy nghĩ mọi thứ khá đơn giản và rạch ròi, rất sợ xích mích, tranh cãi hay xung đột.

11. Bạn hiểu như thế nào về ranh giới của nhẫn nhịn và nhẫn nhục?
Theo mình ranh giới là cảm giác của lòng tự trọng trong mỗi người.

12. Nếu nói về chữ “nhất”, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên?
Sự duy nhất, gia đình duy nhất và bản thân mình là duy nhất.

13. Điều gì trong cuộc sống làm bạn trăn trở nhất?
Sống thật

LÀM VIỆC1. Bạn đến với CLB như thế nào? Và vì sao bạn chọn tham gia BKBN?
Mình đến với CLB là nhờ chị Linh (Chủ nhiệm). Từ cấp 3 mình đã thích tham gia hoạt động tình nguyện, cộng thêm BKBN là một chuỗi chương trình rất thực tế và có ích, vậy là tham gia thôi, một phần đóng góp cho clb, một phần có thể giúp mình bớt “chán” vì suốt ngày chỉ có sách vở

2. Theo mình được biết, vị trí cũ của bạn là Phó ban ND, thời gian đương nhiệm, công tác của bạn là gì?
Mình đảm nhận công tác quản lí ban ND, tham gia vào nhóm kế hoạch và phụ trách nhóm giáo án y khoa. Thuận lợi của mình là ban ND khá ít người nên việc quản lí cũng ko trở ngại nhiều, khó khăn có lẽ là khi tiếp túc với công việc mới, nhiều bạn CTV chưa biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu.

3. Hiện tại bạn là Trưởng ban Đối ngoại, bạn có thể mô tả cụ thể công việc tại vị trí mới?
Mình phụ trách một nhóm các bạn chịu trách nhiệm liên hệ với các cá nhân và tổ chức để hỗ trợ CLB về tài chính, nhân sự,…

Khi nhận vị trí mới thì hơi “choáng”, nhưng mọi việc vẫn khá ổn, thách thức đến với không chỉ mình mà cả ban đối ngoại, đó là việc tìm và duy trì các mối quan hệ để đảm bảo hoạt động của CLB. Mình đến với ban đối ngoại giống như “duyên-nợ”. Từ khi bắt đầu hoạt động xã hội đến nay, khoảng gần 5 năm, thì mình luôn đảm nhận vị trí “đối ngoại” ở gần như tất cả các hoạt động

4. Giữ vị trí “đối ngoại” trong 5 năm hoạt động, ắt hẳn bạn là người có duyên ăn nói?
Cũng không hẳn đâu, khiếu ăn nói không hoàn toàn là tất cả khi làm công việc này.

5. Bạn hãy chia sẻ những kỹ năng khác cho công việc “đối ngoại”?
Khả năng thuyết phục người khác, uy tín và sự sáng tạo nữa.

6. Bạn đã có đủ những yếu tố đó?
Đúng vậy.

7. Sức thuyết phục của bạn là bao nhiêu trong thang đo 100%?
60%

8. Hãy cho 1 nhận xét/cảm nghĩ về các CTV của CLB?
Các bạn đều rất nhiệt tình và sẵn sàng cho đi bằng trái tim mình với các bệnh nhi, mình rất vui vì điều đó.

9. Theo bạn, các CTV cần trau dồi thêm kỹ năng gì?
Kĩ năng làm việc nhóm và giao tiếp.

10. Bạn đánh giá bản thân đã có điểm mạnh gì và còn thiếu sót gì?
Điểm mạnh là trách nhiệm, thiếu sót chắc là khá cứng nhắc.

11. Điều gì bạn được học hỏi từ CLB trong suốt thời gian gắn bó?
Đặt niềm tin và trái tim mình vào mỗi công việc.

12. Theo bạn, CLB cần khắc phục những điểm gì?
Đó là trau dồi thêm kĩ năng cho CTV.

13. Tôn chỉ của bạn để hoạt động đạt công năng tối đa là gì?
Thà hông làm thì thôi, nếu đã làm thì làm ra ngô ra khoai hì hì

14. Hãy dùng 3 từ (hoặc cụm từ) để nói về CLB?
Trái tim, niềm tin, trách nhiệm

15. Bạn nghĩ Ban Đối ngoại cần làm gì để đẩy mạnh hoạt động và sự ảnh hưởng của CLB trong 3-5 tháng tới?
Sẽ tập huấn thêm kĩ năng cho các CTV và đẩy mạnh các mối quan hệ để quảng bá tên tuổi cũng như phát triển CLB.

Cảm ơn bạn, chúc bạn may mắn.

Thực hiện: Tram Anh

1 thg 11, 2013

Các lưu ý khi đi Hội Trại CTV.

Để chuẩn bị cho một ngày trại chơi hết sức, quậy hết mình, BTC Trại lưu ý với các bạn về đồng phục và vật dụng trong ngày hội trại như sau:
- Quần áo:
o Bộ đồ mặc lúc tập trung gồm:
        Quần short/ lửng (thoải mái)
        Áo (do CLB phát vào ngày 30.10)
        Dép kẹp
        Nón che nắng
o Mang theo một bộ quần áo, khăn lông để thay đồ sau khi chơi.

- Dụng cụ kèm theo:
o 1 chai nước suối
o Giấy bút ghi chép
o Tránh mang đồ quý giá – không cần thiết để tránh mất mát trong buổi đi chơi. (Phần chụp hình do Nhóm hình ảnh chịu trách nhiệm)
o Đem theo đàn guitar hoặc các dụng cụ có thể phục vụ cho phần biểu diễn văn nghệ của nhóm.

- Xe cộ di chuyển:
o Xe nạp xăng đầy đủ - tránh gián đoạn trong khi di chuyển
o Mang theo nón bảo hiểm nếu KHÔNG đi xe

Lưu ý: Các nhóm trưởng nhanh chóng liên hệ với thành viên trong nhóm vắng mặt ngày họp 30/10 để nhắn nhủ công việc và đưa áo cho các bạn ấy nhé.
Chúc các bạn một ngày tham gia trại thật vui và bổ ích!!!


#15

Vốn tôi từ xưa không giỏi văn vẻ, càng khổ sở hơn khi phải diễn đạt cảm xúc của mình bằng câu chữ. Nhưng chuyến đi đến bệnh viện Ung Bướu hôm nay thôi thúc tôi phải ghi lại, vì tôi muốn chia sẻ những khoảnh khắc thật đẹp và ngọt ngào của cuộc sống mà tôi may mắn được trải nghiệm. 


Đó là khi tôi nhận ra rằng điều khó tin nhất mà tôi từng chứng kiến có lẽ là nụ cười nhẹ nhàng, ánh mắt trong trẻo của các bé bệnh nhi đang mang trong mình căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Sức sống nào có thể mãnh liệt bằng sức sống nội tại của các em? Dù căn bệnh làm thể chất các em suy kiệt nhưng không thể dập tắt đi nghị lực muốn tận hưởng cuộc sống mà các em được ban tặng.

Là khi tôi ngỡ rằng mình sẽ cần phải giúp đỡ các em nhiều, động viên các em nhiều để các em tham gia bài giảng của nhóm mình, thì hóa ra chính mình mới là người nhận sự “giúp đỡ” từ các em. Các em khiến tôi hiểu ra một điều mà có khi tôi đã quên mất: học tập thực sự là một niềm vui, và lớn hơn nữa, là niềm khao khát. Những khám phá, những kiến thức mới mẻ thực sự có thể xoa dịu các em hơn trăm liều thuốc giảm đau vì các em khao khát được học, được lĩnh hội, được chạm vào thế giới và thoát ra khỏi bốn bức tường phòng khám bó hẹp.

Sau mỗi buổi tham gia hoạt động của CLB, tôi như đứa trẻ được nghe kể một câu chuyện cổ tích, vỡ lẽ ra nhiều điều và háo hức trông chờ câu chuyện tiếp theo.

[Dy Lưu] - 24/10/2013

Một vài thắc mắc về bệnh Tay-chân-miệng.

Ở Việt Nam, mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho các loại virus phát triển và có nguy cơ gây ra các loại dịch bệnh cho trẻ em. Một trong các bệnh hay gặp phổ biến trong khoảng tháng 9-12 hàng năm là bệnh Tay – Chân – Miệng.

Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ gỡ rối một số thắc mắc về loại bệnh này.

Bệnh Tay – Chân – Miệng là gì? Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh nhẹ gây ra bởi một trong một nhóm virus Coxsackie. Nguồn gốc tên của bệnh này xuất phát từ các vết loét nhỏ phát triển trên bàn tay, bàn chân, miệng và xảy ra khá phổ biến ở trẻ em dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, đôi khi người lớn cũng có thể nhiễm bệnh nhưng ở một hình thức nhẹ hơn của virus.



Làm sao để biết trẻ đã nhiễm bệnh Tay- Chân – Miệng?
Thông thường, dấu hiệu đầu tiên khi bé bị nhiễm Tay – Chân – Miệng là vùng tay, chân và miệng có dấu hiệu bất thường như các vết loét, mụn rộp ở miệng, tay và chân. Ngoài ra, bé có thể bị đau cổ họng, sốt nhẹ, cảm thấy không khỏe vì mụn nước có thể gây đau . Các vết loét trong miệng gây cảm giác khó chịu khiến trẻ không muốn bú sữa, ăn uống, cơ thể mệt mỏi và quấy khóc.

Cha mẹ nên làm gì nếu nghi ngờ trẻ nhiễm bệnh Tay- Chân- Miệng?
Nếu trẻ sốt cao hơn 39 độ C hoặc các vết loét, mụn rộp vẫn không thuyên giảm sau 4- 5 ngày, đau cổ, đau ngực, khó thở , bơ phờ , hoặc mê mệt cần đưa bé đến ngay các cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ cố gắng hạ sốt và kiểm tra nhiễm trùng thứ cấp. Bên cạnh đó, nếu bé có dấu hiệu mất nước vì không ăn hoặc uống hoặc tã không ướt trong hơn 6-8 giờ , hãy liên lạc ngay với bác sĩ .

Làm thế nào để chăm sóc tốt nhất khi bé bị bệnh Tay – Chân – Miệng?
Mặc dù thông thường, phải mất khoảng thời gian 7-14 ngày để các dấu hiệu virus tay , chân và miệng giảm dần, các bậc phụ huynh có thể làm bé giảm bớt sự khó chịu và trở nên thoải mái hơn.
  • Gel mọc răng làm giảm cơn đau của bé.
  • Để tránh mất nước , tiếp tục cung cấp sữa mẹ hoặc sữa bột (đối với trẻ sơ sinh), nước hoặc nước pha loãng (đối với trẻ lớn). 
  • Hạ sốt, giảm đau: dùng paracetamol 10 -15mg/kg cân nặng/ mỗi 4 – 6 giờ, chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38 độ C trở lên.
  • Vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng.
  • Cho bé nghỉ ngơi.
  • Sử dụng thêm các vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành.
Nếu đã từng bị Tay – Chân – Miệng, liệu bé có thể nhiễm bệnh lần nữa?
Cũng giống như cảm lạnh, bé sẽ được miễn dịch với virus đã từng nhiễm, tuy nhiên cần hết sức cẩn trọng vì có rất nhiều chủng của virus bệnh tay, chân và miệng.

Bệnh tay chân miệng có thể ảnh hưởng đến người lớn không?
Bệnh tay chân miệng hiếm khi ảnh hưởng đến người lớn khỏe mạnh. Tuy nhiên, một khi đã bị nhiễm Tay – Chân – Miệng, các bậc cha mẹ sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng với bàn tay, bàn chân sưng lên và khá đau đớn so với trẻ nhỏ.

Các hệ quả nghiêm trọng của bệnh Tay- Chân- Miệng là gì?
Biến chứng của bệnh bao gồm suy tim liên quan đến viêm cơ tim và tử vong đột ngột liên quan đến nhịp tim bất thường . Ngoài ra, trẻ sơ sinh nhiễm virus có thể bị nhiễm trùng nặng dẫn đến suy gan và xuất huyết lớn dẫn đến tử vong.

Phòng tránh bệnh Tay- Chân – Miệng như thế nào?
Trẻ em và người lớn cần có thói quen rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ lây lan của loại virus này . Đặc biệt, cha mẹ và người chăm sóc bé khi thay tã em bé nên rửa tay cẩn thận. Khi một đứa trẻ bị bệnh bị nhiễm virus Tay- Chân- Miệng, bé cần được cách ly khỏi trường học, hồ bơi trong những ngày đầu nhiễm bệnh.

Thực hiện: Phương Anh.

Biên tập trích dẫn từ :
Ảnh: Internet

31 thg 10, 2013

PHẠM THÁI HÀ - Hậu cần thầm lặng.





Những buổi dạy tại các bệnh viện, sinh hoạt tập thể hay tập huấn kỹ năng, CLB luôn mong mỏi mang lại những điều hữu ích cho các bạn. Và để có được sự thành công ấy, trong quá trình tổ chức, sự kết nối và hỗ trợ giữa các Ban là điều không thể thiếu.

Gương mặt BKBN hôm nay, sẽ mang đến cho chúng ta cái nhìn bao quát về hoạt động của Ban Hậu cần, với những chia sẻ thẳng thắn và thân tình từ chị PHẠM THÁI HÀ - Trưởng ban Hậu cần.


Phần 1: Thông tin cá nhân
1. Ngày sinh: 05/02/1990
2. Cung hoàng đạo: Bảo Bình
3. Học vấn: sinh viên năm cuối Đại học Hoa Sen

Phần 2: Phác họa chân dung
5. Sở thích: thay đổi theo mùa nhưng cơ bản là nghe nhạc, ăn vặt và đọc sách
6. Màu sắc đại diện: đen
7. Dùng 3 tính từ miêu tả về bạn: mập :”>, thật, lười
8. Quan niệm sống: Không hối hận những gì đã làm
9. Ước mơ lớn nhất: nhiều quá với lại “nói trước bước không qua” nên chị xin giữ lại cho riêng mình
10. Điều bạn sợ nhất: không làm được việc gì có ích và không còn gia đình bên cạnh


Phần 3: Tâm tình
1. Chị có thể mô tả cụ thể về công việc của chị tại CLB?
Chị bắt đầu tham gia với Phương Linh ( chủ nhiệm CLB) khi bắt đầu chuẩn bị các học cụ cho 2 buổi dạy thử tại Bệnh viên Ung Bướu và Bệnh viện Nhi Đồng II.

Công việc chính là tìm hình ảnh, chuẩn bị các vật dụng để dạy học, in tài liệu. Do chị có việc riêng nên thời gian gần đây ít tham gia hoạt động với CLB. Hiện nay, thực hiện là do 2 bạn Phó ban Tâm và Hiền phụ trách chính.

2. Để làm TV, CTV ban Hậu cần, các tình nguyện viên cần đạt những yêu cầu gì?
Theo chị thì không có yêu cầu gì cụ thể đâu. Các bạn chỉ cần luôn trong tinh thần thoải mái nhiệt tình và sẵn sàng thôi. Vì tính chất công việc phải làm những thứ nhỏ nhỏ, di chuyển lại nhiều chưa kể còn phải vận chuyển các học cụ đến nơi nguyên vẹn, phải linh hoạt nghĩ ra mua được nhiều đồ nhất với một số tiền nhất định. Đôi khi, như đi in tài liệu tưởng xong rồi mang về nhà nhưng khi về mới có yêu cầu phải in thêm thế là phải chạy ra tiệm in tiếp.

Do đó, các bạn có tinh thần thoải mái và sẵn sàng sẽ làm việc được tốt hơn và không cảm thấy bị khó chịu vì công việc. Còn lại thì trong quá trình làm các bạn sẽ tự tích lũy cho riêng mình được.

3. Vẫn còn nhiều bạn chưa hiểu công việc của ban Hậu cần, chị có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này không ạ?
Công việc Hậu cần hiểu đơn giản là công việc chuẩn bị phương tiện cho các hoạt động của CLB, cũng như vận chuyển và bảo quản các phương tiện đó. Nhằm đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất với nguồn vốn hợp lý nhất.

4. Chị đánh giá tầm quan trọng của ban Hậu cần trong một tổ chức như thế nào?
Tất cả các ban đều hoạt động phối hợp với nhau. Do đó đều quan trọng như nhau, chỉ cần một ban hoạt động lạc nhịp là dẫn đến sự hoạt động không hiệu quả của cả tổ chức.

5. Là Ban làm nhiều việc quan trọng, vất vả nhưng lại ít khi lộ mặt, ít được biết đến, có khi nào chị cảm thấy buồn và tủi thân không?
Chị không có suy nghĩ đó và các bạn trong Ban có lẽ cũng thế.

6. Tinh thần chung của các bạn trong Ban Hậu cần khi phải làm việc phía sau hậu trường như thế nào ạ? 
Các bạn làm việc rất gọn gàng, nhanh nhẹn. Đôi khi hơi mệt vì phải chạy nhiều nhưng các bạn đều thấy vui.

7. Chị có chia sẻ thời gian gần đây chị ít tham gia hoạt động với CLB, chị có thể cho biết vì sao? Và chị sẽ quay lại sớm chứ?
Chị là sinh viên năm cuối nên cần gấp rút hoàn thành các môn cuối cùng. Tất nhiên, sau khi thi xong chị sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động của CLB.

8. Với góc nhìn của người trong cuộc lẫn ngoài cuộc, chị nhận thấy mặt mạnh nhất của CLB hiện nay là gì? Và điểm gì còn yếu và cần khắc phục?
CLB có ưu thế là phương hướng hoạt động không giống các CLB khác chị biết. Thay vì đơn giản chỉ đến chơi và phát quà cho các bé thì CLB kết hợp việc đó lại với việc giúp các bé hiểu biết thêm và thực hành tốt về các phương pháp phòng bệnh đơn giản. Ngoài ra, các bé còn được học những kiến thức phổ thông thú vị về cuộc sống xung quanh. Điểm trội nữa là, các thành viên của CLB chủ yếu là sinh viên Đại học Y Dược nên các bạn đảm bảo được tính chính xác của việc truyền dạy các kiến thức về sức khỏe. Thành viên còn trẻ, nhiều nhiệt huyết và sáng tạo.

CLB mới thành lập nên vấn đề về tài chính là điều không tránh khỏi. Thêm nữa là chuyện thời gian, các bạn đều đa số là còn đang đi học nên chuyện sắp xếp thời gian còn khó.

9. Chị nghĩ sao về “sức mạnh của mối quan hệ”? Sức mạnh ấy giúp chị như thế nào trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động tại CLB?
Hồi trước thì chị chưa ý thức được “sức mạnh các mối quan hệ” nhưng sau này khi có vài chuyện xảy ra thì chị mới thấy được mặt lợi ích của việc này. Sức mạnh này không thể hiện lợi ích ngay cho bản thân nhưng khi cần sẽ thấy được rõ giá trị của việc có mối quan hệ rộng. Như khi CLB mới ra đời, nhưng nhờ có quen nhiều người, thấy được ý nghĩa của CLB nên đã giúp phổ biến hoạt động của CLB đồng thời thu hút được nhiều bạn có chung chí hướng muốn góp sức dù không phải là sinh viên trường Y.

10. Theo chị, CLB đã cho chị những gì và lấy đi của chị những gì?
Tham gia CLB, làm trong Ban Hậu cần, chị đã học thêm được cách xài tiền hiêu quả , quen được các bạn giỏi giang, năng động cũng như biết thêm kiến thức về phổ thông cũng như sức khỏe. Và chị chưa thấy chị bị lấy đi gì cả.

11. Điều mà Ban Hậu cần muốn nhắn nhủ đến với toàn thể thành viên, cộng tác viên của CLB là gì?
Cảm ơn các bạn đã và đang giúp sức cho CLB. Nhờ các bạn mà CLB đang dần hoàn thiện tốt hơn.

12. Chị có nghĩ mình là người hạnh phúc? Vì sao?Nhìn chung, chị là người hạnh phúc vì chị có gia đình, có sức khỏe, có bạn bè, được ăn học và có công việc để làm.

Cảm ơn chị.
Chúc chị luôn đạt được mọi ước vọng của mình

Thực hiện: Tram Anh

30 thg 10, 2013

Buổi dạy ở BV Nhi đồng 2 (ngày 25.10.2013)


Tôi dự định sẽ chọn những tấm hình đẹp nhất, sáng sủa nhất, tròn trịa nhất để đăng lên.

Nhưng ở mỗi tấm hình, tôi đều phải dừng lại thật lâu để tìm lý do chọn đăng hoặc bỏ lại. Và rồi tôi quyết định đăng tất cả. Chính sự hồn nhiên của các em, sự tận tâm của các bạn CTV đã khiến mỗi tấm hình trở nên khác biệt. Tôi đọc được ở đó một sự cố gắng âm thầm nhưng bền bỉ. Tôi đọc được ở đó một sự chắt chiu yêu thương mà những người trẻ dành cho những người trẻ hơn họ một vài năm, hoặc cũng có thể là 1 thế hệ. Tôi thấy có những nụ cười chợt hiện, rất khẽ nhưng không đơn giản để hiểu hết ý nghĩa của nụ cười đó là gì. Tôi cũng thấy những ánh mắt, rất trẻ và hồn nhiên, nhưng cũng là những ánh mắt thấp thoáng buồn, thấp thoáng hồ nghi và thấp thoáng mỏi mệt. Có lẽ đằng sau đó là những cơn đau âm ỉ vì bệnh tật. Nhưng điều mà tôi thấy ở tất cả các tấm hình là một niềm hi vọng đang được nhóm lên từ chính sự cố gắng và yêu thương của các bạn trẻ dành cho nhau như cho những người bạn, người anh em, người cháu của mình. Đó là điều mà tôi cảm động nhất.

Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến trong hành trình lần này là mỗi người hãy thắp lên một ngọn lửa để cùng xua tan cái lạnh lẽo, nhợt nhạt, lối mòn và nhỏ bé. Hãy để những ngọn lửa của sự yêu thương và hi vọng được cháy, tự do và mãnh liệt. Hãy để tuổi trẻ của bạn được cống hiến, được hi sinh. Vì đâu đó quanh ta, luôn có những mảnh đời cần được cảm thông, giúp đỡ.

Ảnh: Xuedge Nguyen

28 thg 10, 2013

Họp mặt cuối tháng 10 Ban Truyền thông.



Sáng CN (27.10), Ban Truyền thông đã có cuộc gặp gỡ thân mật nhằm tổng kết các hoạt động trong tháng 10 và trao thưởng cho những bạn đạt chỉ tiêu xuất sắc.

Các phần quà đều do chị Mỹ Dung (Trưởng ban) tài trợ.

Ảnh: Trâm Anh, Dy Lưu

27 thg 10, 2013

Biểu hiện của Dị ứng thức ăn: ĐÁNH GIÁ VÀ XỬ TRÍ.


Mức độ phổ biến của dị ứng thức ăn?
25% dân số nghĩ rằng mình bị dị ứng với một số thực phẩm nhất định, nhưng nghiên cứu cho thấy khoảng chỉ 6% trẻ em và 2% người lớn bị dị ứng thức ăn.

Khác nhau giữa dị ứng thức ăn và không dung nạp được thức ăn?
Dị ứng thức ăn đúng nghĩa là một phản ứng khởi phát của hệ miễn dịch. Không ít người đơn giản chỉ gặp phải sự không dung nạp được thức ăn, là những triệu chứng khó chịu do thức ăn gây ra (nhưng không liên quan đến hệ miễn dịch).

Ví dụ, dị ứng sữa, ở trẻ em phổ biến hơn nhiều so với người lớn. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sẽ không còn dị ứng khi lên 2 hoặc 3 tuổi. Triệu chứng khi dị ứng sữa gồm phát ban, nôn mửa và các vấn đề hô hấp sau khi dùng sản phẩm sữa. Nhiều người trưởng thành có thể đã trải qua những triệu chứng tương tự dị ứng sữa vì người trưởng thành thường gặp vấn đề trong việc tiêu hóa chất đường trong sữa. Vấn đề này đực gọi là “không dung nạp được lactose”, và nó không phải là một dạng dị ứng vì nó không liên quan đến hệ miễn dịch. Những triệu chứng của không dung nạp được lactose là sưng phồng, co rút, buồn nôn, xì hơi, tiêu chảy.

Triệu chứng của dị ứng thức ăn là gì?
Những triệu chứng tức thời phổ biến nhất của dị ứng thức ăn bao gồm:
- Phát ban (các mảng rộng trên da)

- Sưng phồng
- Ngứa da
- Ngứa hoặc đau nhói trong miệng
- Cảm thấy vị kim loại trong miệng
- Ho, vấn đề về hô hấp hoặc thở khò khè
- Khàn họng
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
Người bệnh cũng có thể cảm thấy những tình trạng xấu sẽ diễn ra, da tái nhợt do hạ huyết áp hoặc mất ý thức. Những bệnh mãn tính phổ biến nhất liên quan đến dị ứng thức ăn là chàm và hen suyễn.
Dị ứng thức ăn có thể gây chết người nếu dị ứng nặng đến mức gây ra một phản ứng gọi là sốc phản vệ. Phản ứng này làm tắc khí đạo và gây khó thở. Xử trí nhanh với thuốc epinephrine có thể cứu sống được. Nếu bạn hoặc con cái mắc một dị ứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho bạn đơn thuốc epinephrine bằng bút tự tiêm. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách dùng và khi nào phải dùng đến cây bút tự tiêm. Nếu bác sĩ nói bạn có thể cần dùng đến thuốc này, bạn sẽ phải luôn luôn mang nó theo bên mình.

Một người có phản ứng dị ứng cần được đưa đến bệnh viện để cấp cứu, vì một lượng arenaline được đưa vào cơ thể có thể gây nguy hiểm. Bác sĩ có thể cho dùng epinephrine giúp làm chậm tuần hoàn máu, hơi thở và chuyển hóa.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ:
- Những thức ăn nào thường gây ra phản ứng dị ứng?
Mặc dù người ta có thể bị dị ứng với bất kì loại thức ăn nào, nhưng hầu hết các dị ứng thức ăn là do các loại hạt, đậu phộng, sữa, trứng, tương, lúa mì, cá và các loại hải sản… Tám loại này gây ra 90% các trường hợp dị ứng thức ăn. Hầu hết những người có dị ứng thức ăn đều dị ứng với không quá 3 loại trên.
- Ta có thể dị ứng với thức ăn có phẩm màu và hương nhân tạo?
Nghiên cứu cho thấy rằng một số chất phụ gia, như tartrazine, màu vàng No.5 và aspartame (một hóa chất làm ngọt), gây ra vấn đề ở một số người.
- Ta có thể dị ứng với đường?
Không. Tình trạng dị ứng thức ăn khi hệ miễn dịch cho rằng một protein nào đó trong thức ăn là một nhân tố lạ và chống lại chúng. Điều này không xảy ra với đường và chất béo.
- Cách điều trị dị ứng thức ăn?
Đó là khi dị ứng thức ăn được phát hiện và tránh những thức ăn gây dị ứng. Nếu bị dị ứng, bạn phải đọc nhãn thông tin trên tất cả các thực phẩm mà bạn sẽ ăn. Bác sĩ có thể giúp bạn học cách tránh những thức ăn gây dị ứng. Nếu trẻ bị dị ứng, phụ huynh cần cho trường học và người trông trẻ biết về những thức ăn cần tránh và cần làm gì khi vô ý ăn phải. Không có cách chữa trị dị ứng thức ăn.
- Ta có thể thoát khỏi dị ứng thức ăn?
Dù đa số trẻ thường tự khỏi dị ứng với sữa, trứng, đậu tương và lúa mì nhưng không phải tất cả đều thế. Người ta hiếm khi tự khỏi với các dị ứng đậu phộng, hạt, cá và các loại hải sản.

Bác sĩ SH Sicherer (American Family Doctor)
Ảnh: Internet

Tại sao nên đi HỘI TRẠI CTV?

TẠI SAO NÊN ĐI HỘI TRẠI NHỈ?
=> Vì đây là dịp để các bạn giao lưu với thêm nhiều nhiều “đồng nghiệp tương lai”, cực kỳ có ích nhé. Mà ko chỉ trong CLB chúng ta thôi đâu, còn rất nhiều SV từ các trường bạn và các tổ chức xã hội khác nữa đấy!
Thay vì tận hưởng một chủ nhật lặng lẽ ở nhà thì tại sao không thay đổi không khí bằng 1 ngày trải nghiệm cuộc sống lao động của những người nông dân, tận hưởng hương đồng cỏ nội cách trung tâm thành phố khoảng 45 phút xe máy.

HỘI TRẠI CÓ GÌ HẤP DẪN NÀO?
- Chắc chắn sẽ có thi đấu hoành tráng và sôi nổi giữa các đội chơi
- Một cái ao với độ sâu 1.2m sẽ mang lại nhiều trò vui đầy sáng tạo, độc, chất … đang chờ bạn khám phá.
- Các loại thực vật cây nhà lá vườn phải chăng cũng là một thử thách khác cho các CTV của CLB?
- Những món ăn được chế biến từ công sức của bạn?
- Một ngày để hiểu thêm về CLB – Ban Chủ Nhiệm và các bạn cùng đội chơi ….


TẠI SAO KHÔNG??! 
Vì vậy, các bạn CTV hãy nhanh tay đăng ký một suất "lánh xa phố thị" một ngày cùng CLB Bé Khỏe Bé Ngoan, các bạn nhé!

Hạn chót đăng ký: 23g59p ngày 29/10/2013
Lệ phí tham gia: 70.000 VNĐ/ bạn

Các bạn CTV đăng kí tham gia vui lòng soạn tin nhắn đến số 097.825.7274 theo cú pháp “TÊN – BAN” trong đó: TÊN là họ và tên của bạn, BAN là ban mà bạn đang tham gia hoạt động trong CLB, nếu bạn tham gia 2 ban, ưu tiên nhắn tin ban nào có số lượng người ít hơn.

 

Copyright @ 2013 CLB tình nguyện Bé khỏe bé ngoan..